Hội thảo Quốc tế về Vật liệu và Linh kiện tiên tiến lần thứ 4 (IWAMD 2023) khởi nguồn từ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực Vật lý từ những năm 1995 bởi GS.TSKH. Nguyễn Hoàng Lương, Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Vật lý, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam và Giáo sư Yoshichika Onuki, Nguyên Chủ tịch Hội Vật lý Nhật Bản.

Với uy tín khoa học của các Giáo sư chủ trì Hội thảo và GS.TS. Phan Mạnh Hưởng, Hội thảo đã thu hút được 210 báo cáo với 77 báo cáo của các tác giả quốc tế từ 15 nước bao gồm Pháp, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Hungary, Tiệp Khắc, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Brazil, Ấn Độ, Đài Loan, Philipine, Singapore, chia làm 02 phiên toàn thể, 05 tiểu ban và 01 phiên poster.

Hội thảo do Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đại học Osaka (Nhật Bản) phối hợp tổ chức, với sự tham gia của trên 200 nhà khoa học, trong đó có khoảng 50 nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong khu vực và thế giới.

Theo GS.TS. Phan Mạnh Hưởng - Giáo sư của Đại học Nam Florida (Hoa Kỳ) nhà khoa học có nhiều thành tự trong lĩnh vực khoa học vật liệu, đồng thời là Phó Trưởng ban tổ chức Hội thảo : “Đây là hội thảo được gọi là đánh dấu lớn nhất trong những hội thảo được tổ chức từ trước đến giờ trong lĩnh vực về khoa học vật liệu mà phủ sóng tất cả các lĩnh vực vật liệu: vật liệu điện tử, vật liệu lượng tử, AI, máy tính học… Tôi tin rằng đây cũng là một cơ hội cho Việt Nam để mở rộng các hướng nghiên cứu không những mới mà có sự cạnh tranh trên thế giới.”

PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên khẳng định ý nghĩa to lớn của Hội thảo: sứ mệnh của nhà trường là đào tạo các ngành khoa học cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội và nhân văn - được đánh giá là những cái ngành rất khó tự chủ trong cái bối cảnh tự chủ đại học hiện nay. Do đó, hội thảo lần này với sự quy tụ của nhiều nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế sẽ là một cú hích tiếp thêm năng lượng, cơ hội kết nối, trao đổi, hợp tác và thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Với đội ngũ các nhà khoa học trẻ với tỷ lệ giảng viên có trình độ từ Tiến sĩ trở lên trên 50%, trong những năm qua Trường Đại học Khoa học luôn là điểm sáng trong toàn Đại học Thái Nguyên về công bố bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI/Scopus.

Ngay sau khi được Ban tổ chức đồng ý lựa chọn Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên là đơn vị đăng cai tổ chức Hội thảo, Nhà trường đã cử đại diện tham gia Ban tổ chức để cùng tham gia xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thảo và xây dựng các nội dung chuyên môn của Hội thảo.Nhà trường cũng đầu tư kinh phí để sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục bảo đảm đầy đủ trang thiết bị phục vụ Lễ khai mạc và các tiểu ban của Hội thảo.

GS. Cheol Gi Kim, Viện Khoa học và Công nghệ Daegu Gyeongbuk (Hàn Quốc) nhận xét: Việt Nam là một đất nước có tốc độ phát triển chóng mặt trong thời gian gần đây, tỷ lệ dân số trẻ và tiềm năng lớn để phát triển khoa học về vật liệu cũng như linh kiện. Hội thảo lần này là một cơ hội rất tốt để nhóm các nhà khoa học tại Hàn Quốc và Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và học hỏi lẫn nhau. Nghiên cứu về khoa học vật liệu và linh kiện sẽ là một trong những chìa khóa để phát triển nền kinh tế Việt Nam.

GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng- Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: Hội thảo quốc tế lần này quyết định đến vai trò của đầu tư và khoa học cơ bản và cũng là quyết định cái vai trò của lĩnh vực cơ bản của Việt Nam trên toàn thế giới. Trong thời gian tới chúng ta cần phải chú trọng hơn nữa trong việc xây dựng hệ sinh thái khoa học từ đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ, nghiên cứu khoa học hàn lâm, xuất bản các bài báo gắn kết với công nghiệp và tiêu dùng thì chúng ta mới có thể trở thành đất nước phát triển nhanh, bền vững.

TS. Tôn Thất Lợi, Đại học Tohoku (Nhật Bản) nhận định về chất lượng nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam trong thời gian gần đây đang ngày càng được nâng cao, tiến tới việc bắt kịp với các nước tiên tiến và hiện đại trên thế giới. Hội thảo này là một cơ hội tốt để các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước có thể trao đổi với nhau về các nghiên cứu hiện tại và có những sự hợp tác trong tương lai.

Theo đánh giá của PGS.TS. Lê Văn Lịch, trường Vật liệu - Đại học Bách Khoa Hà Nội: Lĩnh vực vật liệu là một trong những lĩnh vực rất đặc thù có ảnh hưởng tới các ngành khoa học. Tuy nhiên thì lĩnh vực này ở Việt Nam chưa được coi trọng đúng mức so với các nước trên thế giới. Đặc biệt là bây giờ các nước phát triển trên thế giới đầu tư lớn, tập trung nhiều nguồn lực chất lượng cao để tham gia vào lĩnh vực này tạo được lợi thế cạnh tranh trong các công nghệ mới. Hội thảo sẽ là cơ hội để chúng ta tiếp cận với các hướng nghiên cứu hiện đại trên thế giới cũng như là các xu hướng mới nổi hiện nay.

Ba lần trước Hội thảo được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG HN và Đại học Osaka - Nhật Bản vào các năm 2009, 2012 và 2016. Tiếp nối thành công của chuỗi hội nghị trước đây, Hội thảo Quốc tế về Vật liệu và linh kiện tiên tiến lần thứ 4 sẽ diễn ra tại trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên từ ngày 11 đến ngày 13/8/2023.