“Được” và “mất” gì khi bạn luôn là người "gánh Team"?

Ấm ức, bực mình, thấy thiệt thòi là cảm giác chung của những bạn luôn phải gánh Team. Nhưng cũng có những bạn như Hải Anh, học sinh Trường THPT Kim Liên tự an ủi mình: “Trước đây em không phải là người thành thạo Google Docs, Thiết kế Tạp chí hay làm Power Point, Slide… Nhưng vì phải "gánh Team" nhiều quá, mình lại là người hơi cầu toàn nữa nên qua mỗi lần làm việc nhóm nhưng hầu như phải làm một mình như vậy, em tự học hỏi mày mò được nhiều cách làm.”

Tuy nhiên, dù cho "gánh Team" nhưng nếu như được cùng Team với bạn thân thì vẫn cảm thấy thoải mái hơn là những bạn mình ít chơi, Hải Anh chia sẻ.

Cùng trông tâm trạng với Hải Anh, Tô Thu Hà, sinh viên Trường ĐH Giáo dục, ĐH QGHN cũng có cảm giác bực mình, khó chịu khi rơi vào những Team không chịu hợp tác. Dù cho có tự an ủi, nếu làm một mình sẽ nâng cao được kiến thức nhưng đó chỉ là cảm giác thoáng qua. Suy cho cùng, chỉ có một người gánh Team sẽ không đạt được hiệu quả của làm việc nhóm.

Đừng "gánh Team", hãy quản lý Team hiệu quả

Theo chị Nguyễn Hoàng Thanh Hương – một chuyên gia về giáo dục, các bạn trẻ đừng nên cho rằng "gánh Team" là làm một mình mà cần phải đồng hành để hỗ trợ và hướng dẫn các bạn để cùng nhau hoàn thành công việc.

Cái “mất” khi làm trưởng nhóm là các bạn sẽ mất thời gian: mất thời gian để tư duy, sáng tạo, để tìm tòi, để hỗ trợ các bạn dựa trên những điểm mạnh và điểm yếu của các bạn. Nhưng ngược lại, cái “được” cũng rất nhiều như có được kiến thức, có được kỹ năng và quan trọng nhất là kỹ năng lãnh đạo. Ở vai trò đứng đầu một nhóm, bạn sẽ học được kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng phân công nhiệm vụ, kỹ năng biện phản biện và kỹ năng ra quyết định.

Bí kíp để san sẻ công việc trong một Team

Đã từng nhiều lần giữ vai trò trưởng nhóm, theo Tô Thu Hà, trước khi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ, trưởng nhóm cần lên bản kế hoạch rõ ràng chi tiết, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Ví dụ bạn A làm nội dung 1, bạn B làm nội dung 2, bạn C làm Powerpoint…Sau đó cả nhóm ngồi lại với nhau để trao đổi, lên kế hoạch cùng nhau thực hiện.

Cùng quan điểm với Thu Hà, theo chị Thanh Hương, các bạn trẻ cần có sự phân công cụ thể và chi tiết nhiệm vụ cho các thành viên. Tuy nhiên, không áp đặt mà cho các bạn tự lựa chọn đầu việc phù hợp với năng lực của mình. “Chúng ta có danh sách đầu việc từ 1 đến 20. Các bạn sẽ tự lựa chọn phần việc nào và sau khi các bạn lựa chọn rồi thì chúng ta sẽ thống nhất. Nếu có những bạn cùng chọn một nội dung thì các bạn có thể làm cùng nhau…” chị Hương đưa ra ví dụ. Có như vậy, các thành viên trong Team sẽ cảm thấy thoải mái.

Nếu như việc phân công nhiệm vụ trong Team gặp khó khăn, không tìm được tiếng nói chung, các bạn có thể là nhờ sự trợ giúp của thầy cô giáo để các thầy cô tư vấn phân công công việc dựa trên sở trường, thế mạnh của mỗi cá nhân.

Nếu như bạn là người luôn luôn phải "gánh Team", bạn chính là người có trách nhiệm nhất và cũng có thể được coi là trưởng nhóm. Hãy cố gắng nhìn nhận điểm mạnh, điểm yếu của từng thành viên để san sẻ công việc phù hợp, và biết cách gắn kết, động viên mọi người. Làm trưởng nhóm dù vất vả nhưng đây cũng là 1 cơ hội rất tốt để bạn rèn luyện cho mình kỹ năng lãnh đạo nhóm – 1 kỹ năng rất quan trọng cho quá trình đi làm sau này.