Người bán đảm bảo "không trùng đề tài"
Trên fanpage Ý tưởng sáng tạo trẻ, một nhóm công khai có khoảng 13.700 thành viên, được giới thiệu là nhóm Club Ươm mầm khoa học kỹ thuật phổ thông nhưng thay vì là nơi chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật như tên gọi của nó thì hằng ngày hàng loạt bài đăng trao đổi, mua bán các sản phẩm dự thi khoa học kỹ thuật.
Tương tự, một nhóm công khai trên facebook có tên Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật – Sáng tạo thanh thiếu niên có hơn 3100 thành viên cũng chẳng khác nào một "chợ online" mua bán các dự án khoa học kỹ thuật học sinh phổ thông.
Các dự án được quay video clip để chào mời khách hàng, kèm theo số điện thoại liên hệ. Không chỉ rao bán các sản phẩm, thậm chí thành viên của nhóm cũng nhận hỗ trợ giáo viên, phụ huynh, học sinh trong việc thực hiện các đề tài.
Trước nhu cầu tìm kiếm một dự án đạt giải khoa học kỹ thuật hoặc sáng tạo thanh thiếu niên, lập tức hàng loạt các bình luận rao giá, PR sản phẩm ở các lĩnh vực từ môi trường, sinh hóa, vật liệu, phần mềm sáng tạo, app di động... Trong đó có đầy đủ cả sản phẩm, hồ sơ với giá từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng.
Một tài khoản tên N.Q.K quảng cáo “Mình nhận làm các sản phẩm về lĩnh vực điện, vật lý, hệ thống nhúng, covid, đồ dùng học tập thông minh, học online mùa covid... Các thầy cô cần tư vấn ý tưởng và làm sản phẩm inbox hoặc liên hệ số điện thoại zalo.
Tài khoản V.V.T cho biết, có luôn sản phẩm giá chỉ 1.2 triệu đồng, có video, inbox để trao đổi.
Trong vai người muốn mua sản phẩn dự thi khoa học kỹ thuật cho con trai học chuẩn bị vào lớp 9 để được cộng điểm khi vào lớp 10, phóng viên liên hệ theo số điện thoại của một tài khoản có tên Duy điện tử.
Người đàn ông tự nhận ở Quảng Nam, học chuyên ngành về điện tử, đã hỗ trợ cho nhiều dự án. Khi biết được nhu cầu của khách, người đàn ông giới thiệu hiện đang có đề tài “đàn tích điện 4 trong 1”, có thể sạc điện, có chức năng ghi âm, chống cận, chống gù lưng.
Nếu đồng ý, bên bán sẽ hỗ trợ sản phẩm, quá trình lắp ráp, đưa ra sườn bài, làm mẫu sẵn... với tổng chi phí trọn gói 3 triệu đồng.
Khi phóng viên thắc mắc, với sản phẩm này khả năng đạt giải và được cộng điểm như thế nào thì đầu dây bên kia khẳng định khả năng cộng điểm rất cao vì sản phẩm chưa được công bố trên mạng. Đồng thời tiết lộ đã làm sản phẩm này ở Nghệ An có giải và Quảng Nam có giải Nhất tỉnh.
Người đàn ông cũng cho biết, trước đó từng hỗ trợ nhiều đề tài trong đó có dự án “chống lũ bằng giọng nói phát thanh”. Nếu đồng ý, khách hàng kết bạn Zalo, bên kia sẽ gửi sản phẩm cho xem.
Giáo viên cũng rao bán sản phẩm công khai?
Trên nhóm “Sáng tạo khoa học kỹ thuật”, một số thành viên tự xưng là giáo viên cũng chụp giấy chứng nhận các dự án đạt giải đăng lên group.
Tài khoản T.H không ngần ngại up lên group ảnh chụp chứng nhận của nhóm tác giả đạt giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Đắk Nông lần thứ 7 với mô hình “Hướng dẫn tạo Ebook điện tử”.
Còn trong một bài đăng ngày 7/4/2022, tài khoản N.N tự xưng là giáo viên của một trường THCS ở Điện Biên đã tải lên 3 bức ảnh chụp các giấy chứng của Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên về các đề tài khoa học kỹ thuật đã đạt giải cấp tỉnh của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Mường Nhà trong các năm 2021-2022, 2018-2019.
Đáng chú ý, tài khoản này đã đăng tải cả Giấy chứng nhận của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đối với giáo viên hướng dẫn dự án đạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh, năm học 2020-2021.
Khi được thắc mắc “Đề tài đã đem đi thi rồi thì có tác dụng gì?”, tài khoản này trả lời “nhảy số đi vì mỗi tỉnh một khác”.
Trong khi đó, một tài khoản có tên Huỳnh Tâm giải thích “đi mua về thì cũng phải nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tỉnh mình, trường mình. Đi mua là tham khảo cách làm, tham khảo ý tưởng”.
Sân chơi khoa học kỹ thuật bị biến tướng vì đâu?
Theo quy chế tuyển sinh mới nhất của Bộ GD&ĐT, thí sinh đoạt giải trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia đã tốt nghiệp THPT sẽ được xét tuyển thẳng vào đại học theo ngành phù hợp với môn thi, hoặc nội dung đề tài dự thi mà thí sinh đã đoạt giải.
Còn tại nhiều địa phương, học sinh lớp 9 sẽ được cộng điểm trong Kỳ thi vào lớp 10 nếu có giải của các cuộc thi khoa học kỹ thuật.
Việc tồn tại những “chợ online” mua bán các dự án khoa học kỹ thuật học sinh trung học khiến dư luận bức xúc.
Bạn Phạm Gia Khánh ở Hà Nam từng tham gia nhiều cuộc thi sáng tạo cả trong nước và nước ngoài bức xúc “Tại sao các thầy cô lại đi mua sản phẩm khoa học kỹ thuật? Em đi thi thấy đa số sản phẩm đều đã qua mua bán, và đáng lẽ ra những sản phẩm đó không đáng để được giải. Tuy nhiên, những sản phẩm này lại được giải cao hơn những sản phẩm mà học sinh thực sự lên ý tưởng, thực sự làm”.
Nhìn vào các dự án, Khánh cho rằng những sản phẩm này quá sức so với một học sinh trung học, đa số nằm ở lĩnh vực sinh hoá... “Học sinh trung học nghiên cứu được công nghệ gen, chống ung thư, nực cười. Có vẻ như các ban giám khảo đã cố tình lờ đi những điều này ở các sản phẩm”.
“Em là một trong số ít học sinh trung học có niềm đam mê với khoa học kỹ thuật. Em thực sự thấy khó chịu khi một sản phẩm mà em mất gần 2 tháng để lên ý tưởng, lập trình và hơn 30 phút trình bày và phản biện, bảo vệ ý tưởng... lại không bằng 1 sản phẩm đi mua”.
Theo dõi các fanpage sáng tạo khoa học kỹ thuật, tài khoản Long Sỹ Ngô cho rằng, sản phẩm khoa học kĩ thuật hay ý tưởng sáng tạo khoa học của học trò đang được một số thầy cô rao bán và mua như tôm cá ngoài chợ. Những việc làm trên đang giết chết thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước và bán rẻ nhân phẩm nhà giáo. "Mua về để phát triển là ngụy biện không thể chấp nhận được. Thầy cô giáo hãy gieo điều tử tế cho học trò, còn không hãy ngồi yên, như vậy là may mắn cho quốc gia"./.