Trong Đề án quy hoạch Thủ đô có đề cập đến việc phân bố, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng ra khu vực ngoại thành nhằm giảm tải cho nội đô tuy nhiên đây là vấn đề quan trọng cần phải có sự chuẩn bị chu đáo kỹ càng không thể nóng vội nếu không hậu quả sẽ rất nặng nề ảnh hưởng lớn tới mục tiêu phát triển hệ thống Giáo dục ĐH và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu xây dựng, phát triển đất nước.
Về vấn đề này, PV VOV2 có cuộc PV TS Lê Đông Phương - Chuyên gia Giáo dục, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và đào tạo.
PV: Dự thảo quy hoạch Thủ đô đưa ra định hướng quy hoạch các cơ sở GD, cụ thể di dời các trường ĐH ra khỏi nội thành. Theo ông, phương án này có khả thi không ?
TS Lê Đông Phương: Đây là 1 phương án không có căn cứ chính xác. Đầu tiên các văn bản không làm rõ được vì sao phải di dời các trường đại học và bệnh viện ra khỏi nội thành Hà Nội. điều thứ 2 là không chỉ rõ việc sử dụng các không gian có được sau khi đưa các trường đại học ra khỏi nội thành sẽ như thế nào. Chúng ta đã từng thấy các nhà máy lớn được di chuyển ra khỏi vị trí lâu năm của mình và các diện tích đó được chuyển thành các khung chung cư ngút ngàn nhà cao tầng và đang là các trọng điểm về tắc nghẽn giao thông vì số dân và phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt xe ô tô cá nhân, của dân cư các khu chung cư này. Nếu Hà Nội tiếp tục làm như vậy chúng ta sẽ có thêm rất rất(!) nhiều khu chung cư mới và tắc nghẽn giao thông là điều không thể tránh khỏi.
Di dời các trường đại học ra khỏi nội thành như dự kiến của quy hoạch thủ đô sẽ phá vỡ hệ sinh thái giáo dục đại học vốn tồn tại từ hơn 50 năm nay. Các trường đại học trong các quận nội thành (cả cũ lẫn mới) từ lâu, khi mà các khu đó còn là những vùng thưa dân, vắng vẻ, không phát triển. Sau nhiều thập kỷ phát triển các trường đại học đã trở thành tâm phát triển của nhiều quận, góp phần làm phát triển bộ mặt đô thị của Hà Nội. Cũng từ các địa điểm hiện nay các trường đại học đã thành hình hàng loạt các mối quan hệ hợp tác công sinh với các cơ sở giáo dục, các cơ sở sản xuất và kinh doanh cũng như các cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu Việt Nam. Nếu thực sử đẩy các trường đại học hiện thời ra khỏi nội thành Hà Nội, chúng ta sẽ làm đứt quãng các quan hệ này và làm ngưng trệ nhiều mối quan hệ rất cần cho sự phát triển chung của đất nước và Hà Nội.
Di dời các trường đại học ra khỏi nội thành sẽ phá vỡ cấu trúc nền kinh tế vi mô của các quận nội thành, tạo ra tác động rất lớn cư dân và các cơ sở sản xuất và kinh doanh trong nội thành. Hãy hình dung khoảng 500 ngàn trong số hơn 600 ngàn sinh viên đại học hiện nay đang đi thuê nhà, ở trọ. Ước hiện nay mỗi sinh viên một tháng tối thiểu phải bỏ ra khoảng 1-1,5 triệu đồng để thuê nhà và các dịch vụ đi kèm, tiêu khoảng 3,5 triệu cho ăn, uống và các dịch vụ cá nhân. Vậy số 500 ngàn sinh viên kia sẽ đóng góp cho nền kinh tế Hà Nội khoản 2,5 ngàn tỷ đồng mỗi tháng và 10 tháng trong năm học con số này sẽ là 25 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó ước khoảng 60% sinh viên (tức trên 300 ngàn sinh viên) đang tham gia các hoạt động kinh tế để tạo thêm thu nhập cho mình, tức Hà Nội có được 300 ngàn lao động có trình độ, giải quyết được nhiều dịch vụ và hoạt động kinh tế đòi hỏi kiến thức trình độ cao. Khi di dời ra khỏi nội thành thì số nhân công thời vụ kia và các khoản doanh thu do tiêu dùng của sinh viên mang lại cũng sẽ rời khỏi nội thành Hà Nội. sẽ có nhiều hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ sẽ phá sản vì mất đi khách hàng chính của mình mà hầu như không có cơ hội điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình.
Chuyển các trường đại học từ khu nội đô ra ngoại thành xa sẽ làm giảm cơ hội làm thêm của sinh viên dẫn đến sự hấp dẫn của các trường đại học Hà Nội sẽ giảm sút, sinh viên sẽ tìm kiếm cơ hội học tập và làm việc ở các thành phố khác. Các đối tác của các trường đại học cũng sẽ có điều chỉnh mối quan hệ nếu như khoảng cách đi lại sẽ trở thành hạn chế của việc triển khai các hoạt động hợp tác. Giảng viên cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì thay đổi phương thức di chuyển, mát thời gian di chuyển và đảo lộn sinh hoạt gia đình. Các nhà cung cấp dịch vụ cũng sẽ tăng chi phí cung ứng dịch vụ và như vậy làm tăng khoản chi của các trường đại học.
PV: Hiện tại ĐH QGHN là đơn vị tiên phong thực hiện chủ trương chuyển đổi địa điểm từ nội thành lên KĐT Hòa Lạc, tuy nhiên việc thay đổi địa điểm đào tạo của các trường trong ĐHQG HN đã và đang đối mặt với nhiều thách thức đặc biệt là giảm tỷ lệ thí sinh nhập học so với trước đây khi các trường còn ở nội thành. Bên cạnh đó, nhiều trường bị chảy máu chất xám do giảng viên không muốn đi làm việc ở nơi quá xa trung tâm. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này ?
TS Lê Đông Phương: ĐH Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên di chuyển dần từ nội thành ra vùng huyện xa của Hà Nội. Việc dịch chuyển này đã làm gia tăng thời gian di chuyển/đi lại của giảng viên, cán bộ và cả sinh viên, học viên. Hạ tâng vật chất phục vụ hoạt động dạy và học cũng chưa được đầy đủ dẫn đến làm gián đoạn hoạt động dạy và học cũng như nghiên cứu của các đơn vị. Từ đó bắt đầu có hiện tượng giảng viên tìm “bến đỗ” mới tại các trường gần nội đô hơn. Rõ ràng lợi ích của việc di chuyển các đại học ra các huyện xa có một số điểm tốt nhất định nhưng các bất cập hiện tại làm cho các lợi ích tiềm năng kia mất ý nghĩa. Việc di dời có tính áp đặt sẽ để lại nhiều ảnh hưởng đến các trường đại học không kém những ảnh hưởng đối với các địa phương vốn có các trường đại học. Điều này sẽ kéo dài cả nhiều năm sau khi hoàn tất việc di dời.
PV: Là nhà nghiên cứu GDDH có kinh nghiệm, ông có so sánh gì chủ trương của chúng ta với các quốc gia khác khi chuyển các trường ĐH ra khỏi nội đô?
TS Lê Đông Phương: Các nước khác rất tôn trong giá trị lịch sử của các trường đại học. Việc các đô thị phát triển và ‘vây quanh’ các trường đại học được coi là giá trị văn hóa đặc biệt mà các trường đại học mang lại cho các đô thị nơi họ có địa điểm. Các thành phố lớn trên thế giới luôn đưa các trường đại học vào danh sách các địa điểm đáng tham quan của thành phố, nhiều nơi các thành phố sẽ rất tự hào khi được gọi là thành phố đại học vì trên địa bàn có trường đại học.
Sự phát triển của đô thị và sự hiện diện của các trường đại học trong vùng lõi của các đô thị hiện nay đều được nhìn nhận như là hệ quả tất yếu của phát triển xã hội và không phải vì vậy mà tìm cách “đây” các trường đại học ra khỏi vị trí hiện thời. Thậm chí có thành phố của Mỹ đã dùng ngân sách thành phố để mua thêm các lô đất xung quanh một trường đại học để giúp trường mở rộng và hoàn thiện cơ sở vật chất của mình trong bối cảnh bùng nổ của quy mô sinh viên.
Trong bối cảnh đó chủ trương “đưa” các trường đại học ra khỏi nội thành Hà Nội là một cách làm ngược so với các nước khác.
PV: Theo ông đâu là giải pháp khả thi vừa đảm bảo được các vấn đề về giao thông, đô thị, vừa tạo được sự phát triển bền vững cho các trường ĐH khi chúng ta thực hiện di dời các trường ĐH ra khỏi nội thành ?
TS Lê Đông Phương: Để phát triển Hà Nội với vị trí là trung tâm văn hóa – chính trị của đất nước thành phố cần có một tiếp cận tích cực hơn về phát triển các trường đại học trong cân đối với sự phát triển đô thị. Thành phố nên tìm ra giải pháp khác để giảm ùn tắc giao thông nói chung và tạo thuận lợi cho sinh viên, giảng viên, cán bộ nhân viên các trường đại học trong sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Bên cạnh đó điều chỉnh các hoạt động kinh doanh - sản xuất xung quanh các trường đại học để hỗ trợ sinh viên, giảng viên và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh hay doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển mà không làm ảnh hưởng đến các chức năng đô thị khác.
PV: Xin cảm ơn TS!