Vi Phú Triều và Trương Tuệ Viên là du học sinh Trung Quốc, sinh viên năm thứ 3 khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sang Việt Nam du học, các bạn rất chịu khó giao tiếp hằng ngày với mong muốn hoàn thiện khả năng sử dụng tiếng Việt. Nhưng như Phú Triều chia sẻ thanh điệu tiếng Việt vừa nhiều hơn, cách thức sử dụng cũng khác nhiều so với tiếng Trung.
"Chỉ cần thay đổi như trường hợp thay dấu huyền trong "bàn"- cái bàn, bàn bạc, bằng dấu sắc sẽ thành "bán"- mua bán", Triều ví dụ.
Đặc biệt, thanh điệu càng khó với du học sinh khi thể hiện trong quá trình giao tiếp, tức thông qua lời nói. Khi viết, các du học sinh sẽ có thời gian để cân nhắc đúng- sai, thậm chí kiểm tra lại bằng từ điển, bằng tra cứu google... Còn khi nói, việc nhầm lẫn dẫn tới sai lệch nghĩa của từ, của phát ngôn xảy ra thường xuyên.
Trương Tuệ Viên cho rằng điều này hoàn toàn bình thường với người nước ngoài khi học tiếng Việt và bạn đang cố gắng để khắc phục dần bằng việc luyện nghe và luyện nói nhiều hơn.
Từ góc độ chuyên giảng dạy cho học sinh, sinh viên nước ngoài học tiếng Việt, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thùy, giảng viên khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết lỗi thanh điệu không chỉ xảy ra với du học sinh. Trẻ em sinh ra trong các gia đình có bố mẹ sử dụng nhầm thanh điệu sẽ có xu hướng học theo. Nhưng bước vào độ tuổi đi học, hầu hết các em sẽ được giáo viên với phương pháp, kỹ năng sư phạm sẽ điều chỉnh và sửa lỗi phát âm.
Trong câu chuyện thanh điệu, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thùy cho rằng vẫn đang tồn tại những quan điểm khác nhau. Khi cả một địa phương, một vùng cùng dùng lệch chuẩn thanh điệu có thể coi như phương ngữ hoặc tiếng địa phương và không bị coi là sai. Còn nhiều chia sẻ khác liên quan đến dấu thanh điệu được cô Phương Thùy chia sẻ cũng như phương thức rèn luyện để phần nào khắc phục, điều chỉnh theo chuẩn tiếng Việt. Mời các bạn bấm nút nghe nội dung này: