Tại phiên thảo luận toàn thể sáng 24/5 về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh đến việc tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân cho nhóm yếu thế, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng trong môi trường số.
Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, dù dự thảo luật đã đề cập đến đối tượng là trẻ em, người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, nhưng vẫn cần mở rộng hơn nữa để bao quát các nhóm yếu thế khác như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số có rào cản về ngôn ngữ, người không biết chữ, người cao tuổi...

Theo ông, các nhóm này thường gặp rào cản trong tiếp cận thông tin, thiếu hiểu biết về quyền riêng tư và dễ bị các tổ chức, doanh nghiệp khai thác dữ liệu mà không có sự đồng thuận rõ ràng. Vì vậy, cần có quy định riêng trong luật về xử lý dữ liệu cá nhân đối với nhóm yếu thế, với các nguyên tắc như: bắt buộc có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp, thông tin phải được truyền đạt dễ hiểu, áp dụng hỗ trợ công nghệ nếu cần thiết.
Cũng theo đại biểu Dương Tấn Quân, việc nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cần được coi là nội dung cốt lõi. Ông đề nghị đưa kiến thức bảo vệ dữ liệu cá nhân vào chương trình giáo dục từ phổ thông đến đại học. Cụ thể, ở bậc phổ thông có thể tích hợp vào các môn như Giáo dục công dân hay Tin học; còn ở đại học, có thể phát triển các chuyên ngành như Quản trị dữ liệu cá nhân, Pháp luật về thông tin cá nhân. Việc phân cấp rõ ràng nhóm đối tượng ưu tiên, nội dung đào tạo và phương pháp truyền đạt sẽ giúp công tác giáo dục hiệu quả hơn.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cảnh báo, hiện nay nhiều thiết bị công nghệ như camera an ninh, thiết bị kết nối Internet vạn vật (IoT) được sử dụng rộng rãi nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ thu thập dữ liệu cá nhân ngoài sự kiểm soát của người dùng. Dữ liệu này có thể bị lưu trữ trên máy chủ ở nước ngoài mà không có cơ chế giám sát hữu hiệu.
Vì vậy, bà đề xuất đi đôi với thực thi luật, cần có chiến lược nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ dữ liệu, đồng thời tăng cường quản lý các thiết bị công nghệ, ứng dụng có khả năng thu thập dữ liệu cá nhân.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu - Đoàn ĐBQH TP.HCM đề xuất bổ sung nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu là tham gia vào việc phổ biến kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là với các tổ chức đã có chuyên môn. Ngoài ra, bà đề nghị đối với dữ liệu nhạy cảm cần yêu cầu đồng ý tách biệt và thể hiện bằng văn bản riêng, để đảm bảo rõ ràng, minh bạch.
Ý kiến từ các đại biểu cho thấy rõ yêu cầu cấp thiết trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân không chỉ dừng ở quy định pháp lý, mà cần mở rộng sang giáo dục, công nghệ và sự tham gia của cả cộng đồng. Đặc biệt, việc bảo vệ nhóm yếu thế cần được coi là một ưu tiên trong quá trình xây dựng và thực thi luật, nhằm đảm bảo sự công bằng và an toàn trong thời đại số.