Hè đến, việc tìm sân chơi cho trẻ để các em có một mùa hè bổ ích, lý thú luôn là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm, đặc biệt ở các đô thị lớn. Lợi dụng nhu cầu này, hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo về các “Trại hè kỹ năng - Học kỳ công an nhân dân nhí”, hay “Trại hè quân đội”, “Trải nghiệm quân đội hè”… với mức chi phí từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng, trong đó có cả những dấu hiệu lừa đảo.
Cơ quan chức năng cho biết, mới đây một phụ nữ ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) vào fanpage “Học kỳ trong quân đội 2024” khảo sát để đăng ký khóa học trại hè cho con và đã bị lừa mất hơn 1 tỷ đồng thông qua việc chuyển khoản trực tuyến. Tương tự, nhiều vụ phụ huynh khác cũng bị lừa mất tiền khi đăng ký trại hè cho con và nộp tiền trực tuyến.
Chị Lê Hà Vi, ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội cho rằng, mỗi dịp nghỉ hè, sau khi kết thúc năm học, cho con trẻ tham gia các khoá học kỹ năng, trại hè là việc cần thiết để trải nghiệm và tăng cường trau dồi kỹ năng mềm, giúp trẻ thay đổi tích cực. Với mong muốn ấy, từ đầu mùa hè, chị đã tìm hiểu các khóa trại hè, kỹ năng sống để đăng ký cho con. Thế nhưng việc tưởng đơn giản mà cũng gặp phải những bất thường. “Tôi lên mạng tìm thì thấy hiện ra vô vàn quảng cáo về các khóa học như trại hè quân đội, trại hè công an, khóa tu mua hè…. nhiều lắm. Tôi vào tìm hiểu một trang fanpage, ngay lập tức nhận được tin nhắn tư vấn qua loa, sau đó họ hướng dẫn liên hệ qua zalo với một người khác, rồi giục đóng tiền nhanh kẻo hết hạn… Tôi thấy bất thường nên ngừng không giao dịch tiếp nữa” - chị Hà Vi kể.
Câu chuyện của chị Lê Hà Vi là một trong số vô vàn những tình huống gặp phải khi các phụ huynh tìm hiểu các khóa trại hè, kỹ năng sống cho con em. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn khi nhận ra dấu hiệu bất thường ngay từ đầu để dừng lại kịp thời. Điểm chung của các quảng cáo này là đều được cam kết bằng những "lời hay ý đẹp", thế nhưng thực tế không phải trại hè nào cũng mang tới kết quả như mong đợi của phụ huynh. Để tăng tính thuyết phục, các đối tượng lừa đảo còn “bài binh bố trận”, sử dụng hình ảnh hoạt động của lực lượng vũ trang để đăng tải trong các bài viết, khiến nhiều phụ huynh tin theo mà nộp tiền trực tuyến.
Theo TS Nguyễn Tuấn Anh, Viện nghiên cứu Thanh niên, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam, để nhận diện được một mô hình tốt, các bậc cha mẹ phải tìm hiểu thật kỹ nội dung, cách thức tổ chức của các mô hình, hoạt động này. “Trước tiên là cần tìm hiểu về các đơn vị, tổ chức, cá nhân tổ chức ra các hoạt động này, xem có đủ uy tín, chất lượng hay không. Tìm hiểu về tính pháp lý xem có được cấp phép hay không. Rồi hệ thống cơ sở vật chất, nhân lực của các tổ chức, cá nhân mở ra các khoá học, từ đó đánh giá về tính hiệu quả, an toàn của các khoá học. Đồng thời, tìm hiểu đánh giá, review của những người đã từng sử dụng dịch vụ trước đây để xem họ đánh giá và cảm nhận như thế nào về các hoạt động này” – TS Nguyễn Tuấn Anh khuyến cáo.
Trên thực tế, đã có không ít kẻ xấu lợi dụng nhu cầu tham gia các khóa trại hè, tăng cường kỹ năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để tránh rơi vào “bẫy” của bọn lừa đảo, TS Nguyễn Tuấn Anh lưu ý các bậc cha mẹ cần hết sức tỉnh táo, tránh nóng vội trong việc đăng ký các khoá học cho con em mình. "Chúng ta biết hiện nay các đối tượng lừa đảo rất tinh vi và thậm chí sử dụng nhiều thủ đoạn, trong đó có cả các thủ đoạn sử dụng công nghệ cao như AI, gài cắm những nhân vật mà chúng ta gọi là “chân gỗ” để cùng diễn kịch, giả vờ tương tác. Vì thế, một điều quan trọng tôi xin nhấn mạnh đó là trước khi đăng ký tham gia các khoá học cho con em mình, các bậc cha mẹ cần tìm hiểu kỹ để thực sự hiểu và nắm rõ được thông tin, nguồn gốc của các cá nhân, tổ chức tạo ra các khoá học này để tránh “tiền mất tật mang”.
Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các thủ đoạn mời mọc. Khi muốn đăng ký cho con cần liên hệ đến các trường, đơn vị để hỏi, xác minh rõ ràng. Việc đăng ký nên thực hiện trực tiếp thay vì trực tuyến, chuyển khoản. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền. Trong trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Các chuyên gia cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tràn lan “bẫy lừa đảo trại hè” trên mạng xã hội là do kẻ xấu đã lợi dụng sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, giám sát. Thực tế hiện nay, nhiều khoá học được tổ chức “chui”, không xin phép hoặc do những tổ chức, đơn vị, cá nhân không được cấp phép hoặc không đủ điều kiện để tổ chức càng gây khó khăn trong quá trình nắm bắt thông tin để quản lý, giám sát và xử lý.
TS Nguyễn Tuấn Anh cho rằng cần thêm những “bộ lọc” để giám sát chất lượng các đơn vị tổ chức khóa học, trại hè. “Thứ nhất, cần làm tốt công tác kiểm định chất lượng, trình độ chuyên môn, kỹ năng của các đơn vị, cá nhân tổ chức ra các khoá học này. Kiểm tra thường xuyên việc tuyển dụng hay thay đổi đội ngũ nhân viên làm công tác tổ chức, giảng dạy trong khoá học, tránh việc đăng ký là một người mà thực tế triển khai lại là một người khác. Thứ hai, cần có bộ phận thẩm định nội dung giảng dạy, đào tạo trong các khoá học, trại hè để xem có phù hợp với lứa tuổi của người tham gia hay không cũng như có đảm bảo những yêu cầu về đầu ra sau khi tham gia khoá học hay trại hè không. Thứ ba, cần có sự liên kết và phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, gia đình, tổ chức cá nhân tạo ra các khoá học, lớp học để các bên đều nắm thông tin và kịp thời phối hợp giải quyết xử lý các tình huống nếu như có sự cố hay vấn đề tiêu cực nảy sinh. Đặc biệt, cần phải có quy định, tiêu chí cụ thể, đồng bộ từ: Giấy phép, chương trình học, thời gian khoá học; hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo, quy định về trình độ, bằng cấp, kỹ năng đối với đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy, đội ngũ tình nguyện viên, nhân viên hỗ trợ các hoạt động; Quy định về thời gian, nội dung, hình thức, giá tiền các khoá học cũng cần được minh bạch và công khai...” – TS Nguyễn Tuấn Anh đề xuất.
Việc tham gia các khoá học, trại hè là một hoạt động ý nghĩa, hướng các em đến các hoạt động lành mạnh, bổ ích, giúp tăng thêm “kỹ năng mềm” tiếp thu từ cuộc sống ngoài khuôn viên nhà trường và gia đình. Nhưng phụ huynh cần thận trọng trước những lời mời gọi “siêu trại hè”, để tránh rủi ro cho con em cũng như gia đình.
Bên cạnh sự thận trọng cần thiết của phụ huynh thì cũng rất cần sự kiểm soát chặt chẽ từ phía cơ quan chức năng trong việc cấp phép, quản lý, giám sát đối với những hoạt động này, không nên để khi hậu quả xảy ra mới vào cuộc xử lý. Cần phải chặt chẽ ngay từ đầu, “truy vết” những quảng cáo “một tấc tới giời” vì đó chính là chiêu thức đối tượng dùng để dẫn dụ người khác “vào bẫy”.
Mời nghe nội dung cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Tuấn Anh tại đây: