Ngày 18/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2022-2023 là năm học đánh dấu 10 năm toàn ngành triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; đồng thời cũng là thời điểm triển khai thực hiện đánh giá việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 phục vụ công tác giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Bên cạnh tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo yêu cầu của Nghị quyết 29, ông Sơn cũng cho biết, năm học 2022-2023, công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tiếp tục được củng cố, duy trì với các chỉ tiêu thành phần được nâng cao. Chất lượng GDPT cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, thí sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đạt thành tích cao...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, năm học 2022-2023 vẫn tồn tại nhiều vấn đề như tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, quá tải tại các trường học tại các thành phố lớn, các khu đông dân cư. Công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả.

Tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn còn xảy ra gây bức xúc trong dư luận. Vẫn còn những thách thức, khó khăn khác cần tiếp tục nhận diện, có giải pháp phù hợp để khắc phục và phát triển trong thời gian tới...

Hỗ trợ 100 triệu đồng để thu hút giáo viên tiếng Anh nhưng không tuyển được ai

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư tỉnh ủy Yên Bái cho biết, ngân sách của địa phương chi cho giáo dục ngày càng tăng. Nếu nhiệm kỳ 2016-2020, ngân sách chi cho giáo dục là 27% thì nhiệm kỳ 2020-2025 được tăng lên 31,8%, riêng trong năm học qua, ngân sách chi cho giáo dục là 33%, trong đó gần 20% chi cho đầu tư.

Trước tình trạng thiếu giáo viên các môn học như tiếng Anh, Tin học, tỉnh Yên Bái thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục như biệt phái giáo viên từ vùng thấp lên vùng cao, phối hợp với tỉnh Nam Định dạy tiếng Anh trực tuyến cho 5/9 huyện, triển khai chính sách thu hút giáo viên tiếng Anh, tin học với mức 100 triệu/người, phối hợp Đại học Thái Nguyên đào tạo giáo viên tiếng Anh theo hình thức cử truyển và tuyển được 35 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số...

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Đức Duy, địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn về giáo viên khi đội ngũ này mới chỉ đạt 86,5% so với định mức. Từ năm 2021, Yên Bái liên tục tổ chức nhiều đợt thi tuyển giáo viên với trên 2.500 chỉ tiêu nhưng chỉ có trên 1.300 người đăng ký thi tuyển và chỉ tuyển được 726 người (chiếm 28% chỉ tiêu được giao).

“Ví dụ giáo viên tiếng Anh, Tin học, dù tỉnh có chính sách thu hút 100 triệu đồng/giáo viên nhưng đến nay chưa thu hút được giáo viên nào”, ông Đỗ Đức Duy nói.

Trước khó khăn này, ông Đỗ Đức Duy kiến nghị Chính phủ giao chỉ tiêu biên chế giáo viên cho các địa phương; nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ, đãi ngộ đặc thù đối với giáo viên, nhân viên, học sinh tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, các trường nội trú, bán trú để tạo điều kiện thu hút, tuyển dụng, "giữ chân" giáo viên làm việc tại địa bàn này; Nghiên cứu điều chỉnh giảm tuổi nghỉ hưu giáo viên mầm non, tiểu học, nâng cao chế độ lương, phụ cấp để giáo viên yên tâm công tác.

Ông Duy cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong biên soạn, in ấn tài liệu giáo dục địa phương và mua sắm thiết bị dạy học.

“Đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép các tỉnh miền núi được tuyển giáo viên mầm non, tiểu học tại các trường huyện vùng cao theo chuẩn giáo viên cũ. Hiện nay Yên Bái có khoảng 200 sinh viên tốt nghiệp trình độ Cao đẳng sư phạm nhưng do không đảm bảo theo chuẩn giáo viên mới nên tỉnh không tuyển được rất lãng phí. Nếu cho phép Yên Bái tuyển dụng thì trong 5 năm tới địa phương sẽ tạo điều kiện cho số giáo viên này học liên thông đại học để đảm bảo chuẩn giáo viên theo yêu cầu”, ông Duy kiến nghị.

Chia sẻ về tình trạng thiếu giáo viên, bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, hiện địa phương còn thiếu 836 giáo viên, đời sống vật chất và tinh thần đối với hầu hết các nhà giáo đang công tác tại các xã ở vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn.

Một số chính sách ưu tiên hỗ trợ cho học sinh vùng dân tộc thiểu số như miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, bán trú…còn thiếu tính bền vững do số xã đặc biệt khó khăn ngày càng giảm.

Bà Y Ngọc kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành rà soát, ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, như: Chính sách thu hút, chính sách về tiền lương, phụ cấp nghề, hoàn thiện đồng bộ chính sách tuyển dụng đối với sinh viên đào tạo cử tuyển, đào tạo theo nghị định 116 là người người dân tộc thiểu số về công tác tại địa bàn khó khăn.

"Bên cạnh đó, bổ sung chỉ tiêu số lượng người làm việc còn thiếu cho ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kon Tum và không cắt giảm 10% số lượng người làm việc đối với địa bàn khó khăn", bà Y Ngọc kiến nghị.

Hết quỹ đất xây trường, Hà Nội kiến nghị cho phép nâng số tầng của trường học

Cũng liên quan đến chính sách hỗ trợ giáo viên, bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND. TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ quan tâm và có chế độ chính sách đãi ngộ đối với giáo viên, cán bộ quản lý lĩnh vực giá giáo dục đúng theo tinh thần của Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới toàn diện căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, cụ thể: Lương của Nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Bên cạnh đó, bà Vũ Thu Hà nêu thực trạng mà TP. Hà Nội đang phải đối mặt là việc tăng dân số cơ học nhanh. Trung bình mỗi năm, Hà Nội tăng 50-60 nghìn học sinh, tương ứng cần phải xây mới 30-40 trường học. Tuy nhiên, một số địa phương, nhất là các quận nội thành không còn quỹ đất.

Để đáp ứng chỗ học cho học sinh, bà Vũ Thu Hà kiến nghị cho phép Hà Nội xây dựng trường học được áp dụng tiêu chí "diện tích sử dụng/học sinh", thay thế cho chỉ tiêu "diện tích đất/học sinh".

"Với các quận nội thành, quỹ đất không còn để đáp ứng lượng học sinh tăng rất nhanh. Cho phép Hà Nội nâng tầng đối với các khối nhà xây dựng và cho phép xây dựng tầng hầm tại các trường học nội thành", bà Vũ Thu Hà kiến nghị.