"Yêu mới chỉ là bắt đầu, từ yêu đến thành công là cả một chặng đường dài đòi hỏi sự chăm chỉ tận tâm tận lực, sự đồng hành của bản thân sinh viên, của thầy cô, nhà trường và gia đình…" - Đó là những chia sẻ thẳng thắn và “gan ruột“ mà GS.TS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược (ĐHQG Hà Nội) đã nói với những tân sinh viên trong ngày đầu tiên các em nhập học.

Ngày 29 tháng 8, tại hội trường Nguyễn Văn Đạo, sau lời chúc mừng gửi đến hơn 600 tân sinh viên năm học 2024-2025, GS.TS Lê Ngọc Thành cùng các thầy cô trong Ban giám hiệu đã có buổi chia sẻ, trao đổi về những định hướng, kế hoạch học tập của các em trong suốt thời gian học tại trường. GS Hiệu trưởng kể lại cho các em tân sinh viên nghe những kỷ niệm trong nghề và căn dặn các tân sinh viên ngành sức khỏe, ngành học ứng với câu châm ngôn “Khổ luyện mới thành tài”.

GS Lê Ngọc Thành khẳng định: "Đã có ý thức vào học ngành y thì trong đầu những sinh viên đã có sự hướng thiện. Xã hội vẫn nói nghề y là một nghề đặc biệt nên cần sự đãi ngộ đặc biệt tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, những người làm ngành y chưa được hưởng “đặc quyền” đặc biệt đó nhưng không vì vậy các thầy cô những người đi trước mà quên đi trách nhiệm truyền lửa cho sinh viên.

“Làm sao để trở thành thầy thuốc giỏi? Phải trung thực, chịu khó, phải khổ luyện thành tài, phải thông thạo ngoại ngữ, công nghệ thông tin, phải biết thưởng thức âm nhạc, thể thao và tích cực tham gia công tác xã hội. Nếu chịu khó, tận tâm sẽ thành công. Ngành y là ngành đặc thù, đầu tư cái này nhưng không tính được cái kia, quan trọng nhất là mình hài lòng với chính mình.“ - GS Lê Ngọc Thành tâm đắc.

Chứng kiến nhiều sinh viên y khoa bỏ cuộc giữa chừng, thậm chí ra trường ban đầu không chịu được áp lực công việc bỏ việc. Theo GS Thành: Bắt đầu của nghề y là gian nan, tình yêu nghề khởi đầu để lựa chọn ngành học nhưng nếu không có động lực, không có quá trình phấn đấu thì không thành công. Nếu đi một mình cũng không được phải có sự đồng hành của gia đình, bạn bè. Nếu thấy con em có khả năng thì nên tạo điều kiện, học y kéo dài 6 năm, phụ huynh cần đồng hành cùng các con…

Mơ ước được tham gia vào đội ngũ cán bộ y tế để có thể chăm sóc sức khỏe cho người thân, cho cộng đông, Phạm Thị Yến - cô gái nhỏ người dân tộc Mường ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa đã rất nỗ lực học tập. Học hết tiểu học ở quê, em thi vào trường PT DT nội trú ở đó các thầy cô dạy rất tốt nên em cố gắng học để thi đậu vào trường Đại học Y dược (ĐHQGHN). Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, em được 26+ và trúng tuyển vào ngành đào tạo bác sĩ đa khoa của trường Đại học Y dược (ĐHQG Hà Nội).

Việc Yến đỗ Đại học Y dược là niềm vui lớn của cá nhân em, của cha mẹ em và của tất cả những người dân trên địa bàn gia đình em sinh sống. Ý thức rất rõ về chặng đường gian khó mình tiếp tục phải rèn luyện, Yến cho biết: trách nhiệm của người BS chăm sóc sức khỏe nhân dân là phải rèn tính cẩn thận, chuyên môn sâu, có kiến thức và tính cần cù, chăm chỉ, thật thà khiêm tốn hết lòng vì người bệnh.

Như rất nhiều phụ huynh có con đầu lòng trúng tuyển ĐH, anh Tống Trần Quảng nhà ở Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội đưa con trai là Tống Trần Tuấn Anh đi nhập học ở trường Đại học Y dược (ĐHQGHN). Vừa tự hào, vừa lo lắng về chặng đường dài mà con trai sẽ đi, anh Quảng chia sẻ: Tuấn Anh từ bé rất nhút nhát, thấy bố cắt tiết gà cũng sợ, bố nói đùa “sợ thế sẽ cho học ngành y “, ngờ đâu câu nói đùa của bố đã khích lệ cậu con trai quyết tâm tìm thầy ôn môn sinh và lựa chọn xét tuyển vào trường y cho dù trước đó vì lo con không đỗ y bố đã tư vấn con chọn những ngành liên quan đến sinh học.

“Tôi cũng nói với con ngành này học vừa vất vả, vừa lâu, chi phí cao học ra trường xin việc khó khăn nhưng cháu quyết chí theo. Đến khi cháu đưa ra tờ giấy báo trúng tuyển gia đình rất mừng vì con đỗ đúng nguyện vọng nhưng lo lắng quá trình theo học của con 7-8 năm trời rất vất vả “ - ông Quảng phân trần.

Là trường đào tạo y dược mới được thành lập nhưng trên cơ sở các ngành khoa học cơ bản của khối trường trong ĐHQG Hà Nội, huy động được đội ngũ giảng viên là các GS đầu ngành tham gia giảng dạy cơ hữu, có cơ sở thực hành cho sinh viên ở nhiều bệnh viện lớn nên trường Đại học Y dược (ĐHQGHN) đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình và được thí sinh, phụ huynh rất tin tưởng lựa chọn.

Những năm gần đây, thí sinh ở nhiều tỉnh, thành, nhiều vùng miền trong cả nước đã chọn trường Đại học Y dược (ĐHQGHN) để học tập và rèn luyện. Sinh viên tốt nghiệp được các có sở y tế, các nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Em Vũ Ngọc Phú nhà ở quận Tân Phú, TP.HCM là tân sinh viên ngành dược của trường năm học 2024-2025 cho biết: Hà Nội là quê ngoại của em, em muốn ra đây học để hiểu thêm về quê hương đồng thời theo đuổi niềm đam mê của mình. Phú cũng cho biết thêm, việc em một mình ra Hà Nội học cũng khiến bố mẹ lo lắng nhưng em sẽ cố gắng sống tự lập và học hành chăm chỉ để tương lai có thể đóng góp công sức nhỏ bé của mình để chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

Yêu và quyết tâm theo đuổi con đường mình chọn cho dù biết trước con đường ấy rất nhiều chông gai… Hơn 600 tân sinh viên trường ĐH Y dược (ĐHQG Hà Nội) bắt đầu hành trình mới cùng thầy cô- những BS giàu kinh nghiệm, giàu nhiệt huyết quyết tâm trau đồi kiến thức, rèn đức luyện tài nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê và tinh thần cống hiến vì lời thề Hippocrates.