Trao đổi với P/V VOV2 (Đài TNVN), TS. Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Công đoàn Giáo dục Việt Nam trích từ quỹ hoạt động khoảng 2 tỉ đồng để chăm lo Tết cho cán bộ, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.

“Mỗi cán bộ, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn tại tất cả các cơ sở giáo dục được hỗ trợ 500.000 đồng để đón Tết. Đồng thời, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng kêu gọi các tổ chức, công đoàn các cơ sở trường học trích từ quỹ an sinh để hỗ trợ thêm cho cán bộ, giáo viên”, TS. Nguyễn Ngọc Ân cho biết.

Cũng theo ông Ân, ngoài việc trích từ quỹ hoạt động, công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng huy động gần 1 tỷ đồng (tiền, hiện vật…) từ các tổ chức, doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho giáo viên.

Đặc biệt, từ cuối tháng 1/2024, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức chương trình “Tết Sum vầy-Xuân chia sẻ” tại các khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ.

Tại Chương trình “Têt sum vầy – Xuân chia sẻ” năm 2024 tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã kết nối bằng hình thức trực tuyến với các thầy giáo, cô giáo các trường học tại huyện Côn Đảo và quần đảo Trường Sa, bao gồm đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây, Trường Sa lớn, để các thầy giáo, cô giáo trên đảo được giao lưu với các thầy giáo cô giáo trên đất liền, cùng cảm nhận được không khí Tết đến – Xuân về.

Tại chương trình này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và các nhà tài trợ đã trao tặng cho 8 thầy giáo, cô giáo tại 4 trường học trên đảo, với số tiền là 16 triệu đồng.

Ngoài ra, công đoàn ngành GD-ĐT Hà Nội, Khánh Hòa... tổ chức gặp mặt, tặng quà cho giáo viên, học sinh là vợ, là con các chiến sĩ đang công tác tại các vùng biển, đảo tổ quốc.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân cho biết, trong dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn, Công đoàn ngành đã kêu gọi các trường học TP. Hà Nội huy động các nguồn lực để chia sẻ học sinh, giáo viên tại các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

“Chúng tôi huy động quần áo ấm, tiền để hỗ trợ cho học sinh của 2 xã Trung Chải, Tả Phìn của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Đây cũng là hai xã có những giáo viên, học sinh rất khó khăn.”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân chia sẻ.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề thưởng Tết giáo viên, TS. Nguyễn Ngọc Ân cho rằng, bản chất của thưởng Tết là chia lợi nhuận của doanh nghiệp sau một năm sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, ngành giáo dục không phải là ngành kinh doanh thì không có lợi nhuận, đặc biệt là khối các cơ sở giáo dục phổ thông.

Do vậy, để chia sẻ khó khăn, thiệt thòi cho đội ngũ nhà giáo, ông Ân khẳng định, Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ phải làm tốt vai trò, trách nhiệm, đứng ra huy động các lực lượng xã hội quan tâm đến giáo viên để dù ít hay nhiều giáo viên có được sự động viên, chia sẻ, ấm áp dịp Tết đến, xuân về.