Hội thảo khoa học "Đổi mới đánh giá trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018" diễn ra vào ngày 30/10 tại Hà Nội với sự tham gia của các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, chuyên gia và giáo viên khắp cả nước qua hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia, trực thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo với vai trò đơn vị tổ chức đã nỗ lực tạo nên một diễn đàn mở để các nhà nghiên cứu, giảng viên, nhà quản lý giáo dục và giáo viên trao đổi, thảo luận các vấn đề quan trọng liên quan đến đổi mới đánh giá trong giáo dục phổ thông, đặc biệt trong bối cảnh triển khai Chương trình GDPT 2018.

Hội thảo được tổ chức thành 4 phiên, tập trung vào các chủ đề gồm: Những vấn đề chung về đổi mới đánh giá trong thực hiện Chương trình GDPT 2018; Đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học; Đổi mới đánh giá một số môn học và hoạt động giáo dục trong thực hiện Chương trình GDPT 2018; Ứng dụng công nghệ trong kiểm tra, đánh giá.

“Trong bối cảnh giáo dục hiện nay, việc đổi mới kiểm tra đánh giá là một yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong các trường phổ thông. Đánh giá không chỉ đơn thuần là việc xác định kết quả học tập của học sinh, mà còn là một hoạt động dạy học quan trọng”, GS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia, Trưởng Ban tổ chức hội thảo nhấn mạnh.

Trong quá trình đổi mới sâu rộng của nền giáo dục Việt Nam, việc đổi mới đánh giá trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 là yêu cầu cấp thiết để phù hợp với những thay đổi về chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và môi trường giáo dục. Hội thảo này không chỉ là nơi các nhà khoa học, chuyên gia chia sẻ kiến ​​thức và kinh nghiệm mà còn gợi mở, đặt ra những vấn đề nghiên cứu mới, góp phần vào đổi mới đánh giá trong trường phổ thông.

Việc cải tiến hoạt động đánh giá còn giúp tạo ra môi trường học tập tích cực hơn. Một hệ thống đánh giá linh hoạt và sáng tạo không chỉ khuyến khích học sinh tham gia tích cực vào quá trình học mà còn giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp giảng dạy để phù hợp hơn với từng đối tượng học sinh. Khi giáo viên nhận diện được các điểm mạnh và điểm yếu của học sinh, họ có thể thiết kế các hoạt động học tập phù hợp, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.

Ở phần trình bày nội dung kiểm tra, đánh giá trên lớp học, TS Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắc lại quá trình làm thông tư 30 với mục tiêu thay đổi từ nhận thức đánh giá học sinh từ xếp hạng xếp thứ trở thành hoạt động hỗ trợ cho giáo viên cải tiến quá trình dạy và hỗ trợ học sinh cải tiến việc học. Tất cả hướng tới chất lượng giáo dục tốt hơn. Việc bỏ điểm số trong đánh giá thường xuyên cũng được coi như điểm quan trọng trong thông tư 30.

“Tôi cho rằng hiện các chương trình đào tạo giáo viên vẫn tồn tại cách làm phổ biến là chép các quy định trong đánh giá Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn và dạy cho học viên từng đó nội dung. Giống như dạy kế toán về mẫu đơn, nhiệm vụ của người làm chỉ điền vào là xong và làm thật thành thạo. Nhưng một cách sáng tạo thì người làm phải trả lời câu hỏi tại sao ta làm thế? Ở đây phải trả lời tại sao không phải xếp hạng xếp thứ? Tại sao không cần phải điểm số?”, TS Tạ Ngọc Trí phân tích những thay đổi trong đánh giá theo Thông tư 30.

Mục tiêu của việc kiểm tra không chỉ tập trung kiến thức của học sinh mà cần hướng tới kiểm tra hiệu quả của việc dạy, việc học.

Tại mỗi phiên, sau trình bày của các diễn giả nhằm chia sẻ các kết quả, hướng nghiên cứu; thúc đẩy và mở rộng hoạt động hợp tác giữa các nhóm, đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục phổ thông đều có nội dung tọa đàm tạo cơ hội để các thầy cô giáo đang làm công tác quản lí hoặc giảng dạy trực tiếp ở bậc phổ thông chia sẻ suy nghĩ từ thực tế, đặt câu hỏi nhằm tìm lười giải đáp từ các nhà khoa học, các cơ quan quản lý ngành trong việc xác định đúng hướng đổi mới.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng xác định một số vấn đề lý luận, phương pháp và đổi mới trong đánh giá giáo dục; chia sẻ các bài học kinh nghiệm, những khó khăn, giải pháp và các vấn đề trong thực tiễn đánh giá học sinh khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.