Hàng không đang khủng hoảng thiếu
Mùa hè đến đúng thời điểm đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, người người, nhà nhà đi du lịch. Giá dịch vụ hàng không tăng chóng mặt, lượng người đổ về các sân bay quá lớn gây nên tình trạng chậm, hủy chuyến trở thành ám ảnh với nhiều hành khách.
Lúc này, không ít người chợt nhận ra hàng không không chỉ đơn giản gồm phi công hay tiếp viên. Họ chỉ là những gương mặt khách hàng thường xuyên tiếp xúc. Để một chiếc máy bay bay lên trời có ít nhất 6-7 đơn vị tham gia phục vụ. Khi một mắt xích có vấn đề, toàn bộ chuỗi dịch vụ sẽ bị ảnh hưởng.
Nhiều lao động của ngành bị giảm việc hoặc tạm phải nghỉ trong mùa đại dịch đã tìm được vị trí công việc mới phù hợp hơn và người lao động đã quen việc mới, họ không dễ quay trở lại với dịch vụ hàng không. Khi toàn bộ ngành hàng không hoạt động trở lại, cùng sự bùng nổ của nhu cầu đi lại đã phải đối diện với việc thiếu lao động trầm trọng.
Trong khi đó, theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035. Thêm vào đó, mảng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không cũng đang mở ra thị trường màu mỡ cùng cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ.
Lĩnh vực hàng không chắc chắn đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự quy mô lớn, đặc biệt các vị trí quản trị và vận hành đòi hỏi năng lực chuyên môn cao.
Đào tạo nhân lực ngành Hàng không tại Việt Nam
Về đào tạo kỹ sư hàng không hiện có khá nhiều trường, có thể ví dụ như Đại học Bách Khoa, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Phòng không - không quân, trường Sỹ quan không quân, Học viện hàng không Việt Nam…
Nhưng đào tạo cử nhân hàng không với nghiệp vụ như hoạch định và quản lí sân bay, quản trị an toàn hàng không, quản trị và giám sát bảo trì hãng hàng không, các vị trí điều hành sân bay ở khu dịch vụ công cộng, các vị trí điều hành sân bay ở khu dịch vụ bay… lại không có nhiều trường.
Đại học RMIT là một trong những trường bắt đầu tổ chức đào tạo cử nhân hàng không chuẩn quốc tế. Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo khóa đầu tiên từ cuối năm ngoái. Hà Nội bắt đầu có thông tin và tổ chức dạy thử mang tính hướng nghiệp cho học viên.
Nếu các học viên ở thành phố Hồ Chí Minh đã bước qua kì đầu của ngành hàng không thì ở chi nhánh RMIT Hà Nội, buổi tìm hiểu và học thử mới diễn ra vào ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 6. Lớp học thử diễn ra ngay sau phần tìm hiểu chung về trường, về xu hướng du học trong hệ thống do giảng viên người Ý, vốn là người kỳ cựu trong lĩnh vực hàng không ở nhiều vị trí đứng lớp. Tiếng Anh được sử dụng hoàn toàn trong hơn 1,5 giờ học và không có phiên dịch.
Lê Trần Huy, học sinh lớp 12 chuyên Ngoại ngữ đăng ký tìm hiểu và học thử lớp hàng không từ việc yêu thích và mong muốn học tại RMIT. Khoảng thời gian ngắn ngủi nghe giảng viên chia sẻ cũng như được trực tiếp trao đổi, Huy đã có được góc nhìn ban đầu về ngành hàng không với sự rộng lớn và bao trùm nhiều lĩnh vực trong hoạt động của một sân bay.
“Qua phần chia sẻ của giảng viên em được biết thêm các yếu tố như máy bay vận hành thế nào, xắp xếp lịch trình, cách điều khiển sân bay hoạt động trơn chu. Em nghĩ hàng không cũng là ngành có nhiều cơ hội với mọi người, trải nghiệm ở những kỹ năng nghề khác nhau”, Huy cho biết.
Lê Việt Tú, học sinh lớp 12 trường THPT Trần Hưng Đạo lại quan tâm và đăng ký học ngành hàng không từ quan sát thực tế hàng không Việt Nam sau đại dịch Covid 19. Mong muốn tìm câu trả lời cho băn khoăn tình trạng quá tải xảy ra ở hầu khắp các sân bay trong nước suốt vài tháng qua thúc đẩy Tú tìm đến buổi học thử và nhận thấy ngành hàng không “là một ý tưởng không tồi để theo đuổi”.
Đoàn Anh Đức, học sinh lớp 12 trường HN- Astecdan đến với lớp học thử ngành hàng không bởi bố em là kỹ sư sân bay, một công việc được cho là thầm lặng làm nên thành công và an toàn cho mỗi chuyến cất, hạ cánh. Những lần được theo bố lên sân bay, trực tiếp ngắm nhìn thao tác kỹ thuật vận hành máy bay, cỗ máy khổng lồ đã thêm động lực để Anh Đức có những định hướng ban đầu trong chọn nghề, hướng nghiệp. Tuy nhiên, bản thân em lại quan tâm đến công việc quản trị sân bay bởi phần việc mang tính bao quát chuỗi hoạt động tổng thể của mỗi sân bay.
Sẽ còn một khoảng thời gian khá dài để các bạn học sinh và gia đình lựa chọn ngành học hàng không. Tuy nhiên, từ việc nhìn ra tiềm năng, sự phát triển cũng như nhu cầu lớn của thị trường lao động lĩnh vực này sẽ là tiền đề tốt để các bạn đưa ra quyết định cá nhân.
Những cơ hội của ngành hàng không từ góc nhìn chuyên gia.
Để một chiếc máy bay có thể bay trên bầu trời thì cần tới từ kỹ thuật viên bảo dưỡng, kỹ sư máy bay, kiểm soát viên không lưu, đến nhân sự quản lý vận hành hãng bay, quản lý hàng hóa, nghiệp vụ mặt đất, v.v… Đây đều là những công việc tiềm năng trong thế giới rộng lớn của ngành hàng không.
“Như vậy, ngay cả khi bạn không mong muốn trở thành phi công thì vẫn có rất nhiều mảng công việc khác để phát triển sự nghiệp. Điều mấu chốt là bạn cần có niềm đam mê hứng thú với ngành.”- PGS.TS Alberto Bernabeo, người có 35 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành hàng không gồm quản lí hàng không, hệ thống an toàn, luật hàng không, khí động học, hiệu suất máy bay và quy trình hoạt động khẳng định.
Cũng theo PGS.TS Alberto Bernabeo, để làm trong ngành hàng không, người lao động cần có một số kỹ năng và năng lực cốt lõi. Trước hết cần tư duy bảo đảm an toàn – luôn lấy an toàn làm ưu tiên cao nhất. Tiếp theo là tinh thần tự giác và trách nhiệm cao, bởi mỗi khi máy bay cất cánh, hạ cánh hay di chuyển trên bầu trời thì ưu tiên số một luôn là sự an toàn của hành khách / hàng hóa trên chuyến bay đó. Người làm hàng không không được xem bất kỳ điều gì là hiển nhiên, phải luôn kiểm tra để chắc chắn rằng mọi việc đều được hoàn thành theo đúng quy cách.
“Hãy liên tục đặt câu hỏi, không nên ngại ngùng. Chúng ta đều là con người, nên đều có thể mắc lỗi sai lầm. Cũng vì vậy mà trong chương trình học của ngành Hàng không ở RMIT, chúng tôi có một môn học về Yếu tố con người trong hàng không.” PGS.TS Alberto Bernabeo nhấn mạnh,
Bên cạnh đam mê hứng thú và tư duy an toàn thì một yêu cầu không kém phần quan trọng khác ở khả năng suy nghĩ và hành động một cách chủ động. Đừng để đến phút chót mới quyết định bạn sẽ làm gì.
Sinh viên ngành Cử nhân Khoa học ứng dụng (Hàng không) tại RMIT Việt Nam được đào tạo tập trung vào chuyên ngành Quản trị & Vận hành hàng không, bao gồm những khía cạnh về điều hành, quản lý các hãng hàng không và sân bay, nghiệp vụ mặt đất và vấn đề về bảo hộ - an toàn.
Ngành này không đào tạo phi công mà dạy kết hợp ba mảng: kinh doanh, khoa học ứng dụng, kỹ thuật hàng không. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các cảng hàng không, chẳng hạn ở vị trí quản lý sân bay. Tất nhiên là khi mới ra trường thì các bạn sẽ chưa thể đảm nhiệm vị trí quản lý ngay, nhưng về cơ bản đã có sẵn kiến thức để làm việc trong cảng hàng không.
Học viên tốt nghiệp cũng có thể đảm nhiệm vị trí quản lý bộ phận bảo dưỡng, chịu trách nhiệm điều hành công việc của các kỹ sư và kỹ thuật viên bảo dưỡng. Họ cũng có thể làm việc tại bộ phận nghiệp vụ mặt đất. Lĩnh vực này gồm rất nhiều mảng, từ check-in, an toàn, an ninh đến dịch vụ suất ăn (catering).
Về thu nhập theo PGS.TS Alberto Bernabeo, các hãng bay đang tuyển dụng nhân sự để có thể đáp ứng nhu cầu di chuyển tăng trở lại. Tuy nhiên, hiện tại mặt bằng thu nhập trong lĩnh vực hàng không đang thấp hơn trước thời gian đại dịch. Vậy nên, nếu bắt đầu vào làm ngành hàng không ngay bây giờ, các bạn trẻ nên chắc chắn rằng mình có động lực và đam mê để theo ngành. Nhưng dần dần thăng tiến và đi sâu vào các lĩnh vực chuyên ngành, chắn chắn các bạn sẽ có thu nhập cao hơn do ngành hàng không luôn có nhu cầu tuyển dụng nhân lực với trình độ chuyên môn cao.
Nghe thông tin về ngành hàng không từ chuyên gia tại đây: