Theo tư số 22, học sinh phổ thông có 2 loại bài kiểm tra: Bài kiểm tra thường xuyên và bài kiểm tra định kỳ. Khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THCS, vì chưa có giáo viên dạy tích hợp nên việc dạy học 2 môn Khoa học Tự nhiên (KHTN) và Khoa học Xã hội (KHXH) mỗi nơi mỗi khác. Chính điều này dẫn tới việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kì cũng không giống nhau.
Kiểm tra đánh giá môn tích hợp vẫn chưa thể... tích hợp.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THCS, môn KHTN được xây dựng dựa trên nền tảng các phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn KHXH là sự kết hợp hai phân môn Lịch sử và Địa Lý. Hiện các trường THCS áp dụng hai cách dạy học các môn tích hợp, đó là dạy song song các phân môn và dạy cuốn chiếu từng phân môn.
Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội trong năm đầu triển khai dạy hai môn tích hợp chọn hình thức dạy song song. Đến năm học này, theo chỉ đạo chung của phòng giáo dục quận đã chuyển sang dạy cuốn chiếu để thuận lợi và giảm nhẹ cho học sinh.
Điều này theo cô Hạnh Nguyên, Hiệu trưởng nhà trường dẫn tới những thay đổi trong kiểm tra, đánh giá. Đó là “học đến đâu, kiểm tra đánh giá đến đó, có 4 đầu điểm thường xuyên phân bố đều, đến phân môn nào phân môn đó vào điểm…”, cô Hạnh Nguyên chia sẻ.
Trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội dạy song song các môn tích hợp. Cô Phạm Thu Hoài, giáo viên thuộc tổ Khoa học tự nhiên cho biết việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kì được nhà trường tổ chức theo cách tích hợp: Giáo viên nào ra đề phân môn đó rồi tổng hợp đưa vào thành 3 mục trong một đề chung. Hai phân môn của Khoa học xã hội được chia làm hai đề riêng biệt, chỉ phát chung và làm chung một khung giờ.
Lượng kiến thức học sinh nạp vào theo phương thức dạy song song khá nặng và nhiều. Đồng thời lượng kiến thức dồn trong một bài kiểm tra chung giữa hoặc cuối kì cũng khá nặng. Theo cô Thu Hoài giáo viên đành phải giảm nhẹ độ phân hóa của đề.
“Mức độ nhẹ nhàng hơn so với việc học thành từng môn học riêng biệt trước kia. Việc ra đề thường khá sát đề cương với mong muốn giảm nhẹ áp lực nhất có thể cho các con học sinh”, cô Thu Hoài chia sẻ.
Cũng tổ chức dạy môn tích hợp theo kiểu song song, trường THCS Anh Hùng Núp, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai khi xây dựng đề kiểm tra giao cho các giáo viên từng phân môn phụ trách để ra được một đề chung.
Dù đã sang năm thứ 2, theo thầy Đoàn Văn Vĩ, Phó Hiệu trưởng nhà trường, mục tiêu kiểm tra, đánh giá dạy học tích hợp vẫn chưa thực sự đạt được như mong muốn và yêu cầu đặt ra của chương trình mới cấp THCS.
Ở phần chấm điểm, mỗi bài sẽ do một giáo viên chấm cho cả 3 phân môn căn cứ theo đáp án chung. Trường hợp giáo viên chấm bài có những băn khoăn về phân môn khác phân môn mình dạy sẽ trao đổi với giáo viên có chuyên môn để tìm ra giải pháp chấm thích hợp.
Cách dạy học và kiểm tra tuần tự dẫn đến kiến thức của học sinh sẽ khó liền mạch, dễ quên và có thể gây khó khăn cho các em khi lên lớp tiếp theo khi đã quên kiến thức nền của lớp học dưới. Còn dạy học, kiểm tra đánh giá song song cùng lúc kiến thức nhiều phân môn sẽ khó bố trí tiết dạy và áp lực với học sinh.
Các nhà trường đang cố gắng để thích nghi với khó khăn khi “bị” hay “được” giao quyền tự quyết trong dạy học, kiểm tra đánh giá ở chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong bối cảnh hiện tại cũng chưa thể nói phương thức nào sẽ hiệu quả hơn.
Đánh giá năng lực không phải là bài kiểm tra kiến thức
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng Chương trình 2018 đến thời điểm này đã thực thi ở cả 3 cấp học không còn quá mới mẻ đối với các nhà trường.
Tính khác biệt của chương trình mới thể hiện trong mục tiêu giáo dục, nhằm mang đến cho người học cơ hội phát triển năng lực và phẩm chất. Đồng nghĩa các môn học trong nhà trường đều cần có sự phối hợp, hướng đến mục tiêu phát triển năng lực chứ không chỉ đơn thuần trang bị kiến thức như các chương trình trước đó.
Riêng với hai môn học tích hợp Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên khi triển khai trên thực tế đã bộc lộ khá nhiều khó khăn suốt từ xây dựng chương trình cho đến khi triển khai viết sách giáo khoa cũng như tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và tổ chức thực hiện tại các nhà trường những năm qua.
Những khó khăn ban đầu theo PGS.TS Chu Cẩm thơ là bởi thói quen, tâm lý khá nặng nề trong ngành giáo dục cũng như xã hội về những môn học mang tính tích hợp, kể cả khâu kiểm tra đánh giá.
"Chúng tôi cũng quan sát và cả nghiên cứu để thấy rằng không hề dễ dàng để thay đổi chính từ nhà trường phổ thông.”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhận định.
Điểm nổi bật chương trình phổ thông mới đã trao quyền cho các giáo viên rất nhiều, thể hiện qua thông tư 22 của Bộ Giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, thực tế ở khá nhiều nơi, năng lực giáo viên dạy các bộ môn này hiện nay là chưa đồng đều và chưa đạt được yêu cầu như chương trình, thậm chí thiếu cả cả đội ngũ có thể giảng dạy những môn học này.
Để thực hiện được phần việc kiểm tra, đánh giá theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, trước hết các giáo viên cần tuân thủ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quá trình đánh giá phải thường xuyên, thay vì chỉ đánh giá bằng kiến thức thì phải đánh giá cả những sản phẩm học tập học sinh.
Các giáo viên cũng cần tập trung đánh giá các kỹ năng thực hành của học sinh trên lớp học, biểu hiện việc học sinh vận dụng được những kiến thức này trong thực tiễn.
Thứ ba, đánh giá định kỳ nếu ở quy mô trường học hoặc lớp học, các giáo viên gặp khó khăn khi xây dựng đề đánh giá chuẩn hóa, các sở hoặc phòng giáo dục và đào tạo địa phương nên nhận trách nhiệm này nhằm xây dựng đề thi, những ma trận câu hỏi để đánh giá năng lực học sinh.
Còn nếu các nhà trường vẫn giữ cách đánh giá hoàn toàn căn cứ vào kiến thức và theo môn học riêng biệt như hiện nay chắc chắn các giáo viên sẽ không nhìn thấy cách làm nào hiệu quả.
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, hiện nay hầu hết các trường vẫn đang loay hoay khắc phục tình trạng thiếu giáo viên dạy tích hợp, nhiều giáo viên cùng dạy nhưng lại quên việc phải xác định một sản phẩm tối thiểu học sinh cần phải đạt được.
"Tôi nhấn mạnh mỗi một môn học tích hợp đều phải xác định sản phẩm tối thiểu mà các em cần phải đạt được. Ví dụ như môn Khoa học xã hội gồm hai phân môn Lịch sử và Địa lý ra yêu cầu cho học sinh nghiên cứu địa chính trị ở thời điểm cụ thể nào đó. Các em phải sử dụng kiến thức địa lý, lịch sử và cả kiến thức văn hóa địa phương để thực hiện bài được giao", PGS Chu Cẩm Thơ nêu ví dụ.
Trong bối cảnh thiếu giáo viên dạy tích hợp như hiện tại, để làm được điều này cần sự hợp lực của các giáo viên, bắt đầu từ việc làm tốt công tác sinh hoạt chuyên môn. Và kể cả khi ngành giáo dục đã đào tạo và tương đối đủ nguồn lực con người, việc dạy học đòi hỏi giáo viên phải thay đổi, bồi dưỡng năng lực thường xuyên.
Các nhà trường buộc phải tiến hành sinh hoạt chuyên môn nâng cao năng lực của giáo viên, thiết kế bộ phương thức đánh giá bao gồm cả đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ để tạo ra được những mẫu có thể đánh giá năng lực tổng hợp kiến thức khoa học của học sinh.
"Nhà trường của chúng ta hiện nay đang bị yếu so với nhu cầu phát triển của học sinh. Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu này. Trước hết, các nhà trường phải thay đổi mô hình đào tạo, giáo dục. Trên hết và quan trọng cần phải bắt đầu từ nhận thức từ chính các nhà trường bởi với nguồn lực hiện nay tôi tin chúng ta có thể làm được", PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh.