Ngày 28/9, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra dấu hiệu tội phạm "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" xảy ra tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Theo đó, Cơ quan an ninh điều tra nhận được tố giác tội phạm của luật sư Hoàng Văn Hướng (trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng, Đoàn luật sư TP Hà Nội) tại bản án vụ gian lận thi cử do Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang tuyên từ tháng 10-2019.

Bản án này nêu kiến nghị của luật sư Hướng về việc có 2 thí sinh S.V.Đ. và N.V.T. là 2 học sinh cá biệt nhưng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tại Hà Giang đã đạt điểm cao. Hai thí sinh này đã trúng tuyển vào một trường đại học khối công an và có thông tin về việc mỗi thí sinh phải "chạy" 500 triệu đồng để đạt điểm cao.

Kết quả giải quyết khiếu nại, Cơ quan an ninh điều tra xác định có dấu hiệu tội phạm "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" nên khởi tố vụ án để điều tra.

Trao đổi với phóng viên VOV2, Luật sư Hoàng Văn Hướng cho biết, ông và cộng sự là người bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang), người sau này bị Hội đồng xét xử tuyên phạt 15 tháng tù với tội danh "lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi" trong vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 tại tỉnh này.

Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, Luật sư Hoàng Văn Hướng nhận thấy có nhiều vấn đề, hiện tượng gian lận, tiêu cực trong thi cử tại tỉnh Hà Giang. Đặc biệt, toàn kết quả thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2017 vẫn còn và là tài liệu, chứng cứ rất quan trọng bởi trước đó dư luận đặt ra khả năng, gian lận thi cử không chỉ xảy ra vào năm 2018 mà có thể ở những năm trước đó.

“Tôi không tố cáo bằng đơn mà bằng kiến nghị tại phiên tòa sơ thẩm, kiến nghị với hội đồng xét xử là cơ quan bảo vệ pháp luật phải có biện pháp để bảo vệ các chứng cứ, bài thi năm 2017 của Hà Giang”, Luật sư Hoàng Văn Hướng nhấn mạnh.

Cụ thể hơn, Luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng, một số vấn đề liên quan đến vụ án gian lận thi cử năm 2018 tại tỉnh Hà Giang chưa được giải quyết dứt điểm. Ví dụ như tin nhắn của những người có thẩm quyền, những người có chức vụ cao ở Hà Giang chưa được giải quyết; đó là tin nhắn của những người đã chỉ đạo nâng điểm thi.

“Phải xem xét vai trò trách nhiệm nếu không có trách nhiệm hình sự thì phải chịu trách nhiệm hành chính. Thứ hai, xử lý những người nâng điểm thi thì những người nhờ nâng điểm thi có xử lý không? Người nhờ nâng cũng có chức vụ, quyền hạn. Pháp luật phải áp dụng công bằng cho mọi người chứ pháp luật không chỉ áp dụng người này, người khác. Tôi cho rằng, những người đáng ra phải chịu trách nhiệm về hình sự thì vẫn đang nằm ngoài pháp luật, những dấu hiệu hiện nay là vẫn còn”, luật sư Hướng nhấn mạnh.

Liên quan tới 2 học sinh cá biệt S.V.Đ. và N.V.T. đạt điểm cao và trúng tuyển vào trường công an trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tại Hà Giang, Luật sư Hoàng Văn Hướng cho biết, những dấu hiệu phạm tội này được ông kiến nghị 1 lần tại phiên tòa sơ thẩm cuối năm 2019. Sau đó các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan bảo vệ pháp luật của Hà Giang đã nhiều lần làm việc với Luật sư và được ông tích cực hợp tác cung cấp tất cả những thông tin, quan điểm về những dấu hiệu vi phạm để xử lý.

“Quan điểm của tôi là phải kiểm tra lại toàn bộ bài thi năm 2017 của Hà Giang. Vì năm 2018 có hơn 100 thí sinh được nâng điểm. Trong khi đó năm 2017 cũng có những trường hợp học sinh cá biệt mà với thực lực khó lòng đỗ được tốt nghiệp nhưng lại đỗ được đại học với điểm rất cao. Đấy là hiện tượng rất bất thường. Nếu không đúng thì phải trả lại danh dự cho các em còn nếu đúng thì phải có các biện pháp xử lý cho khách quan và đúng các quy định pháp luật, đảm bảo tính công bằng” – Luật sư Hướng kiến nghị.

Bên cạnh đó, để đảm bảo khách quan, công bằng, Luật sư Hoàng Văn Hướng cũng mong muốn cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng cấp trung ương vào cuộc bởi ông lo lắng năng lực, điều kiện tố tụng của địa phương, thậm chí không loại trừ khả năng cả nể hoặc có những vấn đề khác có thể tác động đến quá trình tố tụng.