Khi áp lực, gánh nặng học tập vẫn nặng nề, khi thu nhập nhà giáo còn eo hẹp và cơ sở vật chất trường học chưa thực sự đầy đủ, hiện đại thì làm thế nào để có được môi trường học đường hạnh phúc? TS. Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông Việt Nam (VIGEF), nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT) dành cho P/V VOV2 (Đài TNVN) cuộc trao đổi liên quan đến vấn đề này.

Trường học hạnh phúc không phải là một khẩu hiệu

Phóng viên: Thưa TS Đặng Tự Ân, những năm gần đây, Bộ GD-ĐT nhiều lần đưa ra thông điệp về xây dựng trường học hạnh phúc và một số trường học cũng đang thúc đẩy xây dựng mô hình này. Nhưng để chia sẻ một cách giản dị nhất về trường học hạnh phúc, ông muốn nói điều gì?

TS. Đặng Tự Ân: Hiểu một cách rất đơn giản, một trường học hạnh phúc là một trường mà tất cả các thành viên trong nhà trường từ Ban giám hiệu, giáo viên, học sinh đến cha mẹ học sinh đều hạnh phúc, vui vẻ, không chịu áp lực, được thỏa mãn khi tham gia vào quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Nhưng trường học hạnh phúc không phải là câu chuyện khẩu hiệu mà nó mang tính chất hiện thực, mang tính phù hợp với sự phát triển chung của giáo dục quốc tế cũng như giáo dục Việt Nam.

Đặc biệt, việc xây dựng trường học phúc hỗ trợ tích cực cho quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Vì vậy, trường học hạnh phúc không tách rời với công cuộc đổi mới giáo dục. Nó là sự gắn kết, hỗ trợ đảm bảo chất lượng của chương trình giáo dục phổ thông mới tốt hơn, bền vững hơn.

Phóng viên: Nhưng chúng ta xây dựng trường học hạnh phúc như thế nào khi thực tế học sinh vẫn đang chịu nhiều áp lực thi cử, học tập; đồng lương giáo viên còn eo hẹp và điều kiện cơ sở vật chất trường học khiêm tốn? Liệu chúng ta có một trường học hạnh phúc khi giáo viên, học sinh không hạnh phúc?

TS Đặng Tự Ân: Tôi không phủ nhận cách đặt vấn đề này. Nhưng qua thực tiễn triển khai, nhiều nơi như ở Ninh Thuận, không ít trường học có điều kiện giáo dục rất khó khăn nhưng cả giáo viên, học sinh và đội ngũ cán bộ quản lý rất quan tâm xây dựng trường học hạnh phúc.

Vì vậy, điều mà phóng viên vừa nói không phải là điều tiên quyết cản trở chúng ta xây dựng trường học hạnh phúc mà đúng hơn là sự cảnh báo những địa phương có điều kiện thuận lợi phải nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc tại các cơ sở giáo dục của mình.

Phóng viên: Trường học hạnh phúc, dĩ nhiên sẽ có nhiều tiêu chí. Nhưng dù tiêu chí như thế nào, điều mà mọi người quan tâm đó là, học sinh hạnh phúc, thầy cô hạnh phúc, hiệu trưởng hạnh phúc. Vậy, ở đây, từng thành tố này cần phải được cởi trói, cần phải được trang bị, hỗ trợ thế nào để có được một môi trường giáo dục hạnh phúc, thưa ông?

TS Đặng Tự Ân: Theo tôi xây dựng trường học hạnh phúc phải theo một bộ tiêu chí. Bởi thực chất đây là kiến tạo một mô hình nhà trường. Điều này cũng giống như chúng ta đã và đang xây dựng mô hình trường chuẩn quốc gia hay kiểm định chất lượng nhà trường. Do vậy, xây dựng trường học hạnh phúc là cách để chúng ta đưa ra các tiêu chí, đưa ra cách xây dựng đánh giá xem các trường đạt đến mức độ nào của mong muốn đó.

Với cách tiếp cận này, chúng tôi xây dựng trường học hạnh phúc theo các tiêu chí của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (Unesco) gồm có 4 nhóm tiêu chí và 33 tiêu chí thành phần. Những tiêu chí này đảm bảo chất lượng nhà trường và đảm bảo đúng tinh thần một trường như thế nào là một trường học hạnh phúc.

Phóng viên: Chúng ta đang trong lộ trình đổi mới mạnh mẽ giáo dục phổ thông. Nhưng thành thực mà nói, chúng ta vẫn chưa thoát khỏi nền giáo dục khoa cử, ứng thí, truyền thống… Để xây dựng được một môi trường học đường hạnh phúc như ông vừa chia sẻ, tôi nghĩ sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn?

TS Đặng Tự Ân: Những khó khăn, thách thức khi xây dựng trường học hạnh phúc ở Việt Nam cũng là những khó khăn, thách thức mà các nước đang phát triển, các nước đang chuyển đổi mô hình giáo dục cũ sang mô hình giáo dục mới gặp phải.

Đơn cử như không phải giáo viên, cán bộ quản lý nào cũng hình dung được thế nào là trường học hạnh phúc. Nhiều người hiểu đơn giản rằng, trường học hạnh phúc là trường học vui vẻ, thoải mái. Điều đó không chính xác. Trường học hạnh phúc là trường học đảm bảo chất lượng nhà trường, đảm bảo mục tiêu đổi mới giáo dục đó là dạy học phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Trong bộ tiêu chí trường học hạnh phúc của Unesco điều đầu tiên họ mong muốn là hệ thống vĩ mô, tức là quan điểm của Đảng, Nhà nước, quan điểm của Bộ Giáo dục-Đào tạo phải coi đánh giá trường học hạnh phúc tác động đến chất lượng của cả hệ thống, đây là nguyên tắc mà tôi nghĩ chúng ta cần thực hiện. Nếu thực hiện điều này thì những khó khăn mới được tháo gỡ, giải quyết.

Phóng viên: Nhưng ông có nghĩ rào cản lớn nhất để xây dựng trường học hạnh phúc chính là nhận thức từ giáo viên, nhà quản lý giáo dục khi lâu nay họ đóng khung bởi tư duy, phương pháp, quản trị giáo dục theo lối cũ?

TS. Đặng Tự Ân: Tôi nghĩ, sự bảo thủ, trì trệ, luyến tiếc cái cũ là điều tất nhiên của quy luật đổi mới. Như Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo từng chia sẻ, khi thực hiện đổi mới giáo dục sẽ gặp vô vàn khó khăn bởi cái cũ luôn níu kéo, nhiều người cũng muốn công việc được nhẹ nhàng hơn, đỡ vất vả hơn nên họ không muốn đổi mới. Đây là điều tất nhiên chứ không riêng gì khi triển khai mô hình trường học hạnh phúc. Do vậy, điều quan trọng là cách thức chúng ta triển khai như thế nào cũng như quyết tâm của cả hệ thống.

Xây dựng trường học hạnh phúc phải thực chất, đánh giá, giám sát nghiêm ngặt

Phóng viên: Tôi biết, ông và quỹ Quỹ Hỗ trợ Đổi mới GDPT Việt Nam đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ trường học, giáo viên, nhà quản lý giáo dục xây dựng trường học hạnh phúc. Vậy, điều mà ông cùng các cộng sự của mình tập trung hỗ trợ các trường phổ thông xây dựng trường học hạnh phúc là gì?

TS. Đặng Tự Ân: Tháng 1/2014 chúng tôi tổ chức cấp giấy chứng nhận cho lớp đào tạo, bồi dưỡng theo chủ đề là “Hiệu trưởng người gieo mầm hạnh phúc” cho trên 10 nghìn hiệu trưởng các trường phổ thông trong cả nước. Qua lớp tập huấn này, cơ bản cán bộ quản lý nắm được lý luận cơ bản cũng như trải nghiệm cách xây dựng trường học hạnh phúc như thế nào để từ đó các thầy cô về các nhà trường tổ chức xây dựng theo điều kiện đặc thù của trường mình.

Chúng tôi đang có kế hoạch xin viện trợ lớn hơn để xây dựng bộ tiêu chí về trường học hạnh phúc theo định hướng của Unesco. Sau đó, chúng tôi tiến hành đánh giá các trường theo bộ tiêu chí này. Trường nào chưa đáp ứng được theo bộ tiêu chí thì chúng tôi hỗ trợ trên nguyên tắc những trường học hạnh phúc là những trường đảm bảo những tiêu chí ở mức rất cao của kiểm định chất lượng giáo dục cũng như là trường chuẩn quốc gia.

Phóng viên: Và đâu đó, ông đã nhìn thấy hình hài của một trường học hạnh phúc?

TS Đặng Tự Ân: Tôi thấy tỉnh nào cũng có hình hài của trường hạnh phúc. Gần đây nhất tôi có đến trường tiểu học thị trấn Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), trường tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Phúc)... thực sự đây là những ngôi trường hạnh phúc. Họ thực sự làm thật. Thông qua tiếp xúc thầy - trò của nhà trường, tôi cảm nhận được tình cảm thương yêu giữa thầy, trò, giáo viên, cán bộ quản lý. Họ cùng nhau chăm chút để xây dựng một môi trường giáo dục thân mật, thấu hiểu, chất lượng.

Đặc biệt, chính quyền địa phương, hội cha mẹ học sinh đến thế hệ cựu học sinh cũ của trường đều có sự hỗ trợ để xây dựng một môi trường giáo dục thực sự thỏa mãn các tiêu chí của một trường học hạnh phúc.

Phóng viên: Chặng đường để xây dựng trường học hạnh phúc chắc chắn còn rất dài và nhiều khó khăn. Ông nghĩ, chúng ta cần tiếp tục có những tháo gỡ gì về chính sách để thúc đẩy mô hình này?

TS Đặng Tự Ân: Trước hết ở góc độ quốc tế, Unesco đã khuyến cáo các quốc gia trên toàn cầu phải xây dựng trường học hạnh phúc và coi đó là một tiêu chí đánh giá chất lượng đầu ra của nhà trường. Năm 2019 Công đoàn giáo dục Việt Nam đã tổ chức một cuộc vận động xây dựng trường học hạnh phúc trong toàn ngành.

Hiện nay các địa phương trong đó có quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động để thúc đẩy xây dựng trường học hạnh phúc. Unesco đưa Việt Nam nằm trong danh sách những cộng đồng trường học phúc quốc tế.

Gần đây, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, cũng định hướng các nhà trường phải xây dựng trường học hạnh phúc. Tất cả những điều này tạo cơ hội rất lớn để chúng ta xây dựng hạnh phúc.

Điều tôi mong muốn là Bộ GD-ĐT cần có một văn bản chính thức về xây dựng trường học hạnh phúc để chúng tôi cũng như các địa phương triển khai mô hình này một cách bài bản hơn và chính thức hơn.

Tuy nhiên tôi cũng muốn nhấn mạnh, việc xây dựng trường học hạnh phúc cần thực chất chứ không phải là sự vui vẻ, nửa vời. Phải có hệ thống đánh giá, giám sát nghiêm ngặt, thực chất.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn TS Đặng Tự Ân về cuộc trao đổi này!