Tuy nhiên, nhìn từ góc độ dạy văn và luyện thi, các giáo viên Ngữ văn lại đưa ra những quan điểm khác.
Th.s Phạm Thị Kim Anh, giáo viên Ngữ Văn trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành khẳng định cấu trúc đề không có vấn đề gì khi đề thi Ngữ văn nói chung, nghị luận văn học nói riêng bám rất sát với đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế học sinh sau khi thi về, cô Kim Anh cho rằng một phần do các em đặt kỳ vọng hay “học tủ” theo cách thông thường vẫn gọi đã đặt lệch trọng tâm sang các tác phẩm khác như “Người lái đò Sông Đà”, “Vợ chồng A Phủ”… “Vợ nhặt” với nhiều em chỉ xếp vào diện dự phòng. Bởi lý do này, không ít thí sinh có chút bất ngờ khi nhận đề thi.
Ở góc độ người dạy Ngữ văn, cô Kim Anh cũng thừa nhận đoạn trích tác phẩm đưa vào đề thi không “đắt” khi không có quá nhiều yếu tố để học sinh có thể khai thác.
“Trong tác phẩm này, nếu như mà người ra đề chú ý đến phương diện mang yếu tố tích cực nào đó, mang tính giáo dục nó cao một chút sẽ vẫn lựa chọn đoạn sáng hôm sau nhưng trúng vào những cảm nhận của anh cu Tràng khi thức dậy, cảm nhận được những sự thay đổi xung quanh mình, cảm nhận sự thay đổi của mẹ, của vợ và đặc biệt cảm nhận sự thay đổi của chính mình. Đoạn này sẽ hay hơn, có nhiều thứ để thí sinh dễ triển khai hơn đồng thời thể hiện rõ tư tưởng tác phẩm về cái nhìn lạc quan, cơ hội đổi đời, hướng đi mới cho nhân vật”, cô Kim Anh phân tích.
Nhưng đứng từ góc độ người ra đề, cô Kim Anh lại cho rằng đoạn trích đó sẽ bị coi như quá quen thuộc nếu đưa vào đề thi. Việc đề thi lựa chọn đoạn trích vốn không được chú ý nhiều lắm sẽ đem đến giá trị trong việc phân hóa thí sinh. Những em học tủ, học lệch sẽ khó lòng làm đến nơi đến chốn.
Tuy nhiên, nếu các em nắm chắc kỹ năng phân tích một đoạn trích hoàn toàn có thể hoàn thành phần thi này ở mức độ khá. Bởi lẽ đó, không thể coi phần câu hỏi nghị luận văn học là thách thức, cô Kim Anh nhận định.
Thầy giáo Vũ Thanh Hòa, giáo viên trường THPT Thăng Long, Hà Nội khẳng định đề thi Ngữ văn 2023 tương đối "ổn", có nhiều điểm khá bất ngờ và có độ rộng vừa phải. Phần nghị luận xã hội nắm bắt đúng và trúng vấn đề của xã hội hiện đại. Đó là kiểm soát và cân bằng cảm xúc cá nhân.
“Nghị luận văn học nhiều người nói cũ kỹ, lạc hậu nhưng thực ra thì không có tác phẩm cũ. Bởi vì những tác phẩm kinh điển đã đi cùng chiều dài lịch sử, ghi lại dấu ấn cuộc sống đồng thời lại nằm trong hệ thống tác phẩm sẽ thi trong nhiều năm theo chương trình hiện hành nên kiểu gì cũng có sự lặp lại”, thầy Hòa khẳng định.
Có những phản ứng với đề thi môn Ngữ văn năm nay như vậy theo thầy Hòa xuất phát từ việc đoạn trích không phải quá quen thuộc với học sinh nhưng lại tạo ra được cái điểm mới cho đề khi tạo độ mở. Quan trọng nhất câu hỏi không yêu cầu phân tích một luận đề nào. Việc yêu cầu phân tích đoạn trích cho phép các em được lựa chọn nhiều hướng khác nhau để triển khai như phân tích nhân vật, nội dung hoặc nghệ thuật.
Đề thi Ngữ văn năm 2023 có thể đánh giá chưa thực sự hay nhưng đảm bảo sự ổn định về kết cấu, nội dung và còn đạt tới mục tiêu phân hóa tốt thí sinh.
Việc đổi mới hoàn toàn đề thi theo hướng mở theo thầy Hòa sẽ dành cho lứa thí sinh theo học chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, bắt đầu từ 2K7 đang kiểm tra, đánh giá, thi cử các tác phẩm ngoài sách giáo khoa.