Trong thời đại mà “thính ở đâu thính bay lung tung” thế này, sểnh một cái là chúng ta có thể bắt gặp ngay một câu thả thính, một lời tỏ tình từ một người bạn cùng lớp, cùng trường, một người quen trên mạng thậm chí là cả đứa bạn thân của mình.

Thật tốt nếu bạn nhận được sự yêu quý, quan tâm của người khác. Nhưng nếu bạn đang không thật sự hướng về đối phương thì lại là vấn đề khá khó khăn, thậm chí là khó chịu. Nếu rơi vào tình huống này, bạn sẽ làm thế nào để “né thính” một cách tinh tế?

Muôn kiểu “né thính”

Có vẻ ngoài điển trai, Hùng Huy – sinh viên một trường ĐH Kinh tế ở Hà Nội được nhiều bạn crush. Ngày lễ tình nhân năm ngoái, Huy được một cô nàng cùng khoa tặng socola do chính tay mình làm. Thế nhưng, do không thích nên cậu đã chia hết số socola đó cho các bạn cùng lớp. Nghe có vẻ phũ phàng nhưng Huy nói rằng đó là cách để bạn gái đó không còn hy vọng.

Từng được một bạn nam “thả thính”, tối hay chúc ngủ ngon, thả những icon đáng yêu trong các dòng tin nhắn nhưng Thanh Hương – sinh viên Khoa báo chí luôn khó chịu với những hành động đó dẫu không nói thẳng. Trong một lần, bạn nam kia mời đi ăn tối vì còn nhiều phân vân nên Thanh Hương đã nhận lời. Tuy nhiên đến giờ hẹn, Hương “quên” khuấy buổi hẹn và cho bạn nam leo cây. Hương nói rằng, nếu không muốn phát triển mối quan hệ thì phải biết “bơ” nó đi.

Nguyên Hạnh, nữ sinh trường ĐH Sư phạm Hà Nội từng được rắc rất nhiều “thính”. Mẫu bạn trai lý tưởng của cô nàng là những chàng trai “bên ngoài lạnh lùng, bên trong ấm áp”. Như một trò đùa, Hạnh luôn phải từ chối “thính” của những người nồng nhiệt nhất. Mỗi lần như vậy, Hạnh sẽ tỏ rõ thái độ khó chịu và dứt khoát luôn.

Còn Nguyễn Hoa, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội thì chuẩn bị hẳn một bài “né thính”. Nếu họ bày tỏ cảm xúc “mình có thể làm người yêu của Hoa không? Ước gì mình có người yêu như Hoa”, thì em sẽ nói luôn là thực sự chúng ta chỉ nên làm bạn, nếu chúng ta muốn nói chuyện với nhau nữa thì mình chỉ dừng ở mức độ này, còn nếu tiến xa hơn thì mình không nói chuyện nữa”. Hoa cho biết kết quả sau những lời từ chối đó thì nhiều người vẫn tiếp tục nói chuyện nhưng cũng có những người “mất tích” luôn.

Từ chối nhưng tránh việc hạ thấp đối phương

Theo Chuyên gia tâm lý Phùng Năm, giáo viên Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội, mỗi người sẽ có cách từ chối khác nhau tùy vào độ tuổi, tính cách và mối quan hệ giữa người “rắc thính” và “né thính”.

Tránh né, ngó lơ là cách nhiều bạn sử dụng vì “sự im lặng đôi khi cũng là câu trả lời”.

Trong trường hợp không tỏ rõ thái độ thì rất có thể bạn chưa biết mình có nên vun đắp thêm mối quan hệ này không không, bạn muốn quan sát để hiểu rõ hơn tình cảm của chính mình.

Trong khi đó, việc thẳng thừng từ chối nếu không khéo có thể làm cho người nhận lời từ chối tổn thương. “Có thể người nhận thông điệp hiểu rằng tôi không đủ tốt, tôi không xứng đáng. Lời từ chối không khéo có thể làm cho người kia co lại, nghi ngờ về giá trị của bản thân mình”. Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý Phùng Năm cho rằng, trong một số trường hợp, đôi khi người ta chỉ từ bỏ khi hết hy vọng để xây dựng mối quan hệ khác thực sự dành cho họ.

Điều không nên khi nói câu từ chối theo chuyên gia tâm lý Phùng Năm là tránh phủ nhận hết giá trị của người kia, nêu ra những điểm yếu, điểm xấu và hạ thấp họ để từ chối.

Làm sao để từ chối lịch sự?

Thẳng thắn là điều chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Bình khuyến khích các bạn trẻ khi gặp những người tỏ tình mà mình chưa thích. “Nếu không thích thì từ chối ngay từ đầu để đối phương không chờ đợi, không hy vọng nhưng trạng thái từ chối cũng nên nhẹ nhàng đừng kiêu chảnh quá, tránh tình trạng bên kia khó chịu. Tuy vậy, cũng có những đối tượng dai dẳng đôi khi cần phải nhờ người khác can thiệp”.

Để “né thính” hiệu quả theo chuyên gia tâm lý Phùng Năm trước tiên bạn nên bớt “rắc thính” lung tung. Nếu bạn có nhiều người quan tâm, chú ý thì cách né thính đơn giản là “từ chối nhẹ nhàng thôi”.

“Hãy cảm ơn những quan tâm, những ưu tiên đặc biệt mà họ dành cho bạn. Tuy nhiên cũng thể hiện rõ giai đoạn này mình đang ưu tiên cho những điều khác hoặc đơn giản chỉ là câu chuyện của cảm xúc. Mình cảm thấy cảm xúc của mình không hướng về phía bạn nên mình không thể dối lòng để bắt đầu mối quan hệ với bạn”.

Với người không thân thiết, cách từ chối có vẻ đơn giản hơn nhưng với những “friendzone” việc mở lời sẽ tương đối khó khăn. Chuyên gia tâm lý Phùng Năm cho rằng, khi đã là bạn bè, họ và bạn đã có sự thấu hiểu nhất định. Do vậy, khi đưa ra lời tỏ tình, đối phương chắc chắn đã suy nghĩ, đắn đo, cân nhắc nhiều và đã đã chấp nhận “rủi ro”.

Trong trường hợp phải đối diện với lời tỏ tình của “friendzone”, nhiều bạn lo lắng nếu từ chối thì có thể mất đi tình bạn đã vun đắp mãi mãi. Tuy nhiên, việc chia sẻ lý do từ chối một cách cởi mở, chân thành sẽ khiến đối phương hiểu cho sự lựa chọn của mình. Dẫu vậy, sau lời từ chối này, bạn phải chấp nhận việc không thể ngay lập tức mọi thứ quay trở lại bình thường và chúng ta sẽ phải xây dựng một mối quan hệ kiểu “bình thường mới”.

“Quan trọng nhất mình phải làm việc bản thân mình trước, biết rõ mình cần gì, muốn gì và điều được - mất là gì. Biết rõ bản thân thì bạn sẽ đưa ra lựa chọn phù hợp và có cách ứng xử khác nhau trong từng tình huống. Lúc đó, lời từ chối đã có sự cân nhắc, có sự lựa lời và nghĩ cho cảm xúc cho người kia”, chuyên gia tâm lý Phùng Năm chia sẻ.

Nghe chương trình Hành trang trẻ tại đây: