Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm, bao gồm: Phát triển kỹ năng và tư duy khởi nghiệp: Nâng cao vai trò của giảng viên, cố vấn và các chương trình đào tạo; Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học: Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp và cộng đồng; Ứng dụng công nghệ trong khởi nghiệp: Đón đầu các xu hướng như khởi nghiệp xanh, khởi nghiệp xã hội, và trí tuệ nhân tạo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Mai Hương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Mở Hà Nội chia sẻ: từ năm 2018, Trường Đại học Mở Hà Nội đã triển khai Đề án Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Đến nay, nhà trường đã xây dựng một nền tảng vững chắc để phát triển phong trào khởi nghiệp thông qua các hoạt động như tổ chức CLB sinh viên khởi nghiệp (HSH), tổ chức các diễn đàn, toạ đàm, hội thảo về khởi nghiệp cho sinh viên toàn trường; tập huấn, đào tạo kỹ năng mềm; tổ chức cuộc thi khởi nghiệp; xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp, và thiết lập mạng lưới liên kết với các chuyên gia và các doanh nghiệp. Đến nay, 100% sinh viên đã được học tập các nội dung về kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp và khởi nghiệp thông qua các buổi sinh hoạt công dân và các học phần chuyên đề. Nhiều khoa đã tích hợp các chương trình đào tạo kỹ năng thuyết trình, triển khai dự án vào chương trình học chính khóa.
Nhà trường đã tổ chức thành công 4 cuộc thi HOU.SV.STARTUP từ năm 2021 đến 2024, thu hút gần 300 ý tưởng từ sinh viên với nhiều dự án tiêu biểu đạt giải cao tại các cuộc thi khởi nghiệp do Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành tổ chức.
Bên cạnh đó, Trường ĐH Mở Hà Nội cũng xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp, Website startup.hou.edu.vn nhằm kết nối các dự án của sinh viên với nhà đầu tư. Tăng cường mạng lưới doanh nghiệp với gần 300 chuyên gia, doanh nhân và doanh nghiệp đã tham gia đồng hành, hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp của nhà trường.
Tỷ lệ sinh viên tham gia hoạt động khởi nghiệp tăng từ 30 người năm 2018 lên hơn 400 người vào năm 2024. Đặc biệt, hơn 8% sinh viên tốt nghiệp đã tự tạo việc làm thông qua các dự án khởi nghiệp của mình. Các doanh nghiệp do sinh viên sáng lập không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống tại địa phương.
Nhiều hạn chế về kỹ năng và tư duy khởi nghiệp
Tuy vậy, PGS.TS Nguyễn Mai Hương đánh giá, khởi nghiệp trong sinh viên còn nhiều thách thức như kỹ năng thực tiễn, khó khăn về nguồn lực tài chính, và sự kết nối chưa thật sự chặt chẽ giữa ý tưởng sáng tạo của sinh viên với nhu cầu thực tế của thị trường. Những vấn đề này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, doanh nghiệp, và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.
Theo nhóm nghiên cứu Đỗ Quốc Đạt (Trường ĐH Hà Nội), Nguyễn Thị Hồng Phương (Trường ĐH Trưng Vương) và Đặng Thị Thanh Thảo (Học viện Quản lý giáo dục), sinh viên Việt Nam vẫn gặp nhiều hạn chế về kỹ năng và tư duy khởi nghiệp, từ việc thiếu hiểu biết cơ bản đến khó khăn trong áp dụng thực tế.
Cụ thể là sinh viên còn thiếu khái niệm rõ ràng và tư duy khởi nghiệp cơ bản. Phần lớn sinh viên nhầm lẫn rằng khởi nghiệp chỉ là điều hành một doanh nghiệp lớn hoặc các hoạt động kinh doanh truyền thống hay khởi nghiệp là lĩnh vực dành riêng cho những người đã có vốn lớn và kinh nghiệm lâu năm khiến họ thiếu tự tin và không coi đây là một con đường khả thi.
Chúng ta cũng hạn chế trong sáng tạo và khả năng tư duy đột phá. Theo Bộ GD-ĐT, hệ thống giáo dục ĐH vẫn nặng về lý thuyết trong khi các phương pháp giảng dạy khuyến khích tư duy phản biện và sáng tạo chưa được áp dụng phổ biến.
Phần lớn sinh viên thiếu các kỹ năng thực tế để triển khai ý tưởng khởi nghiệp. Theo khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia, chỉ 30% sinh viên từng tham gia các dự án thực tế liên quan đến khởi nghiệp, khiến họ không hiểu rõ quy trình lập kế hoạch tài chính, phát triển sản phẩm mẫu, hoặc kêu gọi đầu tư.
Trong khi đó, môi trường hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên còn hạn chế. Hiện tại chỉ một số ít trường ĐH ở Việt Nam xây dựng được các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp hoặc vườn ươm doanh nghiệp dành riêng cho sinh viên. Theo Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, chỉ 12% các trường ĐH tại Việt Nam có trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp hoạt động hiệu quả.
Như ĐHQG Hà Nội và ĐH Bách Khoa Hà Nội đã xây dựng vườn ươm khởi nghiệp, nhưng số lượng dự án được hỗ trợ mỗi năm chỉ chiếm 5% số lượng sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp. Điều này cho thấy đang có sự chênh lệch lớn giữa nhu cầu hỗ trợ và khả năng cung cấp dịch vụ từ phía nhà trường. Trong khi đó, nhận thức xã hội về khởi nghiệp trong sinh viên còn chưa đồng đều.
Đổi mới chương trình giáo dục khởi nghiệp
Để nâng cao kỹ năng và tư duy khởi nghiệp cho sinh viên, nhóm nghiên cứu cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ và toàn diện. Trong đó, cần đổi mới chương trình giáo dục khởi nghiệp. Tích hợp khởi nghiệp vào giáo trình chính khóa. Các môn học như “Tư duy sáng tạo và khởi nghiệp”. “Quản trị dự án kinh doanh” hoặc “Phân tích thị trường”...nên trở thành môn học bắt buộc ít nhất là lựa chọn ưu tiên cho sinh viên. Các trường ĐH cũng nên áp dụng phương pháp học tập thực tiễn, trong đó sinh viên sẽ học qua dự án thực tế, tình huống mô phỏng. Đồng thời đào tạo kỹ năng mềm song song với kỹ năng chuyên môn như giao tiếp, làm việc nhóm, quản trị rủi ro và lãnh đạo...
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất xây dựng môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong trường đại học. Thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp – nơi cung cấp không gian làm việc chung, dịch vụ tư vấn và các khóa đào tạo ngắn hạn. Các trung tâm này cũng có thể đóng vai trò là cầu nối giữa sinh viên với doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Tăng cường hợp tác doanh nghiệp – trường học giúp sinh viên tiếp cận với các dự án thực tế và nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia trong ngành. Các doanh nghiệp cũng có thể cung cấp chương trình thực tập, tài trợ các cuộc thi khởi nghiệp hoặc tham gia cố vấn cho sinh viên. Tổ chức các cuộc thi và chương trình khởi nghiệp thường niên...
Ứng dụng công nghệ vào đào tạo, trong đó phát triển nền tảng học trực tuyến, sử dụng công cụ phân tích dữ liệu trong khởi nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ cao...cũng là giải pháp thúc đẩy tư duy khởi nghiệp sinh viên.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức và thay đổi văn hóa xã hội về khởi nghiệp, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất cần có hỗ trợ tài chính và cơ hội thực hiện hóa ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên. Theo đó, các trường ĐH và Chính phủ nên xây dựng các quỹ đầu tư mạo hiểm nhỏ dành riêng cho sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng, cung cấp các khoản vốn ban đầu giúp sinh viên vượt qua giai đoạn khó khăn nhất khi phát triển cộng đồng. Ngoài ra, sinh viên nên được hướng dẫn cách gây quỹ cộng đồng cho các dự án khởi nghiệp...
TS. Trần Văn Đạt – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV, Bộ GD-ĐT khẳng định, Hội thảo lần này không chỉ tập trung vào việc phân tích thực trạng mà còn đưa ra những cách thức cụ thể để chuyển hóa các ý tưởng khởi nghiệp thành những doanh nghiệp startup thành công. Việc tạo dựng và ươm mầm các startup, từ bước đầu là ý tưởng đến quá trình thương mại hóa sản phẩm, là một trong những mục tiêu trọng tâm mà tất cả chúng ta cùng hướng tới.
Ông Đạt đánh giá cao tinh thần kết nối của hội thảo trong việc tập hợp các nguồn lực từ nhà trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư, và cộng đồng xã hội để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững. “Việc kết nối này không chỉ giúp sinh viên có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn, công nghệ, và thị trường mà còn thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp”./.