Xu hướng chọn Khoa học xã hội gia tăng
Năm 2017, lần đầu tiên thí sinh lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Khi đó, số thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội nhiều hơn số thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên khoảng 90.000 em.
Từ năm 2018 đến năm 2023, số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội vẫn luôn áp đảo so với số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội. Đến năm 2023, con số chênh lệch lên tới gần 250.000 thí sinh.
Năm 2024, trong khoảng hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, chỉ 37% chọn bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học). Trong khi đó, số học sinh chọn bài thi Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) cao áp đảo chiếm 63%. Theo Bộ GD-ĐT, so với năm ngoái, số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội tăng 7,7% và cao nhất kể từ năm 2017 năm trở lại đây.
Nhìn vào thực tế này, GS.TS Lê Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội lý giải, các môn Khoa học tự nhiên - Toán, Lý, Hóa, Sinh thường khó học hơn, điểm số thường thấp hơn nên xu thế tự nhiên để dễ học và dễ thi hơn, thí sinh sẽ chọn những môn học đơn giản hơn. Tất nhiên môn nào cũng có những cái khó riêng nhưng lĩnh vực Khoa học tự nhiên không dễ để chinh phục.
Hiện, các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác bên cạnh xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp. Theo thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên ở Hà Nội, số thí sinh trúng tuyển sớm và những thí sinh có mục tiêu đi du học sẽ thường chọn những tổ hợp thi nhẹ nhàng. Rõ ràng tổ hợp Khoa học xã hội nhẹ nhàng hơn.
Bên cạnh đó, các trường ĐH cũng mở nhiều ngành nghề mới xét tuyển tổ hợp xã hội. Trong những năm qua, các môn xã hội đi tiên phong trong điều chỉnh phương án dạy, học, làm đề gần gũi với thực tế cuộc sống. Điều đó giúp HS dễ tiếp cận hơn và điểm cao hơn. Ngược lại, các môn tự nhiên đang đi sau. Do đó, tỉ lệ chọn bài thi Khoa học xã hội gần gấp đôi so với Khoa học tự nhiên và điểm thi cao hơn hẳn.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong 200 thí sinh tổng điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất năm nay, có 195 thí sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội, chỉ có 5 thí sinh chọn Khoa học tự nhiên.
Nhìn nhận về sự chênh lệch này, thầy Đặng Minh Tuấn – giảng viên Trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, điểm cao hay thấp chưa nói lên HS nào giỏi hơn trong tình huống này. Ngược lại, cho thấy sự phân hóa lệch lạc do cách phân luồng của cơ quan quản lý ở bậc THPT. Nhiều trường ĐH hiện lấy điểm trúng tuyển vào một ngành không phân định rạch ròi điểm khối tự nhiên và hay xã hội. Trong khi điểm thi các môn xã hội cao khiến thí sinh có năng lực về tự nhiên tốt mất đi cơ hội vì phổ điểm thấp.
Nguồn tuyển của các trường kỹ thuật – công nghệ có bị ảnh hưởng?
Theo GS.TS Lê Thanh Sơn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tuyển sinh khoảng 2000 chỉ tiêu mỗi năm. Do là trường có tiếng trong đào tạo khối ngành kỹ thuật, công nghệ nên nhà trường tự tin tuyển đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, xét trên bình diện quốc gia, lượng thí sinh học tự nhiên giảm sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực chất lượng cao trong khối ngành công nghệ, khoa học kỹ thuật - vốn là nền tảng cơ bản phát triển công nghiệp quốc gia.
Trong xu hướng nền cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số, xã hội số dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật. Nếu nguồn tuyển Khoa học công nghệ thu hẹp lại sẽ ảnh hưởng đến khối ngành công nghệ - kỹ thuật. “Vì vậy nhà nước sớm có nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp định hướng chung”, ông Sơn nói.
Tại nhiều trường đại học đa ngành, nhiều năm nay khối ngành kỹ thuật công nghệ luôn có điểm thấp hơn khối ngành kinh tế - dịch vụ. Việc thí sinh đổ xô theo học khối xã hội áp đảo tự nhiên rõ ràng là xu hướng lệch lạc. Trong ngắn hạn có thể chưa có nhiều tác động, nhưng về lâu dài nó sẽ có nguy cơ gây mất cân bằng nguồn nhân lực để phát triển đất nước.
“Hiện nay, học sinh học xã hội nhiều, các môn tự nhiên ít HS theo học, đôi khi không đủ tiết dạy. Hệ quả nguy hiểm là 5-10 năm tới nguồn lực cung cấp phát triển khoa học công nghệ sẽ thực sự báo động”, thầy Đặng Minh Tuấn cảnh báo.
Trong khi thiếu nhân chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa thì cũng có thể tạo ra khủng hoảng thừa nhân lực khoa học xã hội.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ, Bộ GD-ĐT và các trường ĐH cần có những quyết sách để thu hút nhiều hơn thí sinh đăng ký các môn Khoa học tự nhiên.
PGS.TS Nguyễn Thị Hòa – Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng – Trường Đại học Giao thông Vận tải khẳng định, các trường ĐH, đặc biệt các trường khối ngành kỹ thuật mong muốn công tác hướng nghiệp từ bậc học dưới, thậm chí từ THCS đến THPT phải tạo đam mê và gieo mầm Khoa học tự nhiên để tỉ lệ học sinh yêu thích tự nhiên và xã hội ngang bằng nhau. “Nếu chăng chúng tôi muốn hướng các em vào Khoa học tự nhiên nhiều hơn vì một nền khoa học quốc gia thì nền tảng vững chắc vẫn là Khoa học tự nhiên”./.