Mới đây trên các diễn đàn xã hội chia sẻ danh mục thu tiền đầu năm học 2023-2024 của trường THPT Thanh Miện 3 (Hải Dương) với tổng số tiền lên đến hơn 8,7 triệu đồng. Cụ thể có những khoản thu như: Học phí là 420.000 đồng/kỳ; gửi xe là 360.000 đồng/năm; bảo hiểm thân thể 300.000 đồng/năm; học thêm hè 920.000 đồng; học thêm 2.176.000 đồng;...

Ngoài ra, theo phản ánh còn có nhiều khoản thu khác được cho là mập mờ, thiếu minh bạch, có dấu hiệu lạm thu như: Sổ liên lạc điện tử, tivi, xã hội hóa, ghế ngồi, quỹ lớp, tiền photo...

Việc đầu năm học, một học sinh phải đóng tới 8,7 triệu đồng được cho là một gánh nặng quá sức đối với gia đình ở khu vực nông thôn.

Trao đổi VOV2 ngày 12/9, ông Phạm Chu Hy, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Miện 3 (Thanh Miện, Hải Dương) nói bản thông báo thu tiền đầu năm này là từ một lớp học của trường. Căn cứ vào các khoản thu này ông Hy thừa nhận có dấu hiệu lạm thu nhưng đây không phải là chủ trương chung của trường.

Cụ thể, theo ông Phạm Chu Hy, giữa các văn bản nhà trường gửi cho giáo viên để triển khai với văn bản được giáo viên gửi cho phụ huynh là khác nhau. Ví dụ, học phí trường chưa tổ chức thu vì chưa có quyết định của UBND tỉnh; Khoản tiền học thêm trường vẫn chưa thu vì chưa tổ chức dạy...

Ngoài ra có những khoản thu theo thỏa thuận như quỹ lớp, photo, sổ liên lạc điện tử... giáo viên liệt kê trong bảng chung như vậy là không đúng.

"Hiện nay có nhiều cách để phụ huynh và giáo viên trao đổi với nhau như qua mạng xã hội. Do vậy với kinh phí Sổ liên lạc điện tử là khoản thu tự nguyện. Năm nay Hải Dương quay trở lại phần mềm Sổ liên lạc điện tử với chi phí rẻ hơn nhưng nếu phụ huynh không sử dụng thì cũng không phải đóng tiền", ông Hy nói.

Liên quan đến viêc học sinh phải mua đến 8 bộ quần áo đồng phục với kinh phí gần 1,5 triệu đồng, ông Phạm Chu Hy cho biết, đồng phục cũng như ghế ngồi, thẻ học sinh... là mua một lần để dùng cho cả 3 năm học chứ không phải năm nào học sinh cũng phải đóng tiền mua mới.

"Nhiều người cũng thắc mắc số tiền 150 nghìn mua tivi và công an khi về làm việc với trường cũng đặt câu hỏi này. Những năm bị dịch Covid-19, phụ huynh có bỏ tiền mua tivi để học sinh, giáo viên thuận lợi trong việc giảng dạy, học tập. Sau khi lứa học sinh lớp 12 tốt nghiệp, ban đại diện phụ huynh có hóa giá và để lại cho học sinh lớp 10 với giá 6 triệu đồng. Phụ huynh lớp 10 có thống nhất mua lại để các em sử dụng chứ không phải tivi của nhà trường", ông Hy lý giải.

Sau khi có phản ánh của phụ huynh và dư luận, ông Phạm Chu Hy cho biết, hiện trường đang làm việc và báo cáo với các cơ quan chức năng. Đồng thời triển khai lại tất cả các khoản thu bắt buộc, thỏa thuận với phụ huynh. Trường sẽ triển khai thu đối với các khoản thu bắt buộc còn các khoản thu tự nguyện trường chỉ thu khi có sự đồng ý của phụ huynh.

"Sai sót của giáo viên và của nhà trường là chưa giúp phụ huynh hiểu rõ các khoản thu. Có những khoản thu nếu nhìn tổng số tiền có thể lớn nhưng nếu chia nhỏ ra từng năm, từng tháng thì rất nhỏ. Rất tiếc rằng, khi họp phụ huynh không ý kiến nhưng khi về nhà lại bức xúc. Trường rất cầu thị và lắng nghe, nếu phụ huynh có ý kiến, không đồng thuận thì nhà trường sẵn sàng phân tích, phản hồi", ông Hy nói.

Cũng thông tin với VOV2 sáng 12/9, ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương cho biết, trước phản ánh của phụ huynh và thông tin đang được chia sẻ trên mạng xã hội, Sở này đang tiến hành rà soát, kiểm tra tại trường THPT Thanh Miện 3. Sau khi có kết quả sẽ thông tin tới báo chí.