Cụ thể đối với giáo dục mầm non, phổ thông năm học 2021 – 2022, Nghị định 81/NĐ-CP quy định, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể nhưng không vượt mức trần khung học phí hoặc mức học phí do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã ban hành năm học 2020 - 2021 đối với từng cấp học và từng khu vực thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.

Tuy nhiên, năm học 2022 – 2023, Khung học phí (mức sàn - mức trần) đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên như sau:

Nghị định 81 quy định,Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy định trên để quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập thuộc thẩm quyền và quyết định việc sắp xếp, phân loại các vùng trên địa bàn để cơ sở giáo dục áp dụng mức thu học phí.

Khung học phí đối với giáo dục tiểu học công lập dùng làm căn cứ để Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở các địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập và các đối tượng học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm học phí theo quy định.

Nghị định 81 của Chính phủ cũng quy định, mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Tối đa bằng 2 lần mức trần học phí cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.

Mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.

Từ năm học 2023-2024 trở đi, Nghị định 81 quy định, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm.

Căn cứ khung học phí quy định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức thu học phí cụ thể nhưng không vượt mức trần quy định.

Ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao, căn cứ chính sách phát triển giáo dục của Nhà nước và tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định khung học phí hoặc mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập (gồm cả cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông do các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu thành lập) trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành bảo đảm mức thu học phí tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục đồng thời phải bảo đảm thực hiện các mục tiêu giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trường hợp học trực tuyến (học online), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập theo phân cấp quản lý trên cơ sở chi phí phát sinh thực tế hợp lý, tối đa bằng mức học phí của cơ sở giáo dục đã được ban hành.

Đối với cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở đào tạo khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông được áp dụng mức học phí tương đương với mức học phí của cơ sở giáo dục phổ thông công lập cùng cấp học trên địa bàn. Đối với các loại hình giáo dục thường xuyên khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt mức thu cụ thể phù hợp với từng loại hình đào tạo và điều kiện thực tế của từng địa bàn.

Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được xác định theo các quy định của pháp luật về giá và quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được điều chỉnh theo lộ trình phù hợp tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo nhưng tỷ lệ tăng mức giá dịch vụ không quá 15%/năm.