Chiều 18/1, Kỳ thi Đánh giá tư duy (TSA) đầu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội trong mùa tuyển sinh 2025 đã diễn ra tại các điểm thi thuộc 13 tỉnh, thành phố trên cả nước với 6.891 thí sinh dự thi.
Tổng số thí sinh tham dự đợt 1 của kỳ thi diễn ra từ 18-19/1 là gần 14.000 thí sinh.
Kỳ thi được tổ chức cùng lúc tại 31 điểm thi, trong đó 18 điểm thi tại khu vực Hà Nội và 13 điểm thi ở các địa phương như Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng.
Em Trần Đình Chính, Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) chia sẻ, mặc dù học lớp 11 nhưng để thử thách bản thân cũng như sớm có suất học đại học em mạnh dạn đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Mục tiêu của Chính là có thể theo học vào các ngành tự động hóa, cơ khí điện tử... của Đại học Bách khoa Hà Nội.
"Các đợt tuyển sinh đại học những năm gần đây rất cạnh tranh, nhất là các trường, các ngành top cao. Do vậy, em muốn chuẩn bị tốt các điều kiện để có thể theo học được ngành học yêu thích. Vì mới là học sinh lớp 11 nên dự kiến em sẽ tiếp tục đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá tư duy ở các đợt sau để gia tăng cơ hội của mình", Trần Đình Chính chia sẻ.
Ngoài chuẩn bị cho kỳ thi Đánh giá tư duy, em Trần Đình Chính cho biết, bản thân cũng chuẩn bị tốt cho 3 môn Toán – Lý – Hóa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT để năm sau sẽ xét tuyển vào Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Trong khi đó, Phạm Thanh Bình, học sinh lớp 12, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội) đặt mục tiêu đạt từ 60 điểm trở lên tại kỳ thi đánh giá tư duy.
Bình cho biết, mục tiêu của bản thân là có thể trúng tuyển vào ngành Kỹ thuật y sinh, một ngành học có nhiều tiềm năng phát triển cả trong hiện tại và tương lai.
"Để chuẩn bị cho mùa xét tuyển đại học 2025, em đã thi chứng chỉ IELTS. Đối với kỳ thi đánh giá tư duy, nếu em đạt kết quả tốt sẽ gia tăng cơ hội của mình vào ngành học, trường học yêu thích", Phạm Thanh Bình nói.
Tương tự, Hoàng Thị Minh Hằng, học sinh lớp 12 Trường THPT Văn Giang (Hưng Yên), cho biết, tham dự thi đánh giá tư duy đợt 1 để thử sức xem khả năng của bản thân đang ở mức nào. Từ kết quả lần thi này có thể rút ra kinh nghiệm và cố gắng ôn tập cho đợt thi thứ hai tốt hơn.
Thí sinh quê Hưng Yên lo lắng, năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội tăng 10% chỉ tiêu cho xét tuyển đánh giá tư duy, do vậy em sẽ dồn toàn sức lực vào kỳ thi này, còn trên lớp em sẽ cố gắng học đều để thi tốt nghiệp THPT.
Mục tiêu của bài thi đánh giá tư duy là đánh giá ba năng lực tư duy nền tảng của học sinh, bao gồm: Tư duy toán học, tư duy đọc hiểu và tư duy khoa học/giải quyết vấn đề - những yếu tố quan trọng giúp học sinh có thể học tập tốt nhất tại môi trường giáo dục đại học.
Cấu trúc bài thi gồm 3 nội dung: Tư duy toán học (60 phút), tư duy đọc hiểu (30 phút) và tư duy khoa học/giải quyết vấn đề (60 phút) với hình thức thi là hoàn toàn trắc nghiệm trên máy tính. Tổng thời gian làm bài cho 3 nội dung thi là 150 phút.
Bài thi sẽ được tổ chức nhiều đợt thi trong năm, thí sinh dự thi sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi và có thể sử dụng xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước có nhu cầu. Cấu trúc và nội dung bài thi đánh giá tư duy sẽ được giữ ổn định trong nhiều năm tới.
Trao đổi phóng viên VOV2, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, Kỳ thi đánh giá tư duy đợt 1 năm 2025 có đông thí sinh tham dự hơn so với năm 2024 do nhà trường giảm số đợt thi từ 6 xuống còn 3 đợt.
Đặc biệt, rút kinh nghiệm năm ngoái, hàng trăm thí sinh phải dừng thi đánh giá tư duy vì sự cố mất Internet, năm nay Đại học Bách khoa Hà Nội đã lên các phương án dự phòng, đồng thời tránh tổ chức thi vào các đợt mưa bão nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh.
Cùng với đó nhiều công nghệ khảo thí hiện đại tiếp tục được áp dụng cho kỳ thi như công nghệ xây dựng câu hỏi thi tư duy chuẩn hóa, lý thuyết cầu trong đề thi, công nghệ chấm thi theo mô hình IRT nhiều tham số, công nghệ check-in tự động theo thẻ CCCD có tích hợp với hệ thống quản lý dữ liệu cá nhân trên Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư để định danh thí sinh đến dự thi nhằm chống triệt để việc thi hộ và gian lận trong thi cử...
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, công tác ra đề thi đánh giá tư duy năm nay phức tạp, vất vả hơn năm ngoái bởi cần phải đối sánh tất cả câu hỏi cho phù hợp với nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từ đó giúp thí sinh không bị bỡ ngỡ, không có nội dung thi nào vượt ra ngoài chương trình.
Năm 2025, Đại học Bách khoa tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy qua hình thức trắc nghiệm khách quan trên máy tính.
Cụ thể: Đợt 1: Ngày thi 18-19/1; Ngày mở đăng ký 1-6/12/2024; Đợt 2: Ngày thi 8-9/3; Ngày mở đăng ký 1-6/2/2025; Đợt 3: Ngày thi 26-27/4; Ngày mở đăng ký 1-6/4/2025
Địa điểm tổ chức thi: 13 tỉnh/thành phố gồm Hà Nội, Lào Cai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng.
Hiện tại, có khoảng 50 đại học sử dụng điểm thi đánh giá tư duy để xét tuyển đầu vào. Tuy nhiên, công thức quy đổi điểm thi đánh giá tư duy sang thang điểm của các trường khác nhau. Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Phong Điền lưu ý thí sinh đọc kỹ quy định của từng trường để nâng cao khả năng trúng tuyển.