Chiều 11/3, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội thảo về Công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cấu trúc định dạng mang tính “kế thừa” và “phát triển”
GS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, cấu trúc định dạng đề thi từ 2025, thể hiện tính kế thừa và phát triển về nội dung. Cụ thể, môn Ngữ Văn vẫn theo hình thức tự luận, các môn còn lại hình thức trắc nghiệm. Trong thời gian tới vẫn giữ một tỉ trọng nhất định với dạng câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Theo đó, phần 1 của các môn thi trắc nghiệm vẫn giữ dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn, cho 4 phương án chọn 1 đáp án đúng. Mỗi câu trả lời đúng thí sinh được 0,25 điểm.
Tính phát triển của đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 thể hiện ở việc có thêm 2 dạng trắc nghiệm mới.
Thứ nhất là dạng câu hỏi trả lời đúng sai. Mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý thí sinh lựa chọn đúng hoặc sai. Thí sinh chỉ lựa chọn chính xác 1 ý trong 1 câu hỏi được 0,1 điểm; thí sinh lựa chọn chính xác 2 ý trong 1 câu hỏi được 0,25 điểm; thí sinh lựa chọn chính xác 3 ý trong 1 câu hỏi được 0,5 điểm; thí sinh lựa chọn chính xác 4 ý trong 1 câu hỏi được 1 điểm. Theo GS. Nguyễn Ngọc Hà, cách tính này khắc phục được định dạng hiện hành là dễ hay khó đều được 0.25 điểm. Với định dạng này mặc dù một câu hỏi nhưng có 4 lệnh hỏi khác nhau tương đương 4 câu trắc nghiệm hiện hành có 1 lệnh hỏi, cho phép đánh giá được nhiều biểu hiện năng lực trong cùng 1 một câu hỏi. Kết hợp với quy tắc tính điểm tạo nên tính phân loại rất cao. Đồng thời, điểm nhận được do học sinh lựa chọn ngẫu nhiên giảm đi.
Thứ 2 là dạng trả lời ngắn. Thí sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình. Đối với môn Toán, ở phần này, mỗi câu trả lời đúng thí sinh được 0,5 điểm. Các môn khác, ở phần này, mỗi câu trả lời đúng thí sinh được 0,25 điểm. Với dạng thức này sẽ có phương án đưa ra từ trước. Học sinh tự điền đáp số. Với dạng thức này, xác suất có điểm ngẫu nhiên bằng 0, tư duy làm bài gần như bài tự luận.
Bộ GD-ĐT đánh giá với cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025, xác suất có điểm do chọn ngẫu nhiên giảm từ 2.5 điểm xuống 1.975 điểm (môn Toán), 2.35 điểm (Lý, Hóa, Sinh…).
“Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay, học sinh chọn 1 trong 2 tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội nên việc tổ chức thi có phần thuận lợi nhưng sắp tới có 36 tổ hợp. Do đó chúng tôi xác định bất kỳ khâu nào làm giản đơn, thuận lợi cho khâu tổ chức nhưng vẫn đảm bảo chất lượng thì chúng ta phải thực hiện”, GS. Nguyễn Ngọc Hà cho biết, cấu trúc mới vẫn giữ nguyên 40 lệnh hỏi ở hầu hết các môn nhưng giảm được số tờ giấy thi. Theo đó các môn chỉ tối đa 4 trang A4 nên đề thi trình bày đủ trên 1 tờ A3. Từ đó giảm bớt được khối lượng công việc, giảm bớt rủi ro in ấn, ghép tờ đề thi.
Về định hướng xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ông Hà cho biết sẽ phát huy trí tuệ toàn ngành và có “tính mở”. Theo đó, các Sở GD-ĐT, trường THPT trong quá trình khảo sát, kiểm tra đánh giá có những câu hỏi hay được lựa chọn kèm kết quả chấm thi để cơ quan chuyên môn của Bộ GD-ĐT phân tích đề thi bằng Lí thuyết khảo thí đánh giá. Kết quả phân tích sẽ lựa chọn câu hỏi chất lượng vào thư viện câu hỏi thi tạo thành ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.
Các địa phương đã triển khai kiểm tra học kỳ theo định hướng thi tốt nghiệp THPT từ 2025
Cuối tháng 12/2023 sau khi bộ GD-ĐT công bố cấu trúc và định dạng đề thi tốt nghiệp từ 2025, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định đã xây dựng một số đề kiểm tra học kỳ 1 cho học sinh lớp 10 và 11.
“Kết quả cho thấy, đề thi minh họa có tính phân hóa rất cao, hơn 90% học sinh đạt điểm trên trung bình. Học sinh đạt điểm phổ biến nhất là 6.5. Học sinh có điểm 8-9 giảm dần. Điểm 10 tuyệt đối rất ít, chỉ có 1 trên 10 nghìn học sinh đạt điểm 10”, cô Trần Thị Thanh Xuân, giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định cho biết.
Theo cô Thanh Xuân, để đạt điểm trung bình, học sinh chỉ cần đạt kiến thức cơ bản. Định dạng cấu trúc đề thi từ 2025 bổ sung 2 dạng thức mới. Dạng thức thứ nhất trắc nghiệm đúng sai kèm theo quy tắc tính điểm và đánh giá được nhiều năng lực học sinh, đòi hỏi các em phải có kiến thức chắc chắn, toàn diện có kỹ năng làm bài thành thạo. Việc làm này hạn chế may rủi, “khoanh lụi” đáp án.
Dạng thức 2 như trả lời ngắn tự luận, đòi hỏi học sinh tự làm để đưa ra đáp án chứ không có đáp án sẵn lựa chọn, xác suất ngẫu nhiên để có đáp án đúng rất thấp, gần như bằng 0. “Với độ phân hóa cao của đề thi thì kết quả kỳ thi này đáp ứng mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT và các trường ĐH hoàn toàn tin tưởng sử dụng kết quả kỳ thi để sử dụng cho công tác tuyển sinh ĐH”, cô Xuân tin tưởng.
Tương tự tỉnh Nam Định, ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hội nghị giáo viên cốt cán các bộ môn để nghiên cứu đề minh họa, triển khai dạy và học kiểm tra đánh giá theo định dạng đề thi mới. Theo ông Đinh Văn Khâm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình, hiện nay địa phương đã triển khai kiểm tra lớp 10-11 theo định dạng của Bộ GD-ĐT.
Ông Khâm mong muốn sớm triển khai việc xây dựng ngân hàng đề, ngoài phục vụ cho thi tốt nghiệp thì có thể xây dựng để các trường có thể sử dụng cho kiểm tra đánh giá của nhà trường, độc lập, đỡ phụ thuộc vào giáo viên giảng dạy. Thứ 2 là có thể xây dựng cộng đồng giáo viên xây dựng ngân hàng đề thi cho các cấp học chứ khong chỉ cho tốt nghiệp thì mới có ý nghĩa sâu rộng.
Đề thi cần thống nhất trong diễn đạt
Với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025, môn Tin học và Công nghệ lần đầu tiên trở thành môn thi tốt nghiệp. Do đó ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, cần làm rõ việc định hướng trong đề thi, xác định rõ thời điểm lựa chọn: chọn định hướng trước khi dự thi hay tùy thời điểm học sinh chọn.
Về công tác tổ chức chắc chắn phải đổi mới nhiều, trước đây chỉ có 2 tổ hợp nay 36 tổ hợp không đơn giản. Khi chuyển về các sở GD-ĐT sẽ không tránh khỏi khó khăn từ việc in ấn, chuẩn bị nhân lực, tài chính, nhất là những địa phương có số lượng học sinh đông như TPHCM.
Ngoài việc chuẩn bị định hướng để giáo viên ôn tập, định hướng các trường nắm được nội dung phổ biến học sinh ma trận đề, chuẩn bị đánh giá học sinh, ông Nam kiến nghị Bộ GD-ĐT tổ chức tập huấn hướng dẫn triển khai thực hiện, hướng dẫn thi lưu ý 2 môn mới, phổ biến phần mềm chấm thi trắc nghiệm, mẫu giấy trắc nghiệm. Đồng thời, các trường ĐH phải xem xét xây dựng các nhóm môn xét tuyển phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông hiện tại và công bố sớm để tránh gây hoang mang cho thí sinh.
Tại hội nghị, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị mong muốn Bộ GD-ĐT lựa chọn đội ngũ thực hiện công tác ra đề thi đảm bảo năng lực chuyên môn, phẩm chất trung thực, có kinh nghiệm tốt từ khâu biên tập thẩm định đề thi. Đồng thời đảm bảo số lượng thành viên và thời gian ra đề. Đây là việc làm khó nhiều áp lực, nếu số lượng ít và thời gian không đủ thì dễ dẫn đến sai sót.
Về mặt nội dung đề thi, theo bà Hương, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sử dụng nhiều bộ sách khác nhau trên cùng một chương trình “gốc rễ”. Do đó, ngữ liệu các bộ sách khác nhau, có những nội dung, diễn đạt, ký hiệu khác nhau nên khi làm đề thi cần thống nhất trong diễn đạt để tạo thuận lợi cho công tác ra đề, đồng thời học sinh tránh nhầm lẫn.
Bà Hương cũng mong muốn, Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa sớm hằng năm. Cấu trúc đề thi ổn định ít nhất 5 năm để các trường học thuận lợi trong công tác tổ chức dạy học và ôn tập.
“Số lượng cấu trúc mới phù hợp nhưng 2 dạng thức mới thì cần đề nghị tiếp tục thử nghiệm để thấy phù hợp trong thiết kế theo định hướng đánh giá năng lực”.
Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị cũng mong muốn việc ra đề thi trong giai đoạn đầu cần cân nhắc giữa chương trình 2006 và 2018 vì có một số HS còn phải thi lại.
Từ năm 2025, Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018, đánh giá toàn diện năng lực người học. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, việc quan trọng nhất hiện nay là xây dựng được thư viện, ngân hàng câu hỏi của đề thi.
“Khâu xây dựng ngân hàng, thư viện đề thi rất quan trọng, đảm bảo làm sao ngữ liệu không theo một bộ sách nào cả, mà học sinh học một trong ba bộ sách đều có thể làm được bài thi và đều có thể đánh giá được năng lực và phẩm chất của thí sinh, đáp ứng các mục tiêu về kỳ thi tốt nghiệp THPT là giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội. Đồng thời, đảm bảo tính trung thực, khách quan, đủ độ tin cậy để làm cơ sở cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH thực hiện công tác tuyển sinh”./.