Vượt lên sự xấu hổ, rụt rè để giao tiếp nhiều hơn với người bản địa

Khi đặt chân đến một đất nước mới, việc đầu tiên ai cũng phải làm là giao tiếp bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ của nước bản địa. Bản thân Thanh Giang đã từng trải qua những lần lúng túng về vấn đề ngôn ngữ.

Giang chia sẻ một kỷ niệm, thời gian đầu, khi muốn hỏi người Nhật về một địa điểm nào đó, dù đã rất cố gắng nhưng hai bên đều không hiểu được ý của nhau. Cách giải quyết cuối cùng là sử dụng cả tiếng Nhật, cả tiếng Anh và cả ngôn ngữ cơ thể…một cách trầy trật. “Mãi em mới đến được nơi mình muốn. Em ước gì lúc đó tiêng Nhật của mình được tốt hơn”.

Sau những lúng túng ban đầu đó, Thanh Giang tự tìm giải pháp cho mình là nghe những bản tin thời sự và những video trên Youtube. Ngoài ra, em cố để luyện tập tiếng Nhật càng nhiều càng tốt, cố gắng nói chuyện với thầy cô, bạn bè để luyện khả năng giao tiếp và nghe hiểu của mình.

“Ai cũng phải từ kém mới giỏi lên được. Em đã cố gắng, thậm chí bất chấp xấu hổ để mạnh dạn nói ra những điều mà mình muốn truyền đạt. Chính nhờ những lần mạnh dạn nói ra như thế, ngôn ngữ của mình càng tiến bộ hơn, và sau này sẽ không còn phải xấu hổ khi nói chuyện nữa.”

Chuẩn bị tinh thần: cố gắng gấp hai, gấp ba lần những sinh viên khác để đạt được cùng một thành tích như thế.

Về phương pháp giáo dục, ở nước ngoài có những điểm khác biệt so với Việt Nam. Khi còn ở trong nước, tại nhiều trường học, giáo viên giảng rất kỹ cho học sinh. Nhưng khi sang nước ngoài du học, họ thiên về tự học, tự đọc giáo trình, tự nghiên cứu giáo trình. Nếu như mình không có thói quen tự học tốt và đọc trước khi vào giờ học thì sẽ rất khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức.

“Để không bị sốc trước mỗi tiết học, em sẽ chuẩn bị trước nội dung của bài hôm đấy và sau đó thì ôn tập lại để không bị quên nhanh”, Thanh Giang chia sẻ.

Ngoài mục tiêu quan trọng nhất là làm sao để sớm thích nghi với nền giáo dục mới, Giang muốn gửi tới các bạn tân du học sinh những kinh nghiệm để sớm hoà nhập với cuộc sống mới.

Về ăn uống, tự nhận mình may mắn là người dễ ăn. Tuy vậy, với những bạn khó ăn, có thể xen kẽ giữa những món ăn của nước bạn với những món ăn Việt Nam mà chúng ta tự nấu. Dần dần, bạn sẽ quen với những hương vị mới để có thể tự tin thưởng thức các món ăn mỗi khi cần phải ra ngoài ăn hay ăn với bạn bè nước bản địa.

Về vấn đề nhà ở, hiện ở Nhật nói riêng hay nhiều nước nói chung có 3 hình thức phổ biến là ký túc xá trong trường học, ở homestay với chủ nhà là người bản địa hay ở căn hộ, bạn có thể thuê một mình hoặc share cùng vài người bạn khác để giảm chi phí. Mỗi loại hình đều có những ưu, nhược điểm riêng. Nhưng dù sống tự lập hay là sống chung với người khác, chúng ta đều cần phải luyện tập những kỹ năng mềm, không nên quá ỷ lại vào người khác. “Biết điều và tôn trọng lẫn nhau”, đây là bí quyết để có thể chung sống hoà bình.

Về vấn đề làm thêm, rất nhiều quốc gia có quy định về giờ làm tối đa dành cho du học sinh. Các bạn trẻ cần tìm hiểu thật kỹ về mặt pháp luật để không vi phạm và không dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng,

Tìm động lực để tạm “cất” nỗi nhớ nhà

Sự cô đơn, buồn tủi khi phải sống xa gia đình là điều không tránh khỏi, nhất là giai đoạn mới đi du học, tuy vậy, chúng ta không nên chỉ bó chặt trong những mối quan hệ sẵn có ở trong nước mà nên đi tìm những mối quan hệ mới, những người bạn mới.

Thanh Giang chia sẻ thêm một vài “bí quyết” riêng mỗi lúc nhớ nhà, đó là bạn có thể làm sao nhãng bản thân bằng những hoạt động khác như đi dạo, đi ngắm cảnh hoặc một phương pháp đơn giản để chữa thành tâm hồn là đi ngủ. Sau 1 giấc ngủ dài, bạn sẽ cảm thấy lạc quan hơn.

“Nỗi nhớ nhà thật sự là một nỗi buồn dai dẳng nhưng chúng ta đều có sức mạnh để tạm cất nỗi nhớ ấy đi và tiếp tục phấn đấu, bởi vì ai cũng đều có mục tiêu của riêng mình. Hãy nỗ lực và phấn đấu mỗi ngày thì đến cả những nỗi nhớ nhà cũng không thể nào đánh gục được chúng ta.”

Cùng nghe thêm chia sẻ của bạn Nguyễn Thanh Giang tại đây: