Tại cuộc gặp mặt, trao đổi với phụ huynh và phóng viên báo chí, ông Trần Văn Hải, quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam chia sẻ với các bậc phụ huynh, học sinh, sinh viên là vì “lỗi kỹ thuật” mà đến nay nhiều em không được cấp bằng THCS, THPT và Trung cấp chuyên nghiệp.

Ông Trần Văn Hải cho biết, theo rà soát của Học viện, hiện có 273 trường hợp học sinh, sinh viên của Học viện đang gặp vướng mắc về bằng cấp. Theo ông Hải, năm 2013, Cao đẳng Múa Việt Nam được sự đồng ý của Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Bộ GD&ĐT cho phép trường được tuyển sinh lớp Cao đẳng Diễn viên Múa kéo dài 6,5 năm (đối với hệ dài hạn) và 4,5 năm đối với hệ ngắn hạn. Chương trình đào tạo này được cấu trúc thành 2 giai đoạn: Giai đoạn Trung cấp và giai đoạn Cao đẳng (2 năm). Việc mở ngành đào tạo mới với trình độ Cao đẳng nhằm tăng quyền lợi cho người học.

Tuy nhiên, trong quá trình tuyển sinh, tổ chức nhập học cho khóa học sinh này, Học viện Múa Việt Nam (trước đó là Cao đẳng Múa Việt Nam) đã “quên” không đăng ký đầu vào bậc Trung cấp cho các em học sinh mà chỉ đăng ký đầu vào đào tạo Cao đẳng. Việc “quên” này theo ông Trần Văn Hải khiến cho cơ quan quản lý (là Bộ GD&ĐT) hiểu "ngầm" rằng các em đã có bằng Trung cấp chuyên nghiệp nên không cấp mã định danh. Do vậy, sau khi số học sinh này học xong giai đoạn 1 thì không được cấp bằng Trung cấp chuyên nghiệp. Đây chính là mấu chốt của vấn đề.

Việc không có bằng Trung cấp chuyên nghiệp (trong đó có tích hợp trình độ văn hóa THCS, THPT) khiến cho các em không đủ điểu kiện theo học lên các bậc học cao hơn là Đại học. “Theo quy định, trong tấm bằng Cao đẳng chuyên nghiệp không tích hợp trình độ văn hóa THCS, THPT nên việc các trường Đại học không tiếp nhận số học sinh Học viện Múa cũng có lý do”.- Ông Trần Văn Hải giải thích.

Quyền giám đốc Học viện Múa Việt Nam cũng khẳng định, Học viện Múa Việt Nam đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc này vì trên thực tế 273 học sinh, sinh viên được đào tạo song song trình độ văn hóa lẫn chuyên môn.

Nguyện vọng của Học viện là các cơ quan quản lý (Bộ VH-TT&DL và Bộ GD&ĐT) cho phép Học viện múa Việt Nam được cấp phôi bằng Trung cấp chuyên nghiệp cho 273 học sinh, sinh viên. Và nếu số học sinh, sinh viên này được cấp bằng Trung cấp chuyên nghiệp sẽ giải quyết được tất cả những tồn đọng hiện nay. Các em sẽ được đăng ký xét tuyển vào hệ thống các trường Đại học, cao đẳng Văn hóa-nghệ thuật thuộc Bộ VH-TT&DL quản lý.

Tuy nhiên, đại diện cha mẹ học sinh, bà Phạm Thanh Thủy không chấp nhận phương án này. Bởi nếu số học sinh này được cấp bằng Trung cấp chuyên nghiệp không giải quyết được bản chất của vấn đề.

Bằng Trung cấp chuyên nghiệp không thể thay thế được cho bằng văn hóa THCS, THPT. Điều mà con em họ cần là giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông, bằng tốt nghiệp THCS, THPT chính quy. Các con phải được trải qua một kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia. Bởi theo lý giải của phụ huynh này, đi xin việc dù dạy ở trường Mầm non thôi họ vẫn cần những tấm bằng văn hóa.

Tuy nhiên, lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam khẳng định yêu cầu này của phụ huynh là bất khả thi, nhà trường không thể cấp cho số học sinh này bằng văn hóa THCS, THPT. Và khả thi nhất hiện nay là Học viện sẽ đề nghị cơ quan quản lý cho phép Học viện cấp bằng Trung cấp chuyên nghiệp cho học sinh, sinh viên. Và việc đến bao giờ các em sẽ có bằng trung cấp này thì Học viện Múa Việt Nam không dám hứa.

Liên quan đến vụ hàng trăm học sinh, sinh viên Học viện Múa Việt Nam “trắng” bằng cấp, ngày 1/4, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VHTTDL) có văn bản gửi Bộ GD-ĐT về việc tháo gỡ vướng mắc trong công tác đào tạo THCS, THPT và cấp bằng tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp cho học sinh, sinh viên Học viện Múa Việt Nam.

Theo văn bản, Bộ VHTTDL nhận được Tờ trình số 63/TTr-HVMVN ngày 30/3/2021 của Học viện Múa Việt Nam về việc báo cáo, giải trình những khó khăn, vướng mắc trong công tác đào tạo chương trình Trung học cơ sở (THCS), Trung học phổ thông (THPT) cho học sinh, sinh viên; vướng mắc trong công tác tuyển sinh và đào tạo tích hợp trình độ cao đẳng, ngành Diễn viên Múa tại Học viện Múa Việt Nam từ năm 2012 đến năm 2016. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến như sau:

Căn cứ tính đặc thù trong công tác đào tạo nhóm ngành nghệ thuật Múa hiện nay: Học sinh vào học tại Trường từ lúc còn nhỏ (khi mới học hết lớp 6, hoặc lớp 7, 8), vì vậy, học sinh phải tiếp tục học chương trình giáo dục phổ thông đồng thời với học kiến thức chuyên môn tại Trường. Do đặc thù này, trên cơ sở thỏa thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 1017/GDCN ngày 17/02/2004 về việc ban hành Chương trình khung ngành, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ban hành Quyết định số 92/2004/QĐ-BVHTT ngày 01/10/2004 ban hành Chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp thuộc nhóm ngành Múa.

Từ năm 2012 trở lại đây, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) đã tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS cho học sinh theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT theo Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT ngày 28/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quyết định số 92/2004/QĐ-BVHTT. Sau khi hoàn thành chương trình trung cấp chuyên nghiệp, học sinh được cấp bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp mà không có bằng tốt nghiệp THCS, THPT.

Bên cạnh đó, từ năm 2012, theo đề án tuyển sinh riêng, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam tổ chức đào tạo tích hợp trình độ cao đẳng, ngành Diễn viên Múa. Theo đó, học sinh sẽ được học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng. Tuy nhiên, Nhà trường không tổ chức thi tốt nghiệp trình độ trung cấp cho học sinh mà tổ chức kỳ thi chuyển giai đoạn, học sinh đạt kết quả sẽ được chuyển tiếp lên học trình độ cao đẳng. Vì vậy, học sinh theo học chương trình đào tạo tích hợp trung cấp và cao đẳng sẽ không có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp.

Để đảm bảo quyền lợi cho người học, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, cho phép Học viện Múa Việt Nam:

Cấp Bằng tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp cho học sinh đã hoàn thành Chương trình đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp và đạt kết quả theo quy định tại kỳ thi chuyển giai đoạn của Học viện.

Cấp Giấy chứng nhận hoàn thành các môn văn hóa THPT trong Chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp, nhóm ngành Múa (Theo Quyết định số 92/2004/QĐ-BVHTT ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin) cho học sinh đã hoàn thành chương trình đào tạo tại Học viện Múa Việt Nam./.