Giai đoạn 2022-2026, Bộ Chính trị giao bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên. Hai năm qua, ngành giáo dục được giao bổ sung hơn 27.800 biên chế giáo viên mỗi năm nhưng tính đến hết học kỳ 1 năm học 2022-2023, các địa phương chỉ tuyển dụng được hơn 55% chỉ tiêu được giao. Tính đến cuối năm học trước, cả nước còn thiếu 118.000 giáo viên.

Trước yêu cầu cần đủ số lượng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số cơ học, mới đây tại dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội, do Bộ GD-ĐT gửi Chính phủ, Bộ GD-ĐT đề xuất tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp CĐ chuyên ngành và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy một số môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học và THCS. Việc tuyển dụng dưới chuẩn được thực hiện đến hết năm 2028, dự tính thu hút khoảng 10.000 giáo viên trình độ cao đẳng.

Nếu được thông qua, đây được xem là giải pháp “hạ chuẩn” để tuyển giáo viên. Bởi theo Luật giáo dục 2019, giáo viên tiểu học, THCS và THPT phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.

Sẽ giúp các địa phương có thêm nguồn tuyển

Ủng hộ chủ trương này, ông Bùi Văn Thư – Trưởng phòng giáo dục huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cho rằng, việc hạ chuẩn trong điều kiện thiếu giáo viên như hiện nay là cần thiết. Sau 2 - 3 năm, giáo viên diện này phải nâng chuẩn phù hợp với yêu cầu của Luật giáo dục 2019.

Theo ông Thư, toàn huyện Mèo Vạc hiện còn thiếu hơn 100 giáo viên, nhất là ở cấp tiểu học và THCS. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, những năm gần đây, huyện phải kêu gọi sự hỗ trợ của các địa phương khác và các tổ chức thiện nguyện để dạy tiếng Anh trực tuyến cho HS từ lớp 3. Vì vậy, tuyển giáo viên trình độ cao đẳng sẽ giúp Mèo Vạc dễ dàng tìm được nguồn tuyển.

Không những Mèo Vạc, Hà Giang mà nhiều địa phương ngay từ cuối năm học trước đã có đề xuất được tuyển giáo viên trình độ cao đẳng. Cụ thể, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư tỉnh ủy Yên Bái đề xuất trong 3 năm tới cho phép các tỉnh tuyển dụng dưới chuẩn đào tạo giáo viên những môn học còn thiếu. Tỉnh sẽ sử dụng kinh phí để đào tạo liên thông đại học để đạt chuẩn từ 3-5 năm. Điều này theo Bí thư tỉnh ủy Yên Bái sẽ tháo gỡ khó khăn về nguồn tuyển cho địa phương, vừa đỡ lãng phí nguồn nhân lực vốn chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số do tỉnh bỏ kinh phí ra đào tạo nhưng đến nay không tuyển dụng được.

Từ 2021, tỉnh Yên Bái tổ chức nhiều đợt tuyển dụng nhưng chỉ 28,7% thí sinh trúng tuyển trên tổng số chỉ tiêu được giao. Yên Bái cũng có chính sách thu hút và hỗ trợ 100 triệu đồng đối với giáo viên tiếng Anh, Tin học lên miền núi công tác nhưng chưa tuyển dụng được trường hợp nào. Trong khi đó, tỉnh đang có khoảng 200 cử nhân cao đẳng đã tốt nghiệp nhưng do không đạt chuẩn mới nên không thể tuyển dụng được.

Hạ chuẩn bằng cấp nhưng phải nâng chuẩn phẩm chất, năng lực

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, việc hạ chuẩn bằng cấp trong điều kiện thiếu giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 là không phải bàn cãi.

Tuy nhiên, bên cạnh hạ chuẩn thì phải có điều kiện nâng chất lượng đội ngũ. Giáo viên được tuyển dụng “dưới chuẩn” phải được bồi dưỡng, đánh giá. Sau 1-2 năm không dạy được thì không được tuyển nữa. Nếu không có điều kiện này thì rất có thể xảy ra tình trạng lợi dụng việc thiếu giáo viên để “ào ào” đưa những người không đủ chuẩn vào.

Nhà nước cũng cần phải tạo điều kiện để cho giáo viên được nâng chuẩn. Đồng thời, bản thân mỗi giáo viên phải cố gắng vì chương trình mới đòi hỏi năng lực giáo viên lớn. “Chúng ta không chỉ dựa vào bằng cấp mà phải tạo điều kiện cho giáo viên nâng được trình độ thật. Bên cạnh quy định hạ chuẩn, Bộ GD-ĐT cần đưa kèm theo chính sách về công tác bồi dưỡng, tạo điều kiện đánh giá, xem xét giáo viên đáp ứng yêu cầu hay không chứ không phải chỉ đếm đầu số lượng cho đủ”.

Đánh giá đề xuất “hạ chuẩn” để tuyển giáo viên, PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Sư phạm, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, đây là chủ trường kịp thời để giải quyết một phần tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy nhiên, triển khai trên thực tế cần có những hướng dẫn cụ thể. Ví dụ khi tuyển giáo viên tiểu học trình độ cao đẳng là trái với Luật giáo dục 2019 thì cần hành lang pháp lý nào để đảm bảo cho họ? Khi tuyển dụng cần có chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm thế nào để giáo viên có thể đáp ứng chương trình?

Ông Thành cho rằng, giải pháp tuyển dụng giáo viên có bằng cao đẳng không nên được nhìn nhận là “hạ chuẩn” mà phải có chính sách, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để dù tuyển dụng bằng cao đẳng nhưng họ được học để nâng chuẩn ĐH. Đây là việc việc quan trọng để giáo viên cảm thấy yên tâm khi công tác sau này.

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành, lãnh đạo các ngành giáo dục địa phương, các trường cần chủ động tạo điều kiện cho giáo viên có thể học thêm các chương trình như liên thông vừa làm vừa học, chương trình đào tạo chuẩn có thể nâng cấp bằng của họ từ CĐ lên ĐH. Điều này đã có hành lang pháp lý. Bên cạnh tự chủ về mặt kinh phí, cần tìm nguồn ngân sách để giáo viên đi học vẫn có lương, thu nhập.

Đặc biệt, quá trình giảng dạy hoặc tham gia các lớp nghiệp vụ sư phạm, họ có thể được được tính tín chỉ khi học nâng cấp chứng chỉ lên ĐH sẽ được miễn học phần, miễn nội dung mà họ đã trải qua trong thực tiễn.

Phải tăng sức hấp dẫn của nghề giáo

Nhiều chuyên gia cho rằng, hạ chuẩn về bằng cấp là giải pháp để tháo gỡ khó khăn trước mắt. “Chúng ta có nhiều chỉ tiêu nhưng chúng ta không tuyển được chứng tỏ, ở khía cạnh nào đó nghề giáo viên không có sự thu hút hấp dẫn nữa. Có nhiều khó khăn như công việc áp lực, lượng bổng không được tốt, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa thì giáo viên trông chờ hoàn toàn vào đồng lương của mình.

“Ở những TP lớn, có vấn đề một chút với học sinh là giáo viên bị đưa lên mạng, bị phụ huynh và xã hội phê phán”. Chia sẻ những áp lực với nhà giáo, PGS.TS Nguyễn Chí Thành cho rằng, cần có chính sách để tuyển dụng tốt hơn. Ví dụ như có đãi ngộ vị trí việc làm, nhà ở thì sẽ tạo sức hút trong tuyển dụng giáo viên hiện nay.

Thầy Tùng Lâm cho rằng, về lâu dài nên trả nguồn nhân lực về cho chính quyền địa phương, cho chính ngành giáo dục để tự chủ quyết định nguồn lực, chứ không phải thấy thiếu thì kiến nghị nhiều cấp, phải chờ đợi mới giải quyết được. Chính quyền địa phương phải lo ngay việc tạo điều kiện cho ngành giáo dục tuyển đủ giáo viên và nâng cao chất lượng đội ngũ.

Đồng thời, nhà nước phải quyết định sớm tiền lương, tiền phụ cấp, có chính sách đãi ngộ thật tốt để thu hút giáo viên.

Trong điều kiện thiếu giáo viên như hiện nay, thầy Tùng Lâm cho rằng, một số giáo viên đã nghỉ hưu, còn tuổi, còn sức khỏe vẫn cho dạy tiếp. “Quan điểm của tôi là vừa đảm bảo đủ số lượng nhưng phải nâng cao chất lượng, có chính sách thu hút để người tài không đi ra khỏi ngành giáo dục”.

“Phải giải quyết tình trạng thiếu giáo viên nhưng không chỉ bằng một giải pháp hạ chuẩn bằng cấp. Hạ chuẩn bằng cấp là để thu hút người nhưng nâng chuẩn năng lực, nâng chuẩn phẩm chất và có chính sách khuyến khích những người tài, người còn sức lao động tiếp tục tham gia. Phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo đủ số lượng và nâng cao chất lượng chứ chỉ đủ số lượng thôi là không được”, thầy Lâm nêu quan điểm.

Đề xuất tuyển dụng dưới chuẩn được thực hiện đến hết năm 2028. Tuy nhiên, thầy Tùng Lâm băn khoăn 4 năm vẫn chưa đủ thời gian để lấp đầy số lượng giáo viên thiếu hụt. Hơn nữa, theo Luật giáo dục 2019, giáo viên tiểu học phải đạt chuẩn ĐH trở lên. Do đó, nhiều trường hiện chỉ còn đào tạo cao đẳng mầm non. Khi hạ chuẩn để tuyển giáo viên tiểu học trình độ cao đẳng, thầy Tùng Lâm băn khoăn “không biết Bộ GD –ĐT đã có thống kê tính toán thế nào về nguồn lực này “tồn đọng” trong xã hội?"./.