Ngày 9/12, tại Hà Nội, Trường đại học Khoa học và xã hội nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường đại học Khoa học và xã hội nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Khoa học cơ bản với trách nhiệm quốc gia".
Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 80 nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý đến từ một số cơ quan Trung ương, các trường đại học nghiên cứu và đào tạo khoa học cơ bản. Hội thảo là diễn đàn chia sẻ về các chính sách, kinh nghiệm trong phát triển nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tuyển sinh, đào tạo và thực hiện cơ chế tài chính. Từ đó, đưa ra các giải pháp thúc đẩy các hoạt động tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác của khối các trường đào tạo khoa học cơ bản.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học và xã hội nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhấn mạnh: “Khoa học cơ bản bao gồm các lĩnh vực khoa học tự nhiên như toán học, vật lý, hóa học, sinh học, địa chất và các ngành khoa học xã hội: lịch sử, văn học, triết học, tôn giáo học, nhân học, ngôn ngữ học,... Đây là các ngành học nghiên cứu sâu về lý thuyết, các quy luật của thế giới tự nhiên và xã hội, nhưng lại đóng vai trò then chốt, tiền đề cho sự phát triển các ngành khoa học ứng dụng. Ở Việt Nam, không ít lĩnh vực khoa học cơ bản nói chung đã đạt trình độ quốc tế.
Với triết lý “Hàn lâm là nền tảng, hiện đại là xu hướng”, chúng tôi kỳ vọng hội thảo hôm nay là cơ hội để các nhà khoa học, các đơn vị cùng phát huy những kết quả hợp tác trước đây, đồng thời đề xuất những đường hướng, giải pháp liên quan đến đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng, phát huy vai trò, thế mạnh của mỗi đơn vị, đóng góp chung vào sự phát triển của nền khoa học cơ bản nước nhà”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
PGSTS Nguyễn Văn Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng cho biết: Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng là trường đa ngành gồm KHTN, KHXHNV và KH Giáo dục triển khai các hoạt động khoa học thực tiễn có nhiều thuận lợi phối hợp các ngành với nhau thực hiện đề tài, từ địa phương đến TW thực hiện chinh sách tư vấn cho bộ, ngành ...
Trong bối cảnh đổi mới hội nhập trường đầu tư phát triển những ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu xã hội, đưa ra những chiến lược cụ thể, thúc đẩy những hoạt động nghiên cứu mang tính ứng dụng cao các nghiên cứu cơ bản phải được chuyển giao công nghệ, đặc biệt đẩy mạnh HTQT. Trường hiện có hơn 10 ngàn sinh viên trong đó có 400 sinh viên quốc tế đến từ 26 quốc gia theo học .
Để nâng cao chất lượng số lượng các nghiên cứu, trường áp dụng chính sách kết hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ KHCN xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, có chính sách khen thưởng cao khuyến khích động viên nghiên cứu viên . Những đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng được tư vấn cho các khu dự trữ sinh quyển qua đó thể hiện rõ vai trò của KH cơ bản ứng dụng vào thực tế. Hiện tại các trường thu hút sinh viên theo học KH cơ bản khó khăn nhưng trường ĐHSP Đà Nẵng lại giải quyết được bài toán này không những thế còn duy trì được chất lượng sinh viên đầu vào rất tốt.
Trong bối cảnh mới trường mong muốn có sự kết nối các trường ĐH, trao đổi sinh viên, kết hợp nghiên cứu hợp tác phát triển các CT đào tạo liên ngành, Chuyển giao công nghệ, kỳ vọng sự hợp tác tạo ra hệ sinh thái giáo dục cùng phát triển...
PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu cho rằng: Hiện nay vấn đề nóng nhất, mới nhất Quốc hội chính thức bấm nút khởi động Nhà máy điện hạt nhân. Một nhà máy điện hạt nhân được tiến hành không thể thiếu bóng dáng của KHTN, KHXH và nhân văn trong các hoạt động. Vấn đề đặt ra chúng ta làm được không?
Vốn là những trường đại học có các nhà KH thực hiện các dự án, đề tài tiền khả thi thông qua điều tra cơ bản, đánh giá tác động xã hội...., cũng có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, với tinh thần, trách nhiệm quốc gia cần đi trước, hình thành những nhóm nghiên cứu KH cơ bản. Cần có sự hợp tác giữa các ĐH với nhau để có những đề tài thiết thực, có sự kiến nghị tác động đến chính sách cho Đảng, nhà nước để tổ chức thực hiện. Vai trò của Khoa học cơ bản phải đi trước một bước, cùng tham gia có những đóng góp xứng đáng cho kỷ nguyên vươn mình.
GS Võ Văn Sen, trường ĐHKHXHNV- ĐHQG TP.HCM chia sẻ: "KHXHNV của chúng ta nếu tiếp tục đào sâu thì trong 1 thời gian ngắn nữa thôi chúng ta không chỉ có từng ấy thành tựu mà còn nâng cao nhiều trí tuệ nhân tạo hỗ trợ cho KHXHNV... Con đường đi của chúng ta rất đúng hướng bắt kịp những vấn đề của thời đại phù hợp với đất nước đào sâu suy nghĩ thí nghiệm những mô hình mới KHXHNV đóng gớp lớn không thua kém các ngành KHTN, kỹ thuật ..."
Theo GS.TS Lại Quốc Khánh, không chỉ trên phương diện tính đặc thù của khoa học cơ bản, trong thời đại liên ngành, các tổ chức nghiên cứu và đào tạo khoa học cơ bản và giới trí thức khoa học cơ bản cũng đồng thời có những đóng góp đầy tính ứng dụng, trên cả ba phương diện nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách. Các tổ chức khoa học cơ bản, các nhà khoa học cơ bản với tinh thần trách nhiệm rất cao đã tích cực và chủ động cống hiến sức lực và trí tuệ của mình trong tham gia giải quyết những vấn đề của quốc gia, ở tầm quốc gia.
Theo GS.TS Lại Quốc Khánh, còn rất nhiều việc đang đặt ra cần giải quyết. Đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, nhiều vấn đề mới đang đặt ra đòi hỏi tư duy, nhận thức và giải quyết ở tầm lý thuyết; đòi hỏi có nhân lực khoa học cơ bản để thực hiện và có những tư vấn chính sách cụ thể, thiết thực, xứng tầm.
“Hội thảo góp phần trực tiếp giải quyết các vấn đề này; đồng thời, về lâu dài, hình thành mạng lưới các tổ chức khoa học cơ bản, mạng lưới nhà khoa học cơ bản, qua đó gia tăng nguồn lực nhằm thực hiện đầy đủ hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn trách nhiệm trách nhiệm quốc gia”, Giáo sư, Tiến sĩ Lại Quốc Khánh nhấn mạnh.
GS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ khẳng định: Khoa học cơ bản là nền tảng học nền tảng, cái tri thức của một quốc gia, là chủ thuyết của một quốc gia, nền móng của một nền khoa học quốc gia đều bắt đầu từ khoa học cơ bản. Trong bối cảnh mới, kinh tế, thị trường, hội nhập quốc tế, các trường, đại học trong khối cơ bản gặp nhiều khó khăn nhưng đã trăn trở tìm tòi thể nghiệm các hướng đi, cách đi và đã có hiệu quả thực tế.
"Đất nước đang đặt ra rất nhiều vấn đề mới, trong các lĩnh vực, liên quan đến chúng ta, đang đặt ra những vấn đề rất mới mà đòi hỏi phải có lời giải từ các thầy, các cô. Bây giờ chúng ta phải đẩy mạnh cuộc cách mạng chuyển đổi số, nhưng mà không phải chỉ là chuyển đổi số ở các lĩnh vực đâu, mà để hình thành một phương thức sản xuất số. Sự phát triển kinh tế số để chuyển đổi xanh về các vấn đề công nghệ đòi hỏi nhiều cái mới. Nghiên cứu và giảng dạy khoa học cơ bản khi mà AI đã hoàn thiện tác động đến việc dạy và học nó đòi chúng ta phải đổi mới tư duy rất mạnh mẽ. Khoa học cơ bản trong cái kỷ nguyên số này thế nào? Cần tìm ra đặc thù trong đào tạo cũng như đặc thù trong nghiên cứu cơ bản mà gắn với đời sống. Đấy là cái bài toán giải nền cơ bản nhưng có thể ứng dụng được, mà ứng dụng trong bối cảnh đang thay đổi là vấn đề đại sự", GS.TS Phùng Hữu Phú kết luận.
Hội thảo nhận được nhiều báo cáo chất lượng, giá trị, đề cập đến những vấn đề rất thiết thực, không chỉ khẳng định trách nhiệm quốc gia của các tổ chức nghiên cứu và đào tạo khoa học cơ bản, mà còn gợi mở nhiều định hướng cho tương lai. Với sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học, hội thảo mang đến góc nhìn mới, giải pháp sáng tạo và những định hướng cụ thể để khoa học cơ bản tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung vào các nội dung sau: Vai trò của khoa học cơ bản tham gia xây dựng văn kiện Đại hội XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam; tham gia xây dựng đường lối, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tham gia tư vấn chính sách, tham gia phát triển địa phương và cơ hội hội nhập quốc tế.