Mẹ nam sinh bị đánh hội đồng: “Sao ngày nào mẹ cũng hỏi mà con không nói?”

5 ngày nay, chị Kiều Thị Mai gác mọi công việc để chăm sóc con trai đang điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai. Chị Mai là mẹ của em K, học sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng, Huyện Thạch Thất, Hà Nội bị bạn học cùng lớp đánh hội đồng. Chị Mai cho biết, con trai vẫn trong tình trạng hoảng loạn, đôi khi không nhận ra bố mẹ và chị gái. “Ai đến chơi thì cháu gọi là côn đồ xấu, bố thì nói là côn đồ tốt”.

Trước đó, khoảng giữa tháng 9, khi đang làm việc thì chị Mai nhận được cuộc gọi của con liên tục kêu đau đầu. Gia đình vội vàng đưa cháu lên bệnh viện Bạch Mai khám, sau đó chuyển về điều trị ở bệnh viện Phúc Thọ 2 ngày. Khi về nhà, cháu tiếp tục hoảng loạn, co giật, la hét, kêu cứu, đập đầu vào tường.

Thấy không ổn, gia đình tiếp tục đưa con lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, bác sĩ kết luận K. bị sang chấn tâm lý, rối loạn phân ly. Lúc đó, chị Mai mới ngỡ ngàng khi con kể bị bạn học bạo hành nhiều tháng liền. Cháu K điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương 2 đợt, đợt 1 kéo dài 13 ngày, đợt 2 kéo dài 10 ngày. Tuy nhiên khi về đến nhà, cháu tiếp tục trở nặng và phải chuyển ra bệnh viện Bạch Mai.

Con trai chị Mai là nạn nhân trong đoạn clip bắt nạt học đường lan truyền trên mạng xã hội thời gian vừa qua. Sự việc được xác định xảy ra giữa tháng 6 nhưng đó không phải là lần đầu cháu bị đánh. Đáng nói, dù bị bắt nạt nhiều lần, nam sinh lớp 7 vẫn không kể với gia đình. “Nó đánh từ năm ngoái đến giờ nhưng nó dọa nên con không nói, gia đình không biết. Nghe con kể lại là các bạn ấy đông lắm, to hơn con. Nó dọa mày phải kín, mày mách ai tao đánh chết mà còn hội đồng thêm. Năm nay nó đánh ngày 2 trận. Sao ngày nào mẹ cũng hỏi mà con không nói”, chị Mai day dứt.

Theo chị Mai, trước đây con từng có dấu hiệu sợ đi học, chỉ muốn đến trường sát giờ vào lớp. Có lần, cô giáo bảo không thấy con đi học, hỏi cháu thì cháu bảo 2h mới vào học đi sớm để làm gì. Lúc đó, cứ nghĩ con càng lớn thì thay đổi thôi”.

Cũng theo lời người mẹ, nam sinh lớp 7 từng nhiều lần bị nhóm bạn bắt nộp một khoản tiền mỗi tháng. Nếu không, cháu sẽ bị đánh. “Nó bắt 1 tháng nộp 70 nghìn, đến tháng không trả thì tính lãi, tháng sau phải trả 150 nghìn. Cháu đóng 150 nghìn rồi, tháng tiếp trăm rưỡi con không có tiền nên hóa gây gổ đánh nhau thế đấy”.

Không thể xao nhãng dạy người

Thời gian qua, số vụ bạo lực học đường có xu hướng gia tăng với tính chất ngày càng nguy hiểm. Theo TS. Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục, về mặt nhận thức, chúng ta cố gắng tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, hạn chế tối đa bạo lực học đường nhưng không thể nào làm nó biến mất hoàn toàn khỏi môi trường học đường.

Xét về mặt tâm lý, con người luôn tồn tại sự khác biệt. Học sinh đang trong giai đoạn phát triển nhân cách, sự khác biệt là mầm mống nảy sinh mâu thuẫn, chỉ là nhiều hay ít, mức độ nguy hiểm đến đâu và chúng ta kiểm soát thế nào.

Theo nghiên cứu, tỷ lệ học sinh THCS và THPT có hành vi bạo lực cao hơn lứa tuổi tiểu học. Đặc biệt, học sinh THCS đang trong giai đoạn dậy thì, trưởng thành, chuyển tiếp sang người lớn. Do đặc điểm về hệ thần kinh, tâm lý nên nguy cơ bạo lực đối với lứa tuổi này càng cao. Với xu hướng khẳng định cái tôi cá nhân nên khi gặp những điều kiện không kiểm soát được dễ nảy sinh những hành động xung đột.

Hàng loạt vụ bạo lực học đường xảy ra khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng trong thời gian dài chúng ta chú trọng dạy kiến thức, chạy theo thành tích mà xao nhãng việc dạy người?

Chia sẻ về quan điểm này, TS. Hoàng Trung Học cho rằng cần phải có đánh giá toàn diện nhưng bằng cảm quan của người làm giáo dục, ông cho rằng bệnh thành tích của chúng ta còn nặng nề.

Các nhà trường, cha mẹ khi đưa con đến trường lớp, việc đầu tiên quan tâm đến là điểm số, thành tích. Tuy nhiên, giáo dục con người và để con người trưởng thành cần cả phẩm chất, năng lực. Hình thành phẩm chất còn khó khăn gấp bội so với hình thành năng lực. Tuy vậy, chúng ta lại thường xem điểm số, thành tích là tiêu chí đánh giá thành công và sự phát triển của đứa trẻ.

TS. Hoàng Trung Học cho rằng, cần nhìn nhận lại cách đánh giá thành tích của đứa trẻ, chất lượng giáo dục trong nhà trường. Từ trước đến nay chúng ta thường đo bằng điểm số, giải thưởng khiến tâm thế nhà quản lý, tâm thế các thầy cô cũng sẽ chú trọng điều đó, xao nhãng việc rèn người, rèn đạo đức, lối sống, nhân cách con người. “Không chỉ thành tích học tập mà phẩm chất, nhân cách, đạo đức làm người quan trọng hơn trong sự trưởng thành của một đứa trẻ”.

Trước hết phải cải tiến văn hóa ứng xử của toàn xã hội

Hành vi bạo lực của đứa trẻ là sản phẩm tác động của rất nhiều nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp. Theo TS. Hoàng Trung học, yếu tố ảnh hưởng gián tiếp đến hành vi bạo lực của đứa trẻ là văn hóa, kinh tế - xã hội, truyền thông.

Tác động cụ thể, trực tiếp hơn là môi trường gia đình, nhà trường, tập thể lớp, nhóm bạn. Nguyên nhân tác động trực tiếp nhất là đặc điểm tâm lý cá nhân, kỹ năng đối mặt và giải quyết mâu thuẫn, sự quan tâm trực tiếp của bố mẹ và thầy cô trong việc phòng ngừa.

Những yếu tố trên cho thấy "chiến lược" giải quyết căn cơ vấn đề bạo lực học đường đầu tiên là cải tiến, thúc đẩy văn hóa ứng xử của toàn xã hội.

Tiếp theo, phải tạo ra môi trường lành mạnh về mặt truyền thông, văn hóa. TS. Hoàng Trung Học nhấn mạnh, hiện nay môi trường mạng đang có ảnh hưởng lớn tới giới trẻ.

Phải thực sự xây dựng được trường học hạnh phúc để điều chỉnh hành vi, thay đổi văn hóa ứng xử của học trò, môi trường nhà trường tốt thì hành vi bạo lực sẽ được kiểm soát.

TS. Hoàng Trung học cũng cho rằng, phải phát huy được vai trò của phòng tham vấn học đường trong nhà trường. Phát huy tối đa vai trò của giáo viên chủ nhiệm. “Các thầy cô phải tâm huyết, làm hết mình và lấy chiến lược phòng là chính chứ đừng để vụ việc xảy ra mới bắt đầu “chống”.

Ngoài ra, phải thay đổi nhận thức về chất lượng giáo dục, coi phẩm chất đạo đức, giáo dục lối sống của một học sinh quan trọng không kém thành tích học tập. Coi đây là một tiêu chí quan trọng cần ưu tiên hàng đầu trong việc giáo dục con người.

Cuối cùng bản thân đứa trẻ phải được giáo dục những kỹ năng cụ thể để nhận biết và ứng phó với bạo lực học đường.

Với những giải pháp căn cơ và có sự nỗ lực của nhiều bên mới kiểm soát được bạo lực học đường. “Nếu chúng ta chỉ làm những sự vụ cụ thể thì mãi mãi chỉ là“chữa cháy” nhưng không giải quyết được triệt để. Ngăn chặn bạo lực học đường cần nhiều nỗ lực và thời gian”, TS. Hoàng Trung Học nói.