Những lo lắng có thật

Chị Nguyễn Ngọc Ánh, nhà ở Long Biên, Hà Nội ủng hộ nhiệt thành việc mở cửa trường học trở lại. Hai vợ chồng chị kinh doanh hàng ăn nên khó có thể giám sát việc học trực tuyến, sử dụng thiết bị điện tử suốt ngày này qua ngày khác của các con.

“Chưa bao giờ con tôi học trực tuyến kéo dài đến như vậy. Hồi đầu cũng tạm ổn nhưng càng ngày càng nhiều chuyện. Từ đứa không biết gì đến giờ thì nghiện game. Bố mẹ không thể kiểm soát được vì bận và mình cũng không biết gì về máy tính”, chị Ánh chia sẻ.

Thỉnh thoảng kiểm tra đột xuất, thấy bố hoặc mẹ vào phòng, con chị Ánh sẽ tắt phụt trang web đang dùng để trở về lớp trực tuyến. Nhiều lần vợ chồng chị phát hiện con đang chơi game, xem phim hoặc buôn chuyện với bạn bè. Việc nhắc nhở luôn nhận lại sự khó chịu, cãi cự từ câu con trai. Cấm sử dụng máy tính đồng nghĩa việc nghỉ học trực tuyến.

Cho đến thời điểm này, kể cả khi đi học trở lại thì rất nhiều hoạt động kiểm tra, giao bài vẫn được giáo viên triển khai trên lớp học trực tuyến. Sử dụng máy tính ngoài giờ học trở nên đương nhiên.

Chị Thanh Linh, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là một giáo viên nên có hiểu biết về ít nhiều về ứng dụng công nghệ. Chị kiểm soát việc kết nối internet của hai con lớp 8 và lớp 5 đều thông qua lịch sử truy cập. Tuy nhiên, khả năng kiểm soát của người lớn xem chừng khó theo kịp tốc độ am hiểu và thành thạo công nghệ của người trẻ.

“Xóa sạch lịch sử truy cập rất dễ với đám trẻ. Chúng còn hướng dẫn nhau những cách thức để người lớn khó kiểm soát việc sử dụng internet. Thực ra rất khó cho phụ huynh khi bản thân bận rộn, công nghệ cũng không thực sự giỏi", chị Linh chia sẻ

Điều mà chị Linh lo lắng là thế giới mạng rộng lớn và cũng vô vàn những bẫy rình rập bọn trẻ mà nhiều khi chúng không thể lường hết. "Ngay học sinh của tôi, nhiều em vô tình rơi vào các trang web đen, bị dụ dỗ. Các em dễ trở thành đối tượng bị kẻ xấu lợi dụng, bị ép buộc buộc gửi hình ảnh cá nhân cho các đường dây bán dâm, lừa đảo yêu đương.” Chị Linh cho biết.

Cần "vẽ đường cho hươu chạy đúng"

"Em an toàn hơn cùng Google" là tên dự án nâng cao nhận thức cũng như trang bị kỹ năng quản lý thiết bị giúp trẻ em sử dụng mạng an toàn do Trung tâm Sức khỏe gia đình và Phát triển Cộng đồng (CFC) khởi xướng. Theo bà Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm, đây là khóa học giúp trẻ em trang bị những kiến thức cần thiết nhất như cách tạo mật khẩu, bảo mật thông tin, cách đánh giá nguồn tin, ứng xử với bắt nạt trên mạng, lan tỏa sự tử tế, tích cực… cho học sinh tiểu học, giáo viên và phụ huynh.

Bà Hoàng Anh chỉ ra 3 nguy cơ cao nhất khi sử dụng mạng internet là nghiện game, thông tin xấu và lừa đảo qua mạng. Ngoài ra còn có nhiều rủi ro khác như mất tập trung vào việc học, mất thông tin cá nhân, bắt nạt trên mạng, xâm hại qua mạng, bị kẻ xấu dụ dỗ, lợi dụng, học theo những điều không lành mạnh, ảnh hưởng sức khỏe tâm lý và tinh thần. Đây là kết quả khảo sát dưới góc nhìn của phụ huynh và giáo viên trong quá trình triển khai dự án.

Trong năm 2021, CFC đã triển khai rất nhiều các hoạt động hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên mạng. Ở đây hướng tới tổng thể cả đối tượng phụ huynh, giáo viên và trẻ em, bao gồm nhiều hoạt động.

Riêng dự án “Em an toàn hơn cùng Google” do Google tài trợ, CFC triển khai hoạt động đào tạo giáo viên về kỹ năng an toàn trên mạng cho 150 trường học với hơn 1.200 giáo viên tham gia, tổ chức các hội thảo trực tuyến cho gần 1.800 phụ huynh, các hoạt động ngoại khóa tại trường hồi tháng 3 năm 2021, ngay trước khi giãn cách xã hội, các buổi đào tạo trực tuyến cho học sinh. Thông qua hình thức trực tiếp và gián tiếp, thông qua phụ huynh và giáo viên, dự án đã tiếp cận 62,000 trẻ em. Đặc biệt có sự tham gia đồng hành của Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai, triển khai miễn phí cho toàn bộ các trường tiểu học của tỉnh và hệ thống 13 làng trẻ em SOS trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, CFC viết cuốn sách 15 bí kíp an toàn trên mạng cho trẻ em, dự kiến phát hành trong quý 1/2022.

Với những thành công bước đầu đó, cùng với sự quan tâm rất lớn của phụ huynh và giáo viên, năm 2022, Google và CFC đặt mục tiêu tham vọng hơn khi đưa dự án “Em an toàn hơn cùng Google”, trang bị các kỹ năng an toàn trên mạng đến 500,000 trẻ em Việt Nam.

Càng ngày, sự hiện diện của internet trong cuộc sống càng lớn, ngay cả đối với trẻ em. Bây giờ thật khó có thể cấm hoàn toàn trẻ em sử dụng Internet hay các thiết bị điện tử. Bởi vậy, việc hướng dẫn trẻ em các kỹ năng an toàn, nhận diện các rủi ro và tự bảo vệ bản thân là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, việc trang bị những kiến thức, kỹ năng để giúp phụ huynh và thầy cô giáo đồng hành cùng trẻ em, bảo vệ trẻ, hướng dẫn và giúp trẻ an toàn trên mạng cũng quan trọng không kém, bà Hoàng Anh nhấn mạnh.