Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Phát biểu tại nghị trường, nhiều đại biểu đề xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng và tăng mức hỗ trợ từ chính sách này.
Đề xuất tích cực
Qua nghiên cứu chính sách và từ thực tế, nhiều đại biểu cho rằng, đối tượng dân quân thường trực đang được hưởng các chế độ chính sách như các hạ sĩ quan tại ngũ. Tuy nhiên, thân nhân của họ chưa được mua BHYT bằng ngân sách nhà nước (NSNN). Đại biểu Phan Văn Xựng - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh đề xuất bổ sung quy định về BHYT cho thân nhân của dân quân thường trực. “Nhiệm vụ của những lực lượng này có yêu cầu cao, có tính chất phức tạp, kịp thời, hoạt động không kể ngày đêm trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, điều kiện môi trường đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của dân quân thường trực. Đề nghị dân quân thường trực được hưởng chế độ BHXH, BHYT tế như hạ sỹ quan, binh sĩ quân đội nhân dân Việt Nam tại ngũ để đảm bảo tương quan giữa các lực lượng có tính chất tương đồng về hoạt động”, đại biểu Phan Văn Xựng nêu kiến nghị.
Thanh niên xung phong tham gia khắc phục chiến tranh, xây dựng kinh tế sau năm 1975 cũng được Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị bổ sung vào đối tượng được NSNN hỗ trợ đóng. “Hiện nay Luật BHYT quy định đối tượng Cựu thanh niên xung phong (TNXP) trước năm 1975 và cựu TNXP sau năm 1975 tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào được NSNN cấp thẻ BHYT. Tuy nhiên đối với Cựu TNXP sau năm 1975 tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế vùng khó khăn chưa được NSNN đóng hoặc hỗ trợ đóng BHYT”, ông Minh viện dẫn lý do đề xuất.
Góp ý về đối tượng tham gia BHYT, đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, còn đề xuất bổ sung người cư trú tại các xã biên giới vào nhóm đối tượng do Ngân sách nhà nước đóng. “Người dân khu vực biên giới cần có chính sách bền vững, mang tính đặc thù. Mặc dù được lồng ghép với các chính sách khác nhưng khi những chính sách đó không còn nữa thì người dân khu vực biên giới cũng không còn được hưởng nữa”, đại biểu Chu Thị Hồng Thái bày tỏ.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình bày tỏ mong muốn tăng hỗ trợ mức đóng BHYT đối với đối tượng là học sinh, sinh viên. “Tôi đề nghị tăng hỗ trợ mức đóng lên 50% và đóng theo cơ sở giáo dục đào tạo mà không để tự lựa chọn hình thức đóng. Chính sách này sẽ kéo được 2,8% số học sinh, sinh viên còn lại chưa tham gia sẽ tham gia bảo hiểm y tế’, bà Dung nêu ý kiến.
Nhưng cần tính đến khả năng đáp ứng của quỹ
Đánh giá cao dự án Luật sau khi được tiếp thu, sửa đổi cũng như ý kiến của các đại biểu về việc bổ sung đối tượng và tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tuy nhiên, một số đại biểu băn khoăn về khả năng đáp ứng của ngân sách và chi trả từ Quỹ BHYT.
“Chúng ta sửa luật theo hướng tăng quyền lợi thì chúng ta cũng phải tính đến nguy cơ vỡ quỹ. Chính vì vậy, theo tôi, cần đưa vào luật này ngân sách có trách nhiệm bổ sung để duy trì hoạt động của quỹ’, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, băn khoăn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, lo lắng về khả năng đáp ứng của ngân sách Nhà nước nếu bổ sung các đối tượng tượng vào nhóm được ngân sách hỗ trợ. Ông cho rằng số lượng dân quân tự vệ rất đông và đã được hưởng các chế độ, chính sách thỏa đáng. Nếu mở rộng sẽ “nguy hiểm” cho quỹ bảo hiểm. “Đề xuất thêm đối tượng thân nhân của dân quân được hỗ trợ đóng BHYT theo tôi là không hợp lý. Dân quân số lượng rất đông, rồi thân nhân, gồm chồng, vợ, cha mẹ bên chồng và cha mẹ bên vợ…tính ra số lượng không ít. Tôi đề nghị cân nhắc về việc mở rộng đối tượng này tham gia BHYT”, ông Hòa nêu quan điểm.