Tranh biện không phải là “cãi nhau"

Theo anh Trần Tuấn Anh, biệt danh Tuấn Anh Dino, hiện đang giảng dạy môn Tư duy phản biện và Kĩ năng thuyết trình trước đám đông tại Viện đào tạo Quốc tế, học viện Ngân hàng, cốt lõi của tranh biện chính là tư duy phản biện, giống như màng lọc thông tin giúp mỗi người phân biệt đúng, sai, điều gì nên tin và không nên tin. Và khi đem tư duy đó tranh luận về một chủ đề với người khác nhằm tìm ra phương án tốt nhất sẽ trở thành tranh biện.

Hai khái niệm tranh biện và hùng biện theo anh Tuấn Anh Dino thoạt nghe rất giống nhau nhưng thực ra lại có những điểm khác biệt cơ bản. Tranh biện là hình thức phản hồi qua lại giữa hai bên để có thể thuyết phục người khác tin và nghe theo. Việc sử dụng lý lẽ, lập luận ở đây có sự tương tác qua lại và mỗi người trong quá trình tranh biện luôn luôn cố gắng tìm ra những lỗ hổng của đối phương để chiếm ưu thế. Còn hùng biện lại đứng trên phương diện cá nhân một người chia sẻ góc nhìn, quan điểm suy nghĩ và khiến cho tất cả đám đông nghe và tin theo.

Một điểm khác biệt nữa, nếu như tranh biện khá thuần về mặt tư duy thì hùng biện còn thêm nhiều những yếu tố cảm xúc. Trong thực tế cuộc sống, hai kỹ năng này có sự giao thoa, nghĩa là khi thuyết phục một ai đó, chúng ta không chỉ thuyết phụ về mặt lý trí, logic còn phải tác động được vào tình cảm, cảm xúc.

Tranh biện đòi hỏi sự hoạt ngôn. Tuy nhiên vì đây là kỹ năng nên theo anh Tuấn Anh Dino, các bạn trẻ hoàn toàn có khả năng rèn luyện.

“Mình rất thích một quan niệm của người Nhật về sự giao thoa của bốn yếu tố: Thứ mình giỏi, thứ mình thích, thứ thế giới cần và thứ có thể đem lại nguồn thu nhập cho mình. Tranh biện, phản biện hay tất cả những kỹ năng mềm đều giúp ích cho cuộc sống bản thân và giúp mình trưởng thành, thay đổi cuộc đời cũng như hướng đi trong nghề nghiệp. Chính điều này khiến mình quyết định chia sẻ với mọi người, đặc biệt các bạn trẻ”, anh Tuấn Anh chia sẻ con đường đến với công việc hướng dẫn kỹ năng tranh biện cho các bạn trẻ.

Có một cái quan niệm theo anh Tuấn Anh Dino là hơi sai lầm khi cho rằng một người phải giỏi tư duy phản biện mới tham gia tranh biện. Chỉ là khi chúng ta chưa giỏi nên cần tìm hiểu và thực hành. Khả năng tư duy và khả năng ăn nói được xem như những kỹ năng cần có và đặc biệt là những người đang còn yếu thì càng cần phải học tập, rèn luyện để có thể cải thiện. Nếu bạn sợ sai, sợ rằng mình kém và không học, không cố gắng bạn sẽ không bao giờ phát triển được.

“Bản thân mình mình cũng học được từ những sai lầm rất nhiều, không phải tự nhiên có một Dino của ngày hôm nay. Tất cả cũng bắt đầu từ một Tuấn Anh rất bẽn lẽn, hay ngại ngùng ngày trước, thậm chí bản thân nhìn nhận thì mình là một người hướng nội, rất ít nói. Đến một thời điểm mình thấy cần phải chia sẻ quan điểm của bản thân. Đấy là lúc mà mình quyết định thay đổi và một Tuấn Anh Dino ra đời”.

Ở Việt Nam, tranh biện nhanh chóng được người trẻ đón nhận bởi ứng xử truyền thống thường sẽ theo một chiều. Giáo viên dạy học sinh làm theo, người lớn nói, bạn trẻ sẽ nghe lời. Nhưng khi cuộc sống hiện đại, xu thế đối thoại hai chiều dần chiếm lĩnh mọi lĩnh vực. ZenZ trưởng thành trong thời đại số khiến khả năng nhận thức cũng như phản biện trở nên nhanh nhạy hơn.

Ngày trước, mọi người hầu như trong tình trạng thiếu và thèm thông tin thì bước vào thời đại số, thông tin dần trở nên thừa. Trong dòng chảy ngồn ngộn ấy, xuất hiện những thông tin đúng, sai, thật, giả. Rất nhiều trong đó là thông tin rác, thậm chí nhiều hình thức lừa đảo mới được hình thành. Tư duy phản biện lúc này trở thành công cụ giúp cho mỗi người trẻ bảo vệ bản thân trước những luồng thông tin xấu độc, biết mình tin gì và không nên tin gì.

Tư duy phản biện quan trọng khi không chỉ dừng ở việc mình lọc thông tin mà còn tạo cho người trẻ có cơ hội nói lên tiếng nói của bản thân, học được cách chia sẻ ý tưởng tư duy của mình và đến lúc chính các bạn có thể lựa chọn con đường của mình một cách đúng đắn nhất.

Làm sao để rèn luyện kỹ năng tranh biện?

Dù những bạn trẻ có khả năng ăn nói sẽ thuận lợi hơn nhưng theo anh Tuấn Anh Dino, nếu quyết tâm, kiên trì và có phương pháp, ai cũng có thể rèn luyện và sử dụng kỹ năng tranh biện trong cuộc sống, công việc hằng ngày.

“Mỗi người sẽ có những khoảng thời gian khác nhau, có những bạn học nhanh và cũng có những bạn học chậm hơn. Nhưng kể cả với những bạn chậm thì cứ sau mỗi buổi học đã có sự trưởng thành hơn rồi. Cho dù mọi người không nhận ra điều đó, cũng giống như việc là lần đầu tiên mình tập thể dục có thể mình chưa thấy mình giảm được lạng nào chẳng hạn, nhưng rõ ràng là trong bản thân mình đã có sự thay đổi rồi”, anh Tuấn Anh phân tích

Ở góc độ làm công việc hướng dẫn kỹ năng tranh biện, anh Tuấn Anh cho rằng sự thay đổi bắt đầu hiện rõ hơn sau khoảng thời gian vài tháng khi mỗi bạn trẻ bắt đầu có khả năng nói năng, chia sẻ một cách rõ ràng, mạch lạc, có logic hơn và bản thân dám mạnh dạn hơn khi chia sẻ quan điểm. Sau khoảng một năm, nếu thực sự các bạn kiên trì theo đuổi các bộ môn này sẽ thấy có một sự thay đổi rất rõ nét.

Lúc này, nhiều bạn trẻ sẽ tự tin hơn rất nhiều, thậm chí sẽ có những lúc sẽ hơi quá một chút trong việc bày tỏ và bảo vệ quan điểm khi đủ tư duy phản biện, đủ khả năng phân tích, trình bày vấn đề với người đối diện hoặc trước đám đông.

Việc rèn luyện kỹ năng tranh biện theo anh Tuấn Anh Dino trước tiên đều cần lý thuyết làm nền tảng. Các bạn trẻ sẽ được hướng dẫn xây dựng mô hình lập luận, kỹ năng trình bày như là kỹ năng liên quan đến giọng nói và ngôn ngữ hình thể…

Những lý thuyết về tranh biện hiện nay đều có thể tìm kiếm từ nhiều nguồn sách, báo, trên internet, việc tổ chức các lớp rèn kỹ năng tranh biện thường sẽ hướng vào việc tạo môi trường an toàn để các bạn trẻ thoải mái chia sẻ góc nhìn, ý kiến, quan điểm của mình.

“Mình nhận thấy rằng người trẻ đến nay mặc dù đã có tiếng nói của mình, dám nói nhiều hơn, bố mẹ cũng mở lòng hơn với con nhưng thực tế thì việc tuân thủ và nghe lời người lớn vẫn phổ biến trong các gia đình, lớp học… Tranh luận trên mạng còn độc hại hơn nữa vì đôi khi chỉ cần bộc lộ quan điểm của mình sẽ có rất nhiều người sẵn sàng nhảy vào công kích mình. Người trẻ hiện rất thiếu môi trường an toàn để rèn kỹ năng tranh biện. Và chính từ điều này mình luôn cố gắng nghĩ ra các phương thức khác nhau để tạo một môi trường để bạn có thể thoải mái”.

Một vấn đề nóng trong xã hội hoặc những trò chơi “nhập vai, giả danh”; “ma sói”…thường được anh Tuấn Anh Dino sử dụng giúp các bạn trẻ tăng cường tư duy phản biện cũng như khả năng trình bày lập luận cá nhân. Việc tham gia các cuộc thi tranh biện cũng được xem như cơ hội rèn luyện, cọ sát quý báu cho các bạn trẻ muốn thành thục kỹ năng này. Ngay tại nhiều trường THPT, trường đại học cũng đã hình thành những CLB tranh biện giúp các bạn có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và thực hành tranh biện.

Một kinh nghiệm rất quan trọng để rèn kỹ năng tranh biện được anh Tuấn Anh Dino bật mí chính ở việc nghe đọc tin tức hằng ngày. Nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng đủ kiên trì thực hiện. Tư duy phản biện là sự va đập giữa những thông tin với nhau để mỗi cá nhân đánh giá được đúng, sai. Nếu không hiểu biết, người ta chỉ có thể tiếp thu thông tin một chiều và làm theo. Ví dụ trẻ con thiếu kiến thức sẽ phải nghe lời người lớn, thầy cô; bệnh nhân không hiểu về bệnh tật phải nghe hướng dẫn chữa trị từ bác sỹ.

Muốn phản biện một vấn đề nào đó buộc bạn trẻ phải nắm được thông tin về vấn đề đó. Mỗi ngày dành ra khoảng 30 phút đọc báo giúp chúng ta tăng cường hiểu biết, cập nhật kiến thức của bản thân. Sẽ tốt hơn nếu bạn dành thêm 30 phút nữa để trao đổi một vấn đề nào đó trong nhóm. Anh Tuấn Anh cho biết nhiều người dù không đến các lớp, các câu lạc bộ tranh biện nhưng duy trì thói quen này và kỷ luật với bản thân cũng có tư duy phản biện và tham gia tranh biện rất tốt.

“Vì đơn giản nó là lĩnh vực của họ. Họ nắm chắc kiến thức, lúc này việc thể hiện ra thực ra không quá thách thức. Hãy duy trì việc đọc báo, nghe tin tức hằng ngày nếu bạn muốn có tư duy phản biện”, anh Tuấn Anh Dino phân tích.

Với những trường hợp gặp khó khăn trong việc thể hiện ra bằng ngôn ngữ, chưa tự tin hoặc còn nhiều e ngại có thể bắt nguồn từ việc các bạn mắc lỗi khi còn nhỏ và bị mắng, bị chê cười, thậm chí bị đánh. Điều này khiến các bạn thường sợ sai lầm hay xấu hổ. Để vượt qua sẽ cần dần dần từng bước. Từ việc dám nói với bản thân trước gương, tiếp đến nói với một người bạn, đến nhóm bạn rồi lớn hơn ở sân trường mình, sân trường người khác…Từng thành tựu nhỏ sẽ xây dựng niềm tin cho các bạn trẻ trong việc dám thể hiện bản thân, dám bày tỏ quan điểm trước một vấn đề cụ thể.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung về làm sao để hình thành kỹ năng tranh biện