Sáng 09/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhà giáo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như tầm nhìn của thế giới đều xác định lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, cốt lõi nhất quyết định chất lượng giáo dục. Vì vậy, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu là việc sống còn của ngành Giáo dục.
"Nếu phát triển giáo dục và đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước, thì phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu đột phá trong đột phá chiến lược ấy", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Bằng việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định một số bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay sẽ được tháo gỡ, như tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ đối với các cấp học mầm non, phổ thông diễn ra nhiều năm nay, những bất cập đối với công tác quản lý đội ngũ nhà giáo ngoài công lập...
Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ nhà giáo cơ bản sẽ có sự đồng bộ trong toàn hệ thống khi có hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp, các yêu cầu về đạo đức nhà giáo được quy định thống nhất. Một số chính sách đặc thù, có tính chất đột phá sẽ được tính toán nhằm tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo phát triển.
Lương của nhà giáo được xếp cao nhất và có phụ cấp ưu đãi nghề
Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 09 chương, 50 điều, quy định về những nội dung cơ bản. So với quy định hiện hành tại các Luật liên quan như Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ luật Lao động, dự thảo Luật Nhà giáo có một số điểm mới.
Dự thảo đề xuất giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục chủ trì trong tuyển dụng nhà giáo.
Quy định việc tuyển dụng nhà giáo đảm bảo phải có thực hành sư phạm nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo.
Ngoài ra, các chính sách điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được quy định đầy đủ, làm căn cứ để bố trí, phân công nhà giáo phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp và các yêu cầu của ngành Giáo dục.
Liên quan đến chính sách tiền lương của Nhà giáo, dự thảo Luật kiến nghị lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.
Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.
Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt... và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác.
Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Đối với tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Trong đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.
Đánh giá kỹ tác động giảm tuổi nghỉ hưu giáo viên mầm non
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà giáo do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày tán thành sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Đối với tuyển dụng nhà giáo giáo quy định tại dự thảo Luật, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa-Giáo dục nhất trí quy định việc tuyển dụng nhà giáo vào các cơ sở giáo dục công lập thực hiện theo Luật Viên chức, tuyển dụng nhà giáo vào các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, đồng thời phải tuân thủ các quy định của Luật Nhà giáo; đồng tình việc giao quyền và trách nhiệm đầy đủ hơn cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo.
"Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị phân biệt rõ đối tượng được đặc cách, đối tượng được ưu tiên trong tuyển dụng; rà soát hệ thống pháp luật để quy định đầy đủ trường hợp đối tượng không được đăng ký tuyển dụng", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu.
Cùng với chính sách tuyển dụng nhà giáo, Ủy ban Văn hóa-Giáo dục cũng tán thành quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH trong quản lý nhà nước về nhà giáo.
Ông Vinh cho rằng, đây là chính sách mới, tạo điều kiện để ngành Giáo dục chủ động trong việc điều động, luân chuyển, sắp xếp giáo viên giữa các địa bàn; khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên.
Ủy ban Văn hóa-Giáo dục đề nghị cân nhắc việc giao thẩm quyền cho các cơ quan này trong việc chủ trì, phối hợp điều phối nhà giáo công tác trong trường của lực lượng vũ trang nhân dân.
Liên quan đến chế độ nghỉ hưu của nhà giáo, Ủy ban Văn hóa-Giáo dục nhất trí quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn (không quá 05 tuổi) so với quy định của Bộ luật Lao động và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ trước tuổi.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đắc Vinh cần đánh giá tác động kỹ về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách này.
Về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban nhất trí với quy định trong dự thảo Luật và cho rằng đây là nội dung quan trọng, cần thiết để thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng, nhất là Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.