Ngày 1/5/1972, Quảng Trị được giải phóng. Lúc đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chính quyền cách mạng là chăm lo cho sự nghiệp trồng người.

Một mặt, Quảng Trị sử dụng lực lượng tại chỗ gồm cán bộ, giáo viên đang giảng dạy hoặc đảm nhiệm các công việc khác tại vùng giải phóng tăng cường cho giáo dục. Đồng thời, mở các lớp đào tạo cấp tốc ngành sư phạm để đáp ứng yêu cầu mở lớp. Mặt khác, Quảng Trị đề xuất khẩn cấp với Trung ương xin chi viện con người và các điều kiện cần thiết trước mắt cho giáo dục Quảng Trị.

Đáp ứng lời kêu gọi của Đảng và Cách mạng miền Nam, từ năm 1972 một lực lượng đông đảo cán bộ, giáo viên, sinh viên thuộc 17 tỉnh miền Bắc Xã hội chủ nghĩa như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ, Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình...với hơn 700 người đã tình nguyện xung phong vào chiến trường miền Nam.

Nghe Audio tại đây:

Ra đi không hẹn ngày về

Khi đang học tập tại Trường Trung cấp sư phạm 10+2 Thái Bình, cô Trần Thị Hằng viết đơn tình nguyện đi B và được tuyển chọn lên đường vào Nam. Cán bộ đi B lúc đó phải là người có lý lịch trong sạch, đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe. Lúc đó, cô mới tròn 22 tuổi. Chuyến đi không hẹn ngày trở về khiến gia đình cô lo lắng. Song cô Hằng không giấu được sự vui mừng.

“Ở Thái Bình lúc đó, giặc thả bom đã có người chết ngoài biển, mình nhận thức được sự khốc liệt của chiến tranh. Nhà không có anh em trai đi bộ đội, các em thì còn nhỏ quá nên nhận được lệnh đi B thì tôi sẵn sàng”.

Tháng 4/1972, trước khi đi B, cô Hằng trải qua những ngày tháng đào tạo kỹ, chiến thuật tại T105, khu quân sự Hòa Bình. Ngoài học chính trị, những cán bộ giáo dục được đào tạo bắn súng, ném lựu đạn, leo núi chẳng khác nào những chiến sĩ trước khi ra trận.

“Cứ sáng 6h30 đến 11h30 chúng tôi lại tập leo núi, đeo gạch đi bộ. Quy định mỗi người mang tối đa 42 viên gạch, mỗi viên nặng 2.3 kg, tùy sức. Tối về, chúng tôi được kiểm tra sức khỏe và cân xem mang được bao nhiêu kg”. Hồi đấy, cô Hằng chỉ nặng 37 kg nhưng mang được tận 43 kg.

Sau hơn 3 tháng huấn luyện, từng đoàn xe quân đón đoàn cán bộ đi B lên đường, bắt đầu hành trình vượt Trường Sơn vào Quảng Trị, tất cả đều khẩn trương và bí mật.

Mỗi người được phát 2 bộ quần áo, 1 áo len, 1 đôi dép cao su, một áo mưa, 1 tăng, 1 võng, 1 túi thuốc cá nhân và đặc biệt là một bộ sách giáo khoa cấp 1 gồm 16 cuốn. Trên ba lô còn đeo thêm một ruột tượng đựng gạo và thịt, cá hộp nặng trên dưới 30 kg.

Luyện tập đã vất vả nhưng cô Hằng không tưởng tượng được chặng đường vào Nam khốc liệt và căng thẳng đến vậy. Phần lớn đoạn đường hành quân đi bộ. Cả đoàn gần 100 người cứ lặng lẽ di chuyển cả lúc trời mưa, đường trơn và gió rét. Có đêm mưa tầm tã, mắc võng ngủ ở rừng nhưng không thể nào chợp mắt vì rét. Cứ như vậy, người này ốm thì nhờ người khỏe vác quân trang hộ, người yếu thì được đồng đội dìu đi.

Đội hình đi B chia nhỏ thành các tổ tam tam (3 người) để tránh bị phát hiện. “Tổ 3 người có tôi, cô Sợi và Thầy Linh - người Quảng Trị tập kết ra Bắc rồi dạy ở Trường CĐ Sư phạm Thái Bình. Thầy Linh cao to nên lúc nào cũng giành phần nặng, mang vác hộ chúng tôi”, cô Hằng nhớ lại.

Hành quân đến Nghệ An, cô Hằng và các đồng đội mừng rỡ khi được đi nhờ xe gác 54 nhưng lúc này nhiều người bàn chân đã lở loét, ứa máu, không còn đủ sức để leo lên xe buộc bộ đội phải khiêng lên xe.

Đường vào Nam không có chặng nào yên khi bom đạn luôn chực chờ. “Tiếng bom nổ, khói mù mịt, mùi xăng dầu, mùi tử thi...”, tất cả hiện lên rõ ràng trong ký ức cô Hằng.

“Có lần vượt sông, đoàn phải nằm bờ hơn 1 ngày 1 đêm, không thể qua phà vì bom bi, máy bay tọa độ bổ nhào. Sang đến bờ bên kia, bom vẫn “phụt phụt” sau lưng, chúng tôi ngã dúi dụi, bãi cát bỏng cháy, càng chạy càng lùi. Rồi chúng tôi nghe tiếng hô “giãn ra, giãn ra...”, tiếng cô Tuyết vọng lại “chết một đống còn hơn sống một người”...

Đoàn đi có hơn 100 người, gồm cả đoàn dân chính khác nhưng không phải ai cũng vào được đến Quảng Trị. Nhiều giáo viên hy sinh và bị thương trên đường hành quân. Đến Quảng Bình, chúng tôi nghe thầy giáo Trọng hy sinh, không biết làm thế nào, cô Hằng và các đồng đội chỉ biết dành một phút mặc niệm rồi lại tức tốc lên đường. “Chứng kiến những mất mát, gian khổ trên đường đi, nhiều chị em bật khóc nhưng không dám khóc to”.

Chặng đường nam tiến, những lần cận kề cái chết nhiều vô kể, đến nỗi trở thành quen thuộc. Nhưng đau đớn nhất là những đồng đội kề vai sát cánh ở tổ tam tam hy sinh.

Đặt chân đến đất Vĩnh Linh, Quảng Trị nhưng đoàn cán bộ chưa thể vượt sông để sang bờ nam Bến Hải. Quân địch chặn ta chi viện bằng cách dội bom không ngưng nghỉ. Sau 15 ngày chờ đợi, tổ tam tam gồm cô Hằng, cô Sợi và thầy Linh cũng được vượt sông. “Nhưng chính hôm đó là ngày chúng tôi mất thầy Linh”, giọng cô Hằng run run.

Khi 3 thầy trò theo xuồng gần sang bờ nam sông thì một loạt bom dội xuống, pháo sáng rực lên, lên sát bờ sông, không thấy thầy giáo đâu. Tôi và cô Sợi ôm nhau, gậy Trường Sơn thì vẫn còn đây, o du kích dẫn đường liên tục hối thúc “đi theo tui”.

Về sau, chúng tôi mới biết thầy Linh bị thương nặng và hy sinh. Thầy lúc nào cũng nói giọng Quảng Trị động viên “không có chi mô, đêm nay êm rồi”. Vậy mà vừa về đến đất mẹ thì thầy không còn”, cô Hằng rưng rưng nhớ lại.

Sau 2 tháng rưỡi hành quân, cô Hằng chính thức nhận nhiệm vụ. Ban đầu, khi được phân công cô cứ ngỡ chỉ vào dạy học. Thế nhưng vào đến Quảng Trị, công việc nhiều vô kể. Từ đào hầm, văn nghệ, nông vận, binh vận.

Cô Hằng bạo dạn, gần gũi, nói giọng miền Bắc lại hát hay nên được cả giao nhiệm vụ tuyên truyền, cảm hóa binh sĩ đối phương.

“Quay về đi thôi hỡi anh người lính cộng hòa/ Trong lòng anh biết bao bản tình ca/ Anh có biết không, vợ con anh đau lòng/ Bên mái tranh nghèo mẹ già đang chờ mong...”, đến bây giờ cô Hằng vẫn thuộc lòng những câu ca mình từng hát dọc bờ Thạch Hãn cho đối phương bên kia sông nghe.

Đặt nền móng cho một nền giáo dục mới

“Đất nước thương yêu của chúng ta còn sống trong ách kìm kẹp của Đế Quốc Mỹ. Ngồi yên sao được khi đất nước chìm đắm trong lao tù? Ngồi yên sao được khi bao em nhỏ của chúng ta không biết chữ”...

Đó là một đoạn trong lá đơn tình nguyện vào B của cô Nguyễn Thị Yên (giáo viên Trường Đông Thái, Ba Đình, Hà Nội). Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong một gia đình có truyền thống cách mạng nên nguyện vọng đi B của cô Yên được cả gia đình ủng hộ.

Tháng 6-1973, tròn 20 tuổi, cô Yên bắt đầu hành trình vào Nam sau khi được đào tạo tại Trung tâm bồi dưỡng T105, Bần Yên Nhân, Hưng Yên.

Huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị - nơi cô Yên nhận công tác vốn là vùng đất trù phú nhưng những năm chiến tranh ruộng đồng đều bỏ hoang nên ngoài làm nhiệm vụ dạy học, cô Yên và các cán bộ còn thuyết phục, hướng dẫn bà con làm nông nghiệp.

Để người dân tin tưởng, họ cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng lội ruộng cấy lúa, cuốc đất, làm nhà...

Chỉ trong thời gian ngắn, những lớp học tạm thời được dựng lên. Mỗi ngày, cô Yên dạy 3 ca: sáng- chiều dạy cho học sinh, tối thì dạy bổ túc văn hóa. Ngoài ra, cô còn có nhiệm vụ đào tạo cấp tốc cho những giáo viên lưu dung (giáo viên chế độ cũ ở lại vùng giải phóng) để cùng dạy học trò.

Sau ngày 30/4/1975, trước những đòi hỏi cấp bách của ngành giáo dục Quảng Trị, cô Yên tiếp tục ở lại xây dựng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa cho đến năm 1978. Hoàn thành nhiệm vụ trở về, đoàn cán bộ vào B năm đó người còn, người mất, người bị thương tật do chiến tranh và đa số họ vẫn cống hiến cho sự nghiệp giáo dục cho đến lúc nghỉ hưu.

3 lần trở lại chiến trường Quảng Trị, cô Yên phấn khởi khi học trò cũ vẫn còn nhớ đến mình. Nhìn thấy những lớp học khang trang, học trò được tự do học tập trong nền hòa bình, cô Yên cảm thấy tự hào vì đã góp sức mình cho nền giáo dục nơi đây.

Cứ gần đến 30/4, học trò cũ của cô Trần Thị Hằng lại gọi điện hỏi thăm “cô có vào Quảng Trị không?”, rồi họ ôn lại những ngày gian khổ, khốc liệt nhất./.