Hôm nay (27/11), Hội thảo Giáo dục 2020 với chủ đề "Tự chủ trong giáo dục đại học – Từ chính sách đến thực tiễn", do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham gia của 250 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Thí điểm tự chủ ĐH tạo ra sự thay đổi lớn về nhận thức

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đưa ra những chỉ số tổng hợp từ 23 trường thực hiện thí điểm tự chủ ĐH theo Nghị quyết 77 của Chính phủ. Theo đó, sau 5 năm triển khai, số giảng viên trình độ tiến sĩ tăng gần 10%. Các trường tiếp tục thu hút thí sinh vào ĐH thể hiện qua tỉ lệ tuyển được/ chỉ tiêu tăng từ 87% (năm 2014) lên 92% năm 2020. Trong khi quy mô tuyển sinh của 23 trường này hầu như không thay đổi, thậm chí có giảm nhẹ. Điều này cho thấy các trường ĐH này đang có sức hấp dẫn đối với thí sinh.

Số chương trình đào tạo được kiểm định tăng từ 1 lên 100, bằng 30% các chương trình đào tạo kiểm định trong toàn quốc…Số côngbố quốc tế (Scopus) tăng 10 lần, đóng góp 45% toàn quốc. Tổng thu chi hằng năm tăng trên dưới 1.5 lần dù ngân sách được cấp giảm một nửa. Trong 11 trường lọt vào bảng xếp hạng châu Á vừa qua có 4 trường ĐH nằm trong số này.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, việc thí điểm thực hiện tự chủ ĐH tại 23 trường này đã tạo ra sự thay đổi lớn về nhận thức, hành động trong toàn hệ thống giáo dục ĐH.

Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH Việt Nam còn thấp

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề xuất tăng tỷ trọng đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH, bởi hiện mức đầu tư từ ngân sách cho giáo dục ĐH đang thấp so với thế giới.

Quá trình thực hiện tự chủ ĐH cho thấy, bức tranh tài chính của các cơ sở giáo dục ĐH còn thiếu tính bền vững. Học phí vẫn là nguồn thu chủ yếu, phần lớn các trường có học phí chiếm tỉ trọng trên 80%. Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học hầu như không tăng. Các nguồn thu khác có tăng nhưng không tương xứng. Trong khi đó, nguồn thu từ ngân sách nhà nước giảm mạnh. Điều đó chứng tỏ tài chính của các cơ sở giáo dục ĐH phụ thuộc chủ yếu quy mô tuyển sinh và học phí.

Ông Christophe Lemiere, quản lý chương trình Phát triển con người tại Văn phòng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cũng nhận định, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục ĐH tính theo GDP tại Việt Nam đang rất thấp. Nguồn thu chủ yếu từ người học và gia đình. Việc phụ thuộc quá nhiều vào học phí cùng với các khoản vay có độ phủ thấp dẫn đến tỉ lệ tiếp cận giáo dục ĐH chưa cao.

Đại diện ngân hàng thế giới đưa ra một số giải pháp huy động nguồn lực để cân bằng tài chính cho các cơ sở giáo dục ĐH. Một là tăng ngân sách công cho giáo dục ĐH từ 0.23% lên 0.8% GDP trước năm 2030. Hai là đa dạng thể chế, chuyển dịch từ trường ĐH công lập sang cơ sở tư nhân, cao đẳng, trực tuyến có hiệu quả chi phí cao hơn.

Luật đã đầy đủ nhưng còn nhiều vướng mắc

Nhìn từ góc độ của cơ quan giám sát, ông Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, hành lang pháp lý trong tự chủ ĐH còn thiếu đồng bộ. Luật Giáo dục ĐH là luật chuyên ngành nhưng hoạt động của các cơ sở giáo dục ĐH còn được quy định bởi các luật khác. Ví dụ như tài chính, tài sản thì theo Luật quản lý tài sản công, nhân sự thì theo Luật công chức, viên chức. Khoa học công nghệ thì theo Luật Khoa học Công nghệ, Luật chuyển giao khoa học công nghệ….

Nhiều cơ sở giáo dục ĐH còn lúng túng trong việc kiện toàn Hội đồng trường. Vai trò chức năng của Hội đồng trường trong cơ sở giáo dục ĐH chưa được đánh giá, đặt đúng vị trí. Nhiều cơ sở giáo dục ĐH chưa thực hiện giải trình rõ nét, thể hiện qua báo cáo công khai, thông qua đối thoại sinh viên, giải trình trước xã hội.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, sở dĩ còn những tồn tại, hạn chế trong tự chủ ĐH là do hệ thống văn pháp luật chưa đồng bộ, chưa theo kịp Nghị quyết 29 và Luật 34, đặc biệt cơ chế tài chính giáo dục ĐH, cơ chế đặt hàng đào tạo từ khi có Nghị quyết 77 chưa được triển khai bài bản, chưa có hướng dẫn thực thi.

Hệ thống quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục ĐH còn phân mảnh. Một cơ sở giáo dục ĐH có thể chịu quản lý của Bộ GD&ĐT, Bộ chủ quản, địa phương, Đảng ủy khối.

Từ đó, Bộ GD&ĐT đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật, từng bước hoàn thiện đồng bộ văn bản cho tự chủ ĐH. Chính phủ rà soát sửa đổi, bổ sung nghị định, hướng dẫn để đồng bộ Luật 34 và Nghị định 99, trong đó liên quan cơ chế tài chính, đặt hàng đào tạo, giải pháp công nghệ quản lý tài sản công, tuyển dụng chuyên gia nước ngoài

Đề xuất Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo quốc gia để triển khai tự chủ ĐH, trong đó Bộ GD&ĐT là cơ quan thường trực.

Chỉ đạo các cơ quan quản lý trực tiếp hướng dẫn các cơ sở giáo dục ĐH sớm thành lập, kiện toàn hội đồng trường và các vị trí lãnh đạo chủ chốt theo quy định của Luật 34 và Nghị định 99.

“Bộ GD&ĐT đã và đang đẩy nhanh xây dựng quy chế, quy định, cẩm nang hướng dẫn tự chủ ĐH; đã có kế hoạch, đề án dự án xây dựng dữ liệu quốc gia về giáo dục ĐH, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý giáo dục ĐH, tăng cường thanh tra giám sát chất lượng giáo dục ĐH”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.