Bộ GD-ĐT vừa công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo Bộ GD-ĐT, tại thời điểm này, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới thực hiện đến lớp 11, do vậy, các nội dung kiến thức được sử dụng trong các đề minh họa chủ yếu thuộc lớp 10 và 11.

Nhận định về đề thi minh họa môn Ngữ văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, chủ biên môn Ngữ văn chương trình GDPT 2018 cho rằng, cấu trúc đề thi bám sát đúng các yêu cầu về đánh giá của chương trình GDPT mới. Vừa kế thừa phần đọc hiểu và nghị luận xã hội vốn đã khá quen thuộc vừa tập trung đổi mới ở phần viết nghị luận văn học nhằm khắc phục tình trạng học thuộc, văn mẫu.

Từ cấu trúc, định dạng đề thi môn Ngữ văn từ năm 2025, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống lưu ý giáo viên và học sinh chú ý đánh giá cả năng lực đọc hiểu lẫn năng lực viết. Bởi đọc hiểu không chỉ được đánh giá ở câu kiểm tra độc lập (4 điểm) mà còn thông qua phần viết, nhất là câu nghị luận văn học. Vì để viết được đúng yêu cầu của câu nghị luận thì học sinh phải đọc hiểu trước.

Thứ hai, cần chú ý cả nghị luận xã hội và nghị luận văn học bằng việc quy định ngữ liệu của phần đọc hiểu. Nếu phần đọc hiểu là văn bản thông tin hoặc văn bản nghị luận thì phần viết nghị luận xã hội chỉ 2 điểm (viết đoạn văn), nghị luận văn học 4 điểm (viết bài văn). Nếu phần đọc hiểu là văn bản văn học, thì nghị luận xã hội 4 điểm (viết bài văn), nghị luận văn học 2 điểm (viết đoạn văn). Quy định này bảo đảm được nội dung nghị luận xã hội và nghị luận văn học luôn chiếm một tỷ trọng, phù hợp, thích đáng.

Thứ ba, chú trọng cả viết đoạn và viết bài văn bằng việc có cả 2 yêu cầu trong đề thi với giới hạn đoạn khoảng 200 chữ và bài khoảng 600 chữ.

Thứ tư, phần nghị luận văn học yêu cầu viết với Ngữ liệu mới (không có trong các SGK), đòi hỏi học sinh phải tự hiểu, tự nêu lên suy nghĩ của chính mình; không học thuộc và chép văn mẫu được...

Thứ năm, câu đọc hiểu và nghị luận xã hội kế thừa nhưng có đổi mới về cách hỏi, số lượng câu (5 câu với tỷ lệ nhận biết: 2, thông hiểu: 2 và vận dụng: 1). Câu nghị luận xã hội cũng không nhất thiết liên quan đến nội dung phần đọc hiểu, cho phép tránh được những yêu cầu gượng ép từ ngữ liệu đọc hiểu.

Ngoài ra còn quy định số lượng tối đa của các ngữ liệu nêu trong đề ( hông vượt quá 1300 chữ) là cần thiết để phù hợp với thời gian thi, trình độ tiếp nhận của học sinh và việc trình bày đề thi...

Không khó để đạt 7,25 điểm Ngữ Văn

Trong khi đó, theo các giáo viên Tổ Ngữ văn – Hệ thống giáo dục HOCMAI, phần đọc hiểu, văn bản "Chiến thắng Mtao Grư" là ngữ liệu bên ngoài Sách giáo khoa, thuộc thể loại sử thi; học sinh đã có quá trình học về thể loại, đọc – hiểu văn bản trong sách và hướng dẫn tự học/đọc mở rộng nên việc trả lời các câu hỏi này không quá khó.

Với 5 câu hỏi trong đó có 2 câu nhận biết (xác định ngôi kể, liệt kê các từ ngữ, hình ảnh miêu tả không gian) học sinh sẽ không gặp bất cứ khó khăn gì, hoàn toàn có thể nhận được điểm tối đa trong quá trình làm bài. Ở câu hỏi thông hiểu (sự khác nhau của biện pháp tu từ so sánh và nhận xét về phẩm chất của nhân vật Đăm Săn) sẽ nhiều học sinh gặp khó khăn với câu hỏi số 3: Chỉ ra sự khác nhau của biện pháp tu từ so sánh trong hai câu văn vì chưa làm quen với cách hỏi này, trước đây, các đề thi thường chỉ yêu cầu “nhận diện biện pháp tu từ” hoặc “chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ”.

Câu hỏi vận dụng sẽ cần khả năng đọc văn bản và phát hiện điều gì “có ý nghĩa nhất với cuộc sống hôm nay” không làm khó học sinh vì chỉ cần viết 2 – 3 câu văn giải thích ngắn gọn, vấn đề được đặt ra trong tác phẩm tương đối quen thuộc.

Phần viết chiếm tỉ lệ 60%, học sinh sẽ cần viết một đoạn văn nghị luận văn học (bàn về nhân vật trong đoạn trích: Nhân vật Thần Mưa và 1 bài văn nghị luận xã hội (khoảng 600 chữ, trình bày ý kiến về những khó khăn, thử thách đối với tuổi trẻ).

Cũng giống như phần đọc hiểu, học sinh cần ghi nhớ những đặc điểm của nhân vật trong tác phẩm thần thoại để có thể đối chiếu, so sánh với ngữ liệu được cho. Đề bài không quá khó nhưng đòi hỏi tính chính xác, học sinh cần chú ý, cẩn thận trong lúc làm bài, tránh rơi vào tình trạng diễn xuôi văn bản, bàn luận lan man.

Câu hỏi nghị luận xã hội tương đối quen thuộc, vấn đề “những khó khăn, thử thách đối với tuổi trẻ” không mới, học sinh cũng đã được làm quen về kĩ năng, phương pháp triển khai bài viết nên chắc chắn không gặp trở ngại gì. Tuy nhiên, để có được điểm trọn vẹn, học sinh cần có những ví dụ hay, dẫn chứng thuyết phục và để lại ấn tượng. Các thao tác lập luận cần được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo và thể hiện rõ được quan điểm của người viết.

Từ việc phân tích đề minh họa môn Ngữ văn, các giáo viên Tổ Ngữ văn – Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, đề thi có sự đổi mới về nội dung, cách hỏi để kiểm tra kiến thức, kĩ năng, năng lực của học sinh, bám sát những định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong quá trình học, nếu đảm bảo các yêu cầu đặt ra trong việc tiếp cận, đọc – hiểu thể loại văn học, rèn luyện kĩ năng Viết, học sinh không khó để đạt được 7,0 – 7,25 điểm;

Mặc dù là ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa nhưng vấn đề được hỏi và nội dung văn bản đều không khó, câu hỏi không đi sâu khai thác các giá trị nghệ thuật, đặc sắc của văn bản hay yêu cầu so sánh mở rộng… đây có lẽ là bước đệm, để học sinh dần quen với việc đánh giá, kiểm tra mới và tự định hướng lại quá trình học tập của mình ngay từ bây giờ để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kì thi 2025.