Triển lãm VietEDU bắt đầu từ ngày 26 kéo dài đến ngày 28/9 quy tụ hơn 100 nhà cung cấp hàng đầu lĩnh vực giáo dục gồm ấn phẩm sách; công nghệ giáo dục; đồ chơi giáo dục; chương trình dạy học; đào tạo ngoại ngữ; thiết bị nội thất, hạ tầng giáo dục…Trong ngày đầu, lượng khách đông đúc và tập trung ở thời điểm khai mạc tạo nên những tắc nghẽn cục bộ. Tuy nhiên, đơn vị tổ chức nỗ lực khắc phục nhằm đem đến những trải nghiệm tốt nhất.
Hội thảo “Công nghệ cho trẻ: Nuôi dưỡng tư duy số” diễn ra trong buổi sáng ngày khai mạc triển lãm. 3 nội dung chính được các diễn giả trình bày lần lượt đi từ Tổng quan về giáo dục có ứng dụng công nghệ ở Việt Nam; Hoạt động chơi trên nền tảng số cho trẻ mầm non và Triển vọng cho giáo dục STEM ở cấp mầm non và liên thông với giáo dục STEM ở cấp phổ thông.
Ở phần tổng quan về giáo dục có ứng dụng công nghệ ở Việt Nam, bà Đậu Thúy Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Đào tạo Quản lý Trực tuyến OMT, thành viên Hiệp hội Giáo dục Mầm non ngoài công lập Việt Nam cho thấy hành trình công nghệ bước vào và chi phối giáo dục. Đại dịch khiến công nghệ trở thành xu thế “không thể đảo ngược”.
Mầm non, bậc học đầu tiên có tốc độ tiếp cận công nghệ chậm hơn bởi những “định kiến” về những tác động tiêu cực tới sự phát triển của trẻ em cũng như đòi hỏi sự có mặt của phụ huynh trong hầu như suốt quá trình học của con em. Tuy nhiên, bậc học này chứng kiến nỗ lực lớn của đội ngũ giáo viên, lãnh đạo của các trường mầm non trong việc tiếp cận cũng như sáng tạo ra các học liệu số. Nhiều giáo viên mầm non tự quay clip hướng dẫn trẻ, gửi lên nhóm lớp để phụ huynh có thể đồng hành.
Tuy nhiên, sau đại dịch, khi lớp học truyền thống trở lại nhịp điệu bình thường, công nghệ giáo dục có chiều hướng phát triển mạnh ở khối mầm non tư thục, bà Đậu Thúy Hà đánh giá. “Việc độc lập về tài chính đã khiến các trường tư thục dám đầu tư, dám đưa những trải nghiệm mới vào hoạt động dạy và học ngay từ bậc học đầu tiên".
Cũng theo bà Đậu Thúy Hà, đưa công nghệ vào dạy học ở Việt Nam có thuận lợi là tỉ lệ người biết chữ trên 98,8%, một con số lí tưởng chỉ có ở các quốc gia phát triển. Ứng dụng công nghệ vào giáo dục tại Việt Nam cũng nhận được sự đồng thuận và hỗ trợ mạnh mẽ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo bằng những văn bản, quyết định hết sức cụ thể và sát sao.
Tại Hội thảo, Nhà giáo ưu tú, T.S Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ Giáo dục, Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh vai trò của việc học qua chơi, giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, và đặc biệt là kỹ năng tư duy máy tính – một trong những kỹ năng cốt lõi của thế kỷ 21.
Vấn đề lo lắng của nhiều phụ huynh về tác hại của công nghệ tới trẻ em nói chung, học sinh nói riêng gồm cả sức khỏe thị lực, khả năng phát triển vận động trong môi trường tự nhiên cũng như giao tiếp xã hội được TS Cường trả lời bằng một câu hỏi “Bây giờ còn cái gì là chưa ứng dụng số?. Theo số liệu tính toán mới nhất, những thiết bị, đồ vật, sự vật của thế giới thực của chúng ta kết nối đã khoảng 30.000 tỷ. Như vậy, tất cả mọi thứ được biểu hiện bằng vật lý gần như đã được kết nối tại thời điểm này. Vậy nên chúng ta cần hướng dẫn trẻ tiếp cận ngay từ đầu”.
Câu chuyện ở đây không phải và không thể khước từ. Thích ứng và phù hợp là điều TS Tôn Quang Cường nhấn mạnh. Với trẻ mầm non, chơi được xem như hoạt động chủ đạo nhằm nhận thức thế giới xung quanh cũng như hình thành kĩ năng vận động, tư duy, tương tác xã hội. Việc chơi cái gì? Chơi với ai và chơi như thế nào trên môi trường số lần lượt được TS diễn giải cũng như hướng dẫn nhằm hạn chế những yếu tố tiêu cực đồng thời hướng tới sự phát triển, học tập, tương tác của trẻ với môi trường xã hội xung quanh cũng như hình thành, hoàn thiện kĩ năng.
“Tôi từng chứng kiến một em bé 4 tuổi muốn ăn kẹo. Và mẹ em bé rất muốn biết con thích loại nào. Em bé đó mượn điện thoại của mẹ, mở file ảnh và chỉ vào ảnh chiếc kẹo em đã từng ăn và đã chụp lại. Tư duy thông thường của chúng ta là cháu sẽ mô tả, sẽ chỉ ra những chi tiết về loại kẹo đã từng ăn hoặc đã từng thấy bằng ngôn ngữ của mình. Mẹ cháu thực sự ngạc nhiên về điều này”, câu chuyện được TS Tôn Quang Cường kể lại như một dẫn chứng về việc công nghệ đã bước vào đời sống của trẻ theo cách đơn giản nhất.
Và trẻ em Việt Nam hiện nay đã và đang tiếp cận công nghệ tương đương với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Môi trường số “bủa vây” trẻ từ nhà, ra đường, đến trường. Nếu người lớn chỉ nghĩ ở góc độ tiêu cực để ngăn cản, từ chối hoặc bỏ mặc trẻ trong sự “bủa vây” công nghệ ấy, các em sẽ mất đi sự chủ động trong khai thác và sử dụng hiệu quả cho cuộc sống, học tập.
Ở Chủ đề thứ 3 có nội dung “Triển vọng cho giáo dục STEM ở cấp mầm non và liên thông với giáo dục STEM ở cấp phổ thông”, Th.s giáo dục Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ về sự cần thiết trong định hướng và hình thành kỹ năng số cho trẻ từ sớm.
Câu chuyện trẻ nghiện thiết bị thông minh, lơ là học tập, quay lưng với cuộc sống thực đã khiến xã hội, báo chí nhiều lần lên tiếng. Gần đây, không ít nhà trường buộc phải thu hồi thiết bị hoặc cấm sử dụng smartphone trong khuôn viên lớp hoặc trường học. Điều này được lý giả từ góc độ của sự thiếu liền mạch. Vì không được hướng dẫn đúng từ sớm, lại đúng giai đoạn hướng vào phát triển bên trong, nên khi có trong tay thiết bị kết nối, việc “đi lạc” hoặc “đắm chìm” trong thế giới ảo khả năng cao sẽ xảy ra.
Giáo dục STEM có thể xem như bước đầu hỗ trợ nhận thức cũng như để trẻ trải nghiệm công nghệ từ bậc mầm non một cách hệ thống, phát triển tư duy logic và sáng tạo, thay vì chỉ dừng ở hoạt động vui chơi thông thường. Với sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ, trẻ mầm non được quan sát, trải nghiệm thế giới xung quanh, thúc đẩy khả năng ham học hỏi. Vấn đề ở đây, đội ngũ giáo viên mầm non cần được đào tạo để vận dụng linh hoạt, sáng tạo giáo dục STEM vào từng lớp học, từng độ tuổi phù hợp. Cùng với đó cũng cần những chương trình được chứng nhận và kiểm định chất lượng từ cơ quan quản lí giáo dục thay vì tình trạng nhiều nguồn tự phát như hiện tại.
Hội thảo “Công nghệ cho trẻ: Nuôi dưỡng tư duy số” mở màn cho triển lãm VietEDU 2024 đã đem đến những nội dung thiết thực trong cách thức và kinh nghiệm tốt đã được triển khai trong thời gian qua, để trẻ em Việt Nam được tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến và công nghệ mới nhất từ khi còn nhỏ. Đây đồng thời là dịp để các chuyên gia đầu ngành và những nhà giáo dục chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời thảo luận về việc làm thế nào để áp dụng công nghệ, từ các nền tảng số đến phương pháp học STEM, nhằm chuẩn bị cho thế hệ trẻ sẵn sàng bước vào thế giới số trong tương lai.