Trong sáng nay, hơn 18.000 thí sinh đã nghe phổ biến quy chế thi và đính chính sai sót (nếu có) tại phòng thi. Buổi chiều cùng ngày, các em dự thi môn Ngữ Văn và Tiếng Anh.

Từ 9h đêm qua, Nguyễn Ánh Phượng (quê Hà Giang) bắt chuyến xe đêm xuống Hà Nội dự thi. Với nguyện vọng vào ngành Sư phạm Sinh, Phượng dự thi 3 môn: Toán, Hóa, Sinh. Năm ngoái, ngành này có điểm chuẩn 26.75 nên Phượng chưa thực sự tự tin lắm.

“Sư phạm là ngành có nhiều cơ hội. Giáo viên trong trường cũng là động lực để em theo nghề giáo. Em mong sẽ đỗ vào sư phạm để trở về phục vụ quê hương”, Phượng chia sẻ.

Kỳ thi đánh giá năng lực (SPT) năm nay ghi nhận nhiều thí sinh vùng sâu, vùng xa tham gia dự thi. Lâm Huyền Chi, học sinh lớp 12 ở Điện Biên kể, em và mẹ đã xuống Hà Nội từ hôm 15/5.

“Năm nay số lượng thí sinh dự thi tăng so với mọi năm nên em về Hà Nội sớm để chuẩn bị tốt”, Chi cho biết, hai mẹ con hiện đang thuê trọ cách điểm thi Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khoảng 1km với giá 600 ngàn đồng/ngày. Ngoài Huyền Chi, phòng trọ này cũng có hơn 10 thí sinh ngoại tỉnh thuê trọ trong những ngày thi SPT.

Tính theo học ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Huyền Chi mong muốn sẽ tiếp nối nghề nghiệp của mẹ em. Tuy nhiên, Chi cho rằng mức độ canh tranh của kỳ thi cao hơn so với mọi năm nên em hơi lo lắng.

Hơn nữa, đề thi bổ sung các câu hỏi tự luận cũng là thử thách với Huyền Chi. "Điểm khó ở bài thi là trình bày tự luận, không có ai dạy dạng này nên em tự học, tự ôn luyện, chủ yếu ở kiến thức 12

Khi ôn thi tốt nghiệp trên trường, em đã quen thuộc với dạng thi trắc nghiệm nên các câu hỏi tự luận ở môn Sử và Địa làm em khá lo lắng”, Huyền Chi nói.

Định hướng vào ĐH Sư phạm Hà Nội từ năm lớp 10 nên Đỗ Đức Độ, học sinh lớp 12D1, Trường THPT Lê Văn Thiêm, Long Biên, Hà Nội đặt nhiều kỳ vọng ở Kỳ thi SPT.

Đức Độ thi 3 môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý để xét tuyển vào ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý hoặc Triết học Mác – Lê nin. Đây là những môn học yêu thích và thế mạnh của em.

So với đề thi tốt nghiệp THPT, Độ nói đề thi SPT của Trường ĐH Sư phạm khó hơn, với nhiều câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Tuy nhiên việc ôn luyện lại khá đơn giản vì tài liệu trên mạng tương đối dồi dào. “Ôn dạng đề của sư phạm em không cần phải học ôn bên ngoài”, Độ chia sẻ.

Kỳ thi đánh giá năng lực (SPT) 2025 có 18.000 thí sinh đăng ký dự thi, tăng so với năm ngoái (11.000 thí sinh). Năm nay, có hơn 54.000 bài thi ở 8 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Sinh học. Trung bình mỗi thí sinh đăng ký 3,1 bài thi.

Kỳ thi SPT 2025 được tổ chức ở 20 điểm thi tại 7 trường đại học trên cả nước.

Tại Hà Nội, do số lượng thí sinh đông nên ngoài điểm thi Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thí sinh còn dự thi tại Học viện Báo chí Tuyên Truyền, ĐH Thương mại và ĐH Công nghiệp Hà Nội.

Hiện có 25 trường đại học công nhận và sử dụng kết quả kỳ thi SPT để xét tuyển đại học chính quy.

TS. Trần Bá Trình, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực (SPT) 2025 được cập nhật theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, đề thi có sự tương đồng với cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm nay. Đề thi có phần thi tự luận để thí sinh thể hiện được khả năng trình bày, lập luận của mình.

Hằng năm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tuyển khoảng 30% chỉ tiêu dựa trên kết quả thi SPT. TS. Trần Bá Trình khẳng định, đây là tỷ lệ phần trăm kỳ vọng. Nhà trường hoàn toàn có thể lấy được nhiều hơn. Tuy nhiên, không phải thí sinh nào cũng có khả năng và điều kiện tham dự kỳ thi này nên nhà trường muốn dành khoảng 50% chỉ tiêu trở lên cho điểm thi tốt nghiệp THPT.

Ông Trình cho biết, đối sánh với kết quả học tập sau năm thứ nhất của thí sinh cho thấy, những em thuộc diện xét tuyển thẳng (học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế) có thành tích nổi trội nhất. Tiếp đó, thí sinh trúng tuyển bằng kết quả thi SPT. Nhóm thứ 3 là thí sinh trúng tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nhóm thí sinh trúng tuyển bằng học bạ có kết quả học tập thấp nhất. Do đó, năm nay Trường ĐH Sư phạm Hà Nội quyết định bỏ hẳn phương thức xét tuyển bằng học bạ.

Kỳ thi năm nay được tổ chức trong 2 ngày 17-18/5; trong đó toán và ngữ văn thi trong thời gian 90 phút; các môn còn lại thi trong 60 phút.

Ngày mai (18/5), các thí sinh tiếp tục dự thi môn Toán, Vật ly, Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Hóa học./.