Quan tâm đến mức lương – nhu cầu rất chính đáng
Theo chị Phạm Phương Thu, mức lương là phần quan trọng khi cân nhắc một công việc. Lương không chỉ là phần thưởng cho công sức mà còn giúp nhân viên cảm thấy được trân trọng và an tâm về mặt tài chính. Mức lương phản ánh giá trị mà công ty đánh giá về kỹ năng, năng lực cũng như kinh nghiệm của ứng viên đó. Vì vậy, các bạn trẻ thường mong muốn được biết mức lương của mình có phù hợp với kỳ vọng và giá trị của bản thân hay không là điều hoàn toàn chính đáng.
Đàm phán lương là một phần quan trọng trong một buổi phỏng vấn. Đây là cơ hội để cho cả ứng viên và nhà tuyển dụng đảm bảo rằng mức lương được đề xuất là công bằng và phù hợp với giá trị và kỹ năng của ứng viên.
Trong quá trình đàm phán lương, các yếu tố khác như là phúc lợi, cơ hội phát triển nghề nghiệp, mục tiêu dài hạn của công ty cũng được đề cập một cách kỹ lưỡng hơn. Vì vậy, hai bên sẽ có sự hiểu biết rõ ràng hơn về mong đợi và khả năng tài chính. Từ đó xây dựng các quan hệ hợp tác tốt hơn.
“Việc đàm phán lương cần phải thực hiện chuyên nghiệp và lịch sự. Đây là lúc để ứng viên thể hiện khả năng giao tiếp, hiểu biết về thị trường lao động cũng như là giá trị của bản thân”, chị Phương Thu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo chị Thu, ngoài mức lương, các bạn trẻ cũng nên cân nhắc các yếu tố khác vì đôi khi bạn sẽ có những cơ hội bất ngờ lớn hơn.

“Gỡ khó” những tình huống thường gặp khi đàm phán lương
Là một chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự, chị Phương Thu luôn đánh giá cao sự chuyên nghiệp và sự chuẩn bị kỹ càng của các ứng viên trong quá trình phỏng vấn. Khi nhận được câu hỏi “Yêu cầu mức lương là bao nhiêu?” của nhà tuyển dụng, chị Thu khuyến khích các bạn trẻ nên trả lời một cách thẳng thắn và tự tin.
Để làm được điều này, các bạn nên chuẩn bị trước bằng cách nghiên cứu mức lương trung bình của vị trí mà mình ứng tuyển. Khi trả lời về mức lương mong muốn nên đưa ra một khoản lương hợp lý dựa trên kinh nghiệm và kỹ năng của bản thân cũng như mức lương trung bình cho vị trí này trên thị trường lao động. Các bạn trẻ cũng nên tìm hiểu xem công ty mà bạn đang muốn vào có khung lương cho vị trí mà bạn ứng tuyển không để từ đó có thể đàm phán một cách có cơ sở và hợp lý.
Khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi “Mức lương của công việc trước đây bạn từng làm là bao nhiêu?”, đây là thông tin nhạy cảm. Nếu bạn cảm thấy thoải mái thì có thể chia sẻ. Tuy nhiên, bạn nên cung cấp thông tin chính xác, đồng thời nhấn mạnh những kỹ năng, thành tựu đã đạt được, giải thích rõ vì sao mình mong muốn một mức lương cao hơn mức lương trước đó (nếu có nhu cầu).
“Đứng từ góc độ của nhà tuyển dụng, tôi mong muốn thấy được sự trung thực và chuyên nghiệp, tinh thần sẵn lòng hợp tác từ các ứng viên trong quá trình phỏng vấn. Điều này sẽ giúp đưa ra các quyết định tốt nhất cho cả hai bên”, chị Phương Thu chia sẻ.
Trong trường hợp cảm thấy mức lương nhà tuyển dụng đề xuất chưa đáp ứng được mong muốn của mình, chị Phương Thu khuyến khích các bạn đề xuất mức lương cao hơn một cách lịch sự, chuyên nghiệp và đặc biệt là phải có cơ sơ.
“Các bạn hãy đủ tự tin để giải thích lý do tại sao các bạn tin rằng mức lương này xứng đáng với đề xuất của bạn, dựa trên những kỹ năng, kinh nghiệm và giá trị mà các bạn có thể mang lại cho công ty.” Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, các bạn cũng cần lắng nghe sự phản hồi của nhà tuyển dụng và có thể sẵn sàng thỏa hiệp nếu thấy hợp lý và thấy cần thiết.

Đàm phán lương – cần có sự chuẩn bị kỹ và chuyên nghiệp
Một nguyên tắc rất quan trọng, trước khi đi phỏng vấn, các bạn nên nghiên cứu kỹ về mức lương trung bình của công việc, của khu vực mà bạn đang ứng tuyển. Điều này có thể giúp các bạn nhìn rõ ràng về mức lương có thể mong đợi và có cơ sở để thảo luận.
Tiếp theo, bạn phải xác định rõ mức lương mà bạn mong muốn là gì và bạn nên chuẩn bị các lập luận để giải thích vì sao mình xứng đáng với mức lương đó, bao gồm những thành tựu, những kỹ năng đặc biệt và kinh nghiệm. Bạn nên thuyết phục nhà tuyển dụng một cách hợp lý trong quá trình đàm phán. Thay vì chỉ đề cập đến mức lương, hãy tạo ra những giải pháp win – win (2 bên cùng có lợi), đưa ra các ý kiến xây dựng sáng tạo để thỏa thuận để hai bên cảm thấy hài lòng.
“Trước khi đi phỏng vấn, các bạn nên luyện tập trả lời các câu hỏi về lương một cách tự tin và thuyết phục. Với kinh nghiệm của tôi thì điều này chắc chắn sẽ không thừa”, chị Thu khuyên các bạn trẻ.
Ngoài ra, trước khi đàm phán lương, các bạn nên thể hiện sự quan tâm và nhiệt tình của mình với công việc, với công ty, thể hiện sự sẵn lòng hợp tác, mong muốn đem lại giá trị cho công ty cũng như mong muốn đây chính là cơ hội phát triển nghề nghiệp của mình.
Khi đàm phàn lương, các bạn nên trình bày mong muốn của mình một cách rõ ràng, lịch sự, tự tin, tránh sự cứng nhắc hay quá tham lam. Bạn cũng nên lắng nghe ý kiến của nhà tuyển dụng, bạn phải thể hiện được sự linh hoạt, sẵn sàng thỏa hiệp nếu cần.
Cuối cùng, việc giữ thái độ chuyên nghiệp, tôn trọng trong suốt quá trình đàm phán lương sẽ giúp bạn gây được thiện cảm với nhà tuyển dụng.
Đàm phán lương hiệu quả không chỉ giúp bạn nhận được mức lương xứng đáng với năng lực mà qua đó còn thể hiện sự tự tin, chuyên nghiệp và bản lĩnh của bạn.
Nghe tư vấn của chị Phạm Phương Thu: