Báo cáo Tương lai việc làm của diễn đàn kinh tế thế giới tháng 10 năm 2020 cho biết, đại dịch Covid-19 khiến cho số lượng việc làm mất đi sẽ vượt qua số lượng “việc làm của tương lai” được tạo ra.

Không chỉ vậy, 40% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ sẽ giảm lực lượng lao động do tích hợp công nghệ, 94% lãnh đạo doanh nghiệp báo cáo rằng họ mong đợi nhân viên có thêm các kỹ năng mới trong công việc, tăng mạnh so với mức 65% vào năm 2018… điều này dự báo trong vòng 5 năm tới sẽ thiếu hụt nguồn lao động có kỹ năng.

TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá, thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 cộng với nỗ lực cải cách giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Dự báo sẽ có 5 lĩnh vực mà các tập đoàn có xu hướng dịch chuyển đầu tư vào nước ta trong thời gian tới là công nghệ thông tin và công nghệ cao, công nghệ phụ trợ, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, hàng tiêu dùng và bán lẻ.

“Giáo dục nghề nghiệp cần phải chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, vừa góp phần dọn tổ đón "đại bàng", vừa tranh thủ thời cơ dân số vàng, vừa thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” – TS. Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

Bà Đào Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc văn phòng Tổng giám đốc, công ty TNHH Canon Việt Nam cho rằng chất lượng, trình độ kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều trong những năm qua. Tuy nhiên, trước dự báo làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI vào Việt Nam thì kỹ năng lao động vẫn phải nâng tầm hơn nữa.

“Không chỉ đào tạo về kỹ năng nghề mà phải đào tạo cả ý thức cho người lao động tương lai. Thậm chí đào tạo cả năng lực quản lý để người lao động có thể lãnh đạo được một nhóm, một tổ sản xuất của mình đạt được mục tiêu sản xuất, tránh việc doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian đào tạo lại người lao động” – Bà Đào Thị Thu Huyền nêu quan điểm.

Theo các nhà tuyển dụng, các kỹ năng và nhóm kỹ năng dẫn đầu đến năm 2025 bao gồm các tư duy phản biện, phân tích, giải quyết vấn đề và các kỹ năng trong quản lý bản thân như học tập tích cực, khả năng phục hồi, chịu đựng áp lực công việc và sự linh hoạt…

Trước cơ hội và cả thách thức của làn sóng dịch chuyển FDI tại Việt Nam, ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng cần phải chuẩn hóa người lao động và công nhận kỹ năng người lao động thông qua bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.

“Chúng ta chuẩn hóa theo nhu cầu của thị trường lao động, theo nhu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh. Quá trình đào tạo cũng cần phải dựa vào đó để thích ứng, phù hợp với thực tế… và việc đào tạo kết hợp cả đào tạo tại nhà trường, tại doanh nghiệp và bản thân người lao động cũng phải tự đào tạo” – ông Nguyễn Chí Trường cho hay.