Chiều 17/4, tại Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức Hội thảo về Chương trình ươm tạo tài năng bậc trung học phổ thông (Chương trình VNU 12+). Hội thảo do GSTS Lê Quân - Giám đốc ĐHQGHN chủ trì với sự tham dự của hiệu trưởng 3 trường THPT chuyên và trường THPT Giáo dục, Ban đào tạo, hiệu trưởng các trường thành viên của ĐHQGHN.
Chương trình VNU 12+ được xây dựng nhằm lựa chọn học sinh THPT (thuộc các trường nằm trong ĐHQGHN) có thể đăng ký học một số học phần của chương trình đào tạo trình độ đại học trong danh sách các chương trình được ĐHQGHN công bố. Chương trình dự kiến được áp dụng thí điểm từ năm học 2024-2025, trước hết dành cho học sinh các trường trung học phổ thông của ĐHQGHN.
Việc học một số tín chỉ ở bậc ĐH của từng học sinh sẽ được tổ chức theo hình thức cá thể hóa đào tạo với sự hướng dẫn trực tiếp (coaching) của giảng viên giỏi, có trình độ quốc tế của ĐHQGHN. Trong quá trình học tập, học sinh có thể tham gia nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập cùng giảng viên hướng dẫn hoặc nhóm nghiên cứu của giảng viên hướng dẫn.
Học sinh tham gia Chương trình VNU 12+ sẽ được rút ngắn thời gian đào tạo ở bậc đại học trên cơ sở được định hướng nghề nghiệp sớm; đồng thời các em có cơ hội tiếp cận được các chương trình học bổng quốc tế, tăng tỉ lệ thành công khi học đại học...
Trong những năm qua, công tác phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo nhân tài là một trong các nhiệm vụ đặc biệt luôn được ĐHQGHN quan tâm, được triển khai một cách bài bản, bao gồm từ phát hiện, bồi dưỡng từ khi các em còn là học sinh phổ thông và tiếp tục được đào tạo, phát triển nâng cao ở bậc đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Mô hình đào tạo học sinh giỏi của các trường phổ thông thuộc ĐHQGHN trong những năm qua là mô hình tiên phong trong cả nước về phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo ra nhiều nhân tài cho đất nước.
GSTS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội cho biết nhà trường đã chủ động hỗ trợ nhiều em và nhiều nhóm học sinh phổ thông tham gia nghiên cứu khoa học, tham dự các cuộc thi KHCN đạt giải cao. Việc lựa chọn học sinh phổ thông xuất sắc để bồi dưỡng không chỉ giúp các em tỏa sáng mà còn tạo ra nguồn tuyển chất lượng cao cho các trường, các ngành học ở ĐHQG Hà Nội.
"Việc thay đổi mô hình đào tạo phổ thông năng khiếu của ĐHQGHN là rất quan trọng. Một trong những hướng đổi mới là phải định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh THPT hệ chuyên của ĐHQGHN bằng cách tư vấn, hỗ trợ học sinh học một số học phần trong chương trình đào tạo đại học, ưu tiên xét tuyển các học sinh này khi các em có mong muốn tiếp tục học đại học ở ĐHQGHN. Mô hình đào tạo tài năng THPT liên thông đại học là mô hình đang được các quốc gia tiên tiến trên thế giới thực hiện, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc", GS Lê Quân chia sẻ.
Theo Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN Nguyễn Anh Tuấn, học sinh tham gia Chương trình VNU 12+ sẽ được rút ngắn thời gian đào tạo ở bậc đại học trên cơ sở được định hướng nghề nghiệp sớm; đồng thời các em có cơ hội tiếp cận được các chương trình học bổng quốc tế, tăng tỉ lệ thành công khi học đại học.
Học sinh tham gia Chương trình VNU 12+ là học sinh THPT hệ chuyên và không chuyên ở các trường THPT thuộc ĐHQGHN, đáp ứng một trong các điều kiện: Đã và đang là thành viên đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; đạt giải trong kỳ thi Olympic bậc THPT tại ĐHQGHN (đối với học sinh THPT chuyên) hoặc đạt giải ba trở lên trong kỳ thi Olympic bậc THPT tại ĐHQGHN (đối với học sinh THPT không chuyên); kết quả học tập trong năm học lớp 10 (đối với học sinh THPT chuyên) hoặc kết quả học tập trong năm học lớp 10 và học kỳ I lớp 11 (đối với học sinh THPT không chuyên) đạt mức tốt và đạt trình độ ngoại ngữ từ bậc 2 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Học sinh THPT tham gia chương trình được ưu tiên xét tuyển vào các chương trình đào tạo trình độ đại học của ĐHQGHN trong năm tốt nghiệp THPT nếu tích lũy trước tối thiểu 3 học phần theo đúng Quy chế đào tạo đại học tại ĐHQGHN và đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của nhóm ngành/ngành/chương trình đào tạo trong năm tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh ĐHCQ của ĐHQGHN cũng như đạt khi phỏng vấn của tiểu ban chuyên môn.
ĐHQGHN cũng quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của giảng viên tham gia chương trình. Ngoài các tiêu chuẩn chung đối với giảng viên, giảng viên tham gia Chương trình VNU 12+ phải có học hàm phó giáo sư hoặc giáo sư phù hợp ngành đào tạo, hoặc có học vị tiến sĩ ngành đào tạo phù hợp, có công bố tối thiểu 2 bài báo quốc tế thuộc danh mục tạp chí ISI/Scopus trong thời gian 5 năm trở lại; có thể giảng dạy và trao đổi chuyên môn bằng tiếng nước ngoài phù hợp với chương trình đào tạo; có khả năng giao tiếp chuyên môn bằng tiếng Anh...
Với 3 trường chuyên (Chuyên Ngoại ngữ, Chuyên KHXHNV, Chuyên KHTN) và 1 trường THPT Giáo dục (HES), ĐHQG Hà Nội có mô hình đào tạo lý tưởng bởi học sinh PTTH được các thầy cô giảng viên ĐH giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu cách học, khơi gợi khả năng tự học, tự nghiên cứu, được làm quen với cách học ở bậc ĐH từ sớm nên khi vào ĐH các em không bị bỡ ngỡ mà nhanh chóng tham gia được nhiều mô hình, phương pháp học tiên tiến, hiện đại. Việc tạo điều kiện cho học sinh phổ thông tham gia học 1 số tín chỉ ở bậc ĐH như nhiều trường ĐH ở nước ngoài sẽ giúp cho các em học sinh có năng lực rút ngắn thời gian học ĐH và có điều kiện phát triển năng lực xuất sắc của bản thân.
Kỳ vọng chương trình này và nhiều chính sách học bổng sẽ giúp những học sinh nghèo học giỏi có thêm cơ hội để thực hiện ước mơ hoài bão của mình, có môi trường tốt để học tập trở thành những nhà khoa học, những chuyên gia giỏi phục vụ đất nước.