Bộ GD-ĐT vừa công bố Đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Môn Ngữ văn vẫn sẽ thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút. Đề thi gồm 2 phần Đọc hiểu (4 điểm) và Viết (6 điểm).

Đề thi tham khảo vừa có tính kế thừa, vừa có sự đổi mới

Khi xem đề tham khảo, cô Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổ trưởng Tổ Ngữ Văn Trường THPT Nguyễn Huệ, TP. Huế (Thừa Thiên – Huế) nhận xét, đề thi vừa có tính kế thừa, vừa có sự đổi mới so với đề thi tốt nghiệp THPT theo chương trình cũ.

Về mặt cấu trúc, Đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 vẫn có 2 phần: Đọc hiểu và Phần viết tương tự chương trình cũ. Cụ thể, ở phần Đọc hiểu, đề thi đưa ra một ngữ liệu và yêu cầu học sinh trả lời câu hỏi ở các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Ở phần viết, đề thi có 2 câu, trong đó một câu yêu cầu viết đoạn và một câu viết bài.

Điểm đổi mới trong đề thi tham khảo là phần viết có sự linh hoạt. Nếu như chương trình cũ câu 1 viết đoạn cố định là câu hỏi nghị luận xã hội và câu 2 yêu cầu viết bài văn là câu hỏi Nghị luận văn học thì đề thi tham khảo có sự linh hoạt hơn. Cụ thể, phần đọc hiểu nếu đã trích ngữ liệu nghị luận văn học thì phần viết bài sẽ không hỏi về nghị luận văn học nữa mà hỏi về nghị luận xã hội. Tương tự, phần đọc hiểu đưa ra ngữ liệu là văn bản thông tin, văn bản nghị luận xã hội thì phần viết bài sẽ hỏi nghị luận văn học. Điều này cho thấy cấu trúc đề thi mở hơn so với chương trình cũ.

Về phổ điểm, trước đây phần đọc hiểu chiếm 3 điểm, phần viết 7 điểm, trong đó viết đoạn 2 điểm, viết bài 5 điểm. Với đề thi tham khảo, câu hỏi đọc hiểu được tăng cường với 4 điểm. Phần viết chiếm 6 điểm, trong đó viết đoạn 2 điểm, viết bài 4 điểm.

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT mọi năm, phần viết bài là câu hỏi Nghị luận văn học. Trong khi đó, phần viết bài ở đề thi minh họa lại ra nghị luận xã hội. Câu nghị luận xã hội hỏi kiến thức xã hội nhưng vẫn kiểm tra được cách viết văn của học trò theo cô Hiền là hợp lý. Đồng thời, tránh được tình trạng học vẹt, học tủ của nhiều năm trước - khi phần viết bài thường là câu nghị luận văn học với ngữ liệu trong SGK.

Đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 bám sát yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo tiêu chí về chọn ngữ liệu, ma trận câu hỏi. Đây là nhận định của cô Nguyễn Hoài Anh, nguyên giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội.

“Ưu điểm là ngữ liệu đưa ra ở phần đọc hiểu không quá dài so với đề minh họa mà Bộ GD-ĐT công bố năm 2023. Điểm thú vị là đề thi tích hợp phần viết đoạn văn với ngữ liệu đọc hiểu. Việc đưa ra ngữ liệu đọc hiểu và yêu cầu học sinh trả lời câu hỏi đọc hiểu, vừa viết đoạn văn từ ngữ liệu đọc hiểu giúp thí sinh tiết kiệm thời gian. Điều này giúp đánh giá được kỹ năng phần đọc hiểu, đồng thời đánh giá được kỹ năng viết nghị luận văn học”.

Đề thi nhẹ nhàng hơn?

Với chương trình cũ, ngữ liệu đọc hiểu thường rơi vào những nội dung tương đối quen thuộc như: Phẩm chất cần có của thanh niên hay những vấn đề thời sự gần gũi. Còn ở đề thi tham khảo, dù ngữ liệu phần đọc hiểu rất hay và đậm chất văn chương nhưng cô Hoài Anh có sự băn khoăn. Bởi vì, một đoạn thơ về Hà Nội sẽ không khó với những học sinh ở thành thị nhưng với học sinh vùng nông thôn, vùng sâu xa chưa ra Hà Nội bao giờ thì sẽ gặp khó để hiểu sâu văn bản.

Nhiều ý kiến cho rằng bài viết nghị luận xã hội sẽ có tính phân hóa học sinh. Tuy nhiên, với đề thi này, cô Hoài Anh cho rằng ngay cả câu hỏi đọc hiểu số 3-4-5 cũng không “ngon ăn” với học sinh.

Trong khi đó, Tổ trưởng Tổ Ngữ Văn, Trường THPT Nguyễn Huệ cho rằng đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 có phần nhẹ nhàng hơn so với đề thi tốt nghiệp mọi năm. Ở phần viết, đề yêu cầu viết bài văn nghị luận xã hội 600 từ thì học sinh không cần viết dài. Những học sinh không học giỏi văn cũng có thể viết được bằng sự hiểu biết xã hội của mình.

Ngay sau khi có đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, cô Hiền đã chia sẻ với học sinh của mình, đa số học sinh phản hồi rằng, đề thi nằm trong khả năng làm bài của các em. Phần đọc hiểu hơi dài, câu hỏi phân tích hình ảnh Hà Nội có thể là lợi thế học sinh miền Bắc. Với học sinh miền Trung, nhiều cháu có thể chưa cảm nhận được hết vẻ đẹp của Hà Nội để làm bài. Câu hỏi viết bài văn nghị luận xã hội về trí tuệ nhân tạo gần gũi với học sinh vì hiện nay nhiều em đã sử dụng AI cho học tập và cuộc sống. Tuy vậy điều cô Hiền băn khoăn là: với những học sinh miền núi, câu hỏi về trí tuệ nhân tạo chưa hẳn là phù hợp.

Cô Hiền cho rằng mặt bằng chung của đề tham khảo ở mức độ tốt nghiệp, tính phân hóa thấp. Những học sinh ở trường chuyên và học tốt môn văn không có nhiều cơ hội phô diễn năng lực của mình. Tuy nhiên, mục đích của mỗi đề thi khác nhau. Đề thi này là đề tốt nghiệp dùng chung cho cả nước nên hướng tới học sinh “đại chúng” chứ không phải đề thi học sinh giỏi. Sau này, những học sinh chọn nghề liên quan đến bộ môn như giáo viên Ngữ Văn, Báo chí… sẽ học chuyên sâu ở môi trường Đại học. Vì vậy, độ khó của đề thi là phù hợp. Hơn nữa, năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên đề thi cần có sự đổi mới vừa phải.

Tác động tới dạy và học văn trong trường phổ thông

Với dạng đề thi này, cô Nguyễn Thị Thu Hiền và cô Nguyễn Hoài Anh đều cho rằng, giáo viên sẽ phải chú ý dạy học trò nghiêng về kỹ năng hơn kiến thức. “Trước đây mình cứ chăm chăm dạy kiến thức, dạy học trò nội dung và nghệ thuật để học trò ghi nhớ và làm lại. Nhiều khi, các em chép lại mà không hiểu. Còn với đề này, giáo viên phải dạy kỹ năng làm văn nghị luận văn học thế nào, làm câu hỏi nghị luận xã hội ra sao, với những kỹ năng đã được trang bị học trò sẽ đọc được các tác phẩm khác ngoài chương trình”, cô Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng chia sẻ.

Với đề thi theo kiểu này, giáo viên sẽ không dạy mẫu được và việc gợi ý học sinh đi học thêm ít nhiều được điều chỉnh. Điều này cũng sẽ là thách thức với giáo viên trong việc thay đổi cách giảng dạy. Tuy vậy, cô Hoài Anh cho rằng phải quyết liệt mới thay đổi tình trạng đọc chép, làm văn theo khuôn mẫu.

Khi không đưa ngữ liệu SGK vào đề thi, nhiều ý kiến phản ánh học trò sẽ không để tâm tới việc học trên lớp. Với đổi mới dạy và học văn, học sinh phải rèn luyện phương pháp tư duy. "Yêu cầu quan trọng nhất là các bạn hãy học nghiêm túc, thực hành nghiêm túc các giờ học trên lớp và để tâm đến phương pháp tư duy”, cô Hoài Anh nhắn nhủ học sinh./.