Người trẻ nói gì về hành trình “nâng cấp chính mình”?

Linh Đan, sinh viên năm 4 ngành Quan hệ công chúng, thẳng thắn nhìn nhận: để trở thành phiên bản tốt hơn, không thể thiếu những vấp ngã. “Chính những sai lầm giúp em rút ra bài học để thay đổi,” em chia sẻ. Từng có giai đoạn hài lòng với chính mình, nhưng rồi em nhận ra mình đang dậm chân tại chỗ trong vùng an toàn. Bước ngoặt đến khi em quyết định thoát ra và thử thách bản thân nhiều hơn.

Tương tự, Bảo Hân, một bạn trẻ đã đi làm hơn một năm, cũng từng nghĩ rằng “có bằng giỏi là đủ”. Nhưng đi làm rồi, em nhận ra phiên bản tốt hơn không đến từ tấm bằng, mà từ việc dám thay đổi, biết thích nghi, kiên trì mỗi ngày.

“Có những ngày thấy mệt mỏi, tự hỏi cố gắng để làm gì. Nhưng nhìn lại, em nhận ra mình đã tiến bộ hơn một năm trước. Với em, tốt hơn mỗi ngày một chút là đủ”, Bảo Hân chia sẻ.

Muốn “update” chính mình - Hãy bắt đầu bằng việc hiểu bản thân

Chị Đặng Thị Tuyền, chuyên gia giáo dục từ Hệ thống Trung tâm giáo dục E-Math nhấn mạnh rằng: “Để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình”, điều quan trọng không nằm ở việc chạy theo một hình mẫu, mà là tự soi chiếu bản thân và tiến bộ mỗi ngày, không so sánh với người khác mà chỉ với chính mình của ngày hôm qua.

“Chúng ta cần hiểu rõ mình đang ở đâu, có gì, thiếu gì và mong muốn điều gì. Phiên bản tốt nhất là phiên bản mà bạn của ngày mai vượt lên bạn của hôm nay”

Để bắt đầu hành trình nâng cấp bản thân, điều đầu tiên là phải hiểu rõ mình là ai. Chị Tuyền cũng chỉ ra những kỹ năng cốt lõi cần rèn luyện mỗi ngày:

- Tự nhận thức bản thân: Nhiều người dễ dàng nhận ra ưu - khuyết điểm của người khác, nhưng lại khó nhìn rõ chính mình. Việc nhận ra điểm mạnh là tốt, nhưng phát hiện ra điểm yếu mới là yếu tố mang tính đột phá. “Chỉ khi biết mình còn gì chưa tốt, bạn mới có cơ hội để hoàn thiện.”

- Kỹ năng quản lý bản thân: kỹ năng này bao gồm kỹ năng quản lý thời gian, tính kỷ luật, kỹ năng xử lý vấn đề...Theo chị Tuyền, nhiều người có mục tiêu nhưng lại không có kế hoạch và kỷ luật để theo đuổi. “Cứ tặc lưỡi ‘ngày mai làm’ thì ngày mai sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy kết quả”

- Tư duy tích cực: Trên hành trình nào cũng có thử thách. Điều giúp người trẻ không bỏ cuộc là khả năng nghĩ theo hướng tích cực. “Tư duy tích cực không chỉ là nghĩ mọi chuyện đều ổn, mà là biết đứng dậy sau mỗi lần thất bại và chọn cách giải quyết vấn đề không làm tổn hại bản thân hay người khác.”

Rèn luyện tư duy tích cực phải đi đôi với sự thực tế. Mục tiêu tốt đẹp đến đâu nhưng vượt quá năng lực hiện tại sẽ dễ sinh ảo tưởng. Do đó, người trẻ cần xác định mục tiêu đúng với khả năng, từ đó xây dựng các bước tiến phù hợp.

“Khó khăn không chỉ là thử thách mà còn là cơ hội nâng cấp bản thân lên một phiên bản A+, thay vì mãi dừng ở A.”

Phiên bản tốt nhất là để bản thân tự hào, không phải để người khác khen

Chị Tuyền nhắn nhủ các bạn trẻ: “Phiên bản tốt nhất không phải để được người khác công nhận, mà là để chính bạn tự hào về mình. Hãy là người sống có mục tiêu, hoài bão, có tư duy tích cực và tử tế. Đó mới là nền tảng của một công dân thế kỷ 21 thực thụ.”

Phiên bản tốt nhất không cần hoàn hảo, nhưng cần chân thật và kiên định. Đó là người hiểu mình, biết mình thiếu gì để bổ sung, mạnh gì để phát huy, sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Không ai sinh ra đã là phiên bản tốt nhất – mà là kết quả của hành trình tự rèn luyện, vượt khó và trưởng thành từng ngày. Khi bạn sống tích cực, tử tế, có mục tiêu rõ ràng và nỗ lực đúng hướng, thì chính bạn sẽ là người tự hào nhất về phiên bản của mình.