Mới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có công văn hướng dẫn các phòng GD-ĐT trên địa bàn về công tác tổ chức kiểm tra cuối học kỳ 1, cấp tiểu học năm học 2023 - 2024. Một trong những yêu cầu đáng chú ý trong công văn này là: việc tổ chức ôn tập được thực hiện ngay trên lớp học, không giao bài tập về nhà đối với lớp học 2 buổi/ngày.
Vì sao không giao bài tập về nhà?
Lý giải về chủ trương này, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày đã được thầy cô đã sắp xếp các giờ ở buổi 2 để hỗ trợ các em ôn tập kiến thức phù hợp. Giáo viên cũng chủ động sắp xếp thời gian ôn tập, bổ sung kiến thức cho HS tham gia kiểm tra định kỳ, cuối kỳ. “Việc này nằm trong buổi 2, học sinh hoàn toàn có thể hoàn tất bài tập cũng như các nội dung giúp hoàn thành bài kiểm tra theo đúng yêu cầu cần đạt của từng môn học hoặc hoạt động giáo dục”.
Theo ông Quốc, mục tiêu của chương trình giáo dục tiểu học không đặt nặng việc đi sâu vào kiến thức. Quan trọng là với sự đa dạng của các hình thức, phương pháp tổ chức giảng dạy thì học sinh sẽ hình thành được năng lực, phẩm chất cần thiết. Đối với việc học ở nhà, thái độ và kỹ năng tự học của học sinh là điều cần khuyến khích. Qua đó, các em tự giác ôn tập lại bài tập cũ, chuẩn bị một số nội dung của bài tập mới để thực hiện nhiệm vụ của thầy cô giáo nhằm tiếp thu kiến thức, hình thành phẩm chất năng lực.
“Việc khắc sâu kiến thức lặp đi lặp lại cũng có một số lợi ích cho học sinh nhưng chúng ta không đặt nặng phải có kiến thức quá nâng cao hoặc kiến thức phải được rèn luyện nhiều mà quan trọng nhất qua việc học, các em hình thành được những phẩm chất năng lực phù hợp”, ông Quốc nói.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, đâu đó vẫn còn những phụ huynh, giáo viên mong muốn học sinh có điểm số cao trong các kỳ đánh giá định kỳ, cuối kỳ. Tuy nhiên, trong các thông tư về đánh giá học sinh tiểu học, nhiều quy định không yêu cầu căn cứ vào điểm số mà đánh giá thông qua quá trình học tập. Việc đánh giá về mặt điểm số chỉ ở một vài giai đoạn trong quá trình đánh giá của học sinh tiểu học.
Do vậy, để thực hiện đúng chủ trương “không giao bài tập về nhà đối với học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày” thì nhà trường phải thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá theo đúng tinh thần của các thông tư hướng dẫn. Đồng thời, trao đổi để phụ huynh hiểu rằng, với học sinh tiểu học thì quan trọng nhất năng lực tự học và năng lực này được hình thành qua quá trình học tập của các em.
Giao nhiệm vụ thay vì bài tập
Chuyên gia giáo dục – TS. Nguyễn Thụy Anh cho rằng, nếu hiểu việc làm bài tập theo cách ngồi vào bàn viết, tính toán, lặp lại những công việc mà các em đã làm trên lớp thì đó là điều bất cập. Bởi, ngoài ngồi học, các em còn có hoạt động vui chơi, giải trí, trải nghiệm, giao lưu với người lớn, bạn bè, làm việc nhà, kết nối những kiến thức, kỹ năng mới học trên nhà trường vào cuộc sống thực tế... Thông qua các hoạt động này, trẻ có thể học được những bài học. Thời lượng học ở trường 2 buổi/ngày với trẻ đã quá dài và căng thẳng. Nếu buổi tối, học sinh tiểu học tiếp tục ngồi vào bàn và lặp lại các hoạt động trên lớp sẽ khiến các em mất đi động lực học tập và không lấy lại năng lượng mới cho ngày hôm sau.
“Trước đây, con cái, cha mẹ, thậm chí cả ông bà cũng tham gia vào quá trình luyện tập của trẻ ở nhà. Ngồi kèm con làm bài, bố cáu, mẹ quát, con thì khóc, tự nhiên câu chuyện học tập thật buồn. Trong khi đó, lẽ ra học tập phải vui”, TS. Nguyễn Thụy Anh nhận xét.
Học sinh tiểu học hoàn toàn có thể về nhà kể cho bố mẹ nghe hôm nay con học thế nào thì ngược lại, các con phải làm rất nhiều bài tập. Thậm chí, bố mẹ không biết cách làm thế nào để hướng dẫn con nên dễ làm “đổ vỡ” việc giao lưu cảm xúc giữa bố mẹ và con cái.
Đồng ý với quan điểm của Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc, TS. Nguyễn Thụy Anh cho rằng, thầy cô sẽ phải cho học sinh có thời gian tự học vào buổi thứ 2 của ngày. Riêng các em lớp 4 -5 đã có thể học theo nhóm, tham gia nhiều cách tổ chức hoạt động của thầy cô giáo, giúp các em hình thành năng lực tự học.
Dù vậy, TS. Nguyễn Thụy Anh cho rằng, giáo viên không giao bài tập về nhà nhưng vẫn có quyền giao nhiệm vụ cho các em. Các nhiệm vụ này là sự kết nối kiến thức đang học ở trường với thực tế cuộc sống thông qua các hoạt động trải nghiệm. Ở nhà, học sinh có thể chia sẻ với bố mẹ những gì đã học ở trường, cùng bố mẹ quan sát, suy nghĩ về về chủ đề mà mình đang học, đọc sách, xem phim về chủ đề đó, cùng bố mẹ làm việc nhà... Thông qua những hoạt động này, trẻ có cơ hội nghĩ về những gì đã học, được trải nghiệm thì kiến thức còn sâu hơn nữa.
Không giao bài tập về nhà thì kỹ năng sư phạm của giáo viên phải tăng lên. TS. Nguyễn Thụy Anh cho rằng cần những bộ công cụ hỗ trợ giáo viên những cách giúp học sinh ủng cố và luyện tập ngay ở buổi thứ 2 trong ngày.
Sách giáo viên hướng dẫn mỗi môn học đều có phần trải nghiệm. Quá trình trải nghiệm này, học sinh đã được củng cố và luyện tập. TS. Nguyễn Thụy Anh cho rằng, nên có ít nhất một tiết tự học ở buổi thứ 2 trong ngày để các em hình thành khả năng tự học, tránh về nhà dựa dẫm vào bố mẹ.
Chia sẻ trước tâm lý của các phụ huynh khi muốn giáo viên giao thêm bài tập về nhà cho con, TS. Nguyễn Thụy Anh cho rằng đây là thói quen ăn sâu vào bao thế hệ. Với nhiều phụ huynh, con đi học về là phải có bài tập, nếu không thấy con ngồi vào bàn thì làm bài thì lo các con mải chơi, thi cử bị điểm kém...
Tuy nhiên, chương trình giáo dục phổ thông mới đưa ra những cách triển khai để học sinh vừa học vừa vui. Quan trọng nhất là có phương pháp để đến năm lớp 3 các em bắt đầu có khả năng tự học, thậm chí học nhóm, không cần làm bài tập quá căng thẳng mà kiến thức vẫn "rơi" vào đầu.
Lớp 4-5 vẫn cần giao bài tập về nhà
Ủng hộ chủ trương của TP.HCM, PGS. TS Nguyễn Chí Thành – Trưởng khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định, tiểu học là giai đoạn giáo dục hình thành nhân cách, kỹ năng học tập cứ chưa phải giai đoạn kiến thức. Thêm nữa, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bố trí các tiết học với số lượng bài tập không nhiều, giáo viên có thể đảm bảo nội dung kiến thức cho học sinh ngay trên lớp.
"Tiểu học có 29-30 tiết nhưng hiện nay học sinh đa phần học cả ngày, thầy cô vẫn bố trí thêm các tiết tự học, hướng dẫn học bên cạnh các tiết hoạt động ngoại khóa khác. Do đó, thầy cô hoàn toàn có thể giúp học sinh thực hiện hết các nội dung bài tập trong SGK", ông Thành nói.
Ngoài việc học trên lớp, buổi tối trẻ cần có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, sinh hoạt cùng gia đình, tham gia các hoạt động ngoài trời, làm các công việc nhà, tổ chức hoạt động nhóm, làm nhiệm vụ không phải ngoài nội dung học... Đây đều là những hoạt động rất quan trọng.
Tuy nhiên, Trưởng khoa Sư Phạm, Trường ĐH Giáo dục cho rằng, với học sinh lớp 4-5 vẫn nên giao bài tập về nhà. Bởi vì, những nội dung liên quan Tiếng Việt, Toán đã bắt đầu nặng. Đây cũng là giai đoạn chuyển giao để chuẩn bị kiến thức vào cấp THCS. Tuy nhiên, việc ra bài tập cần có liều lượng phù hợp và được kiểm soát vì thực tiễn nhiều thầy cô giao rất nhiều bài tập nặng./.