Dịp Tết nhiều khi trở thành thời điểm giáo viên dồn cho học sinh những nội dung kiến thức chưa chắc. Trong khi đó, nhiều giáo viên giao bài tập Tết với tâm lý không muốn học trò lơi lỏng nề nếp. Điều này biến Tết từ khoảng thời gian “xả hơi” trở thành “học kỳ phụ”.

Nên thay đổi quan niệm giao bài tập Tết?

Ngày nay, với nguồn tri thức sẵn có và dễ dàng tìm kiếm qua mạng internet, học sinh thường chủ quan và không còn cảm thấy hứng thú. Ra Tết, nhiều học sinh xuất hiện hội chứng trầm buồn sau kỳ nghỉ lễ vì không có việc gì làm, không sẵn sàng sàng tâm thế nhập cuộc. Do vậy, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng bài tập Tết vẫn cần thiết. Tuy vậy, quan niệm về bài tập Tết phải được mở ra. Giao bài tập về nhà cần phải có nghệ thuật để khiến học sinh cảm thấy hứng thú, tò mò, muốn chinh phục những điều mới và tự giác làm.

Thay vì giao bài tập kiểu truyền thống, PGS.TS Trần Thành Nam ủng hộ việc đưa ra các nhiệm vụ cho học sinh theo từng lứa tuổi, cấp học khác nhau. Ví dụ như tìm hiểu ý nghĩa phong tục, tập quán ngày Tết của gia đình; tham gia một hoạt động cùng với cả gia đình để học thêm một kỹ năng mới. Qua những hoạt động đó, học sinh tự đánh giá và báo cáo quá trình. Học sinh cũng có thể thực hiện những nhiệm vụ mang tính chất sáng tạo như viết nhật ký, sáng tác hoặc lên kế hoạch....

Việc thực hiện nhiệm vụ này cũng chính là cách trao cho học sinh trách nhiệm tự định hướng, tự tìm hiểu, triển khai, tự đánh giá..."Nếu mà làm được như vậy thì các bạn ấy sẽ có thêm được kỹ năng tự học”.

Thầy cô sáng tạo trong cách giao nhiệm vụ sẽ tạo ra những cảm xúc tích cực cho học trò – điều mà nền giáo dục mới hướng tới. “Chúng ta không chỉ có giáo dục về mặt nhận thức, còn phải giáo dục cả về mặt xã hội và mặt cảm xúc, thái độ”.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, nhiệm vụ mà các thầy cô giao về nhà cần phải cân đối để Tết thực sự là không gian ý nghĩa với các em. Các nhiệm vụ có thể liên quan đến vận động để duy trì sức khỏe, tạo động lực phấn chấn sau kỳ nghỉ lễ. Nhiệm vụ ở đây còn liên quan đến mặt cảm xúc. Học trò được thực hiện những sở thích của mình mà cả năm bận rộn chưa thực hiện được.

Một nhiệm vụ quan trọng mà PGS.TS Trần Thành Nam nhắc đến là kết nối với gia đình và người thân. Cuối cùng là những nhiệm vụ liên quan đến nhận thức. Đó là học sinh phải lên kế hoạch chuẩn bị bắt đầu tuần mới như: viết ra kế hoạch của năm mới, tự tạo ra một số hoạt động bắt nhịp cuộc sống thường ngày. Tùy vào từng thời điểm, độ tuổi để cân đối hợp lý các nhóm hoạt động.

Với học sinh càng lớn, nhiệm vụ được giao càng mở để các em có thể tự định hướng, lên kế hoạch, tự quản lý. Điều này cũng khiến cho học sinh có cảm giác rằng đây không phải là một dạng bài tập mà là mục tiêu do mình đặt ra và cố gắng hoàn thiện bằng được.

Với chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng ta đã chuyển từ việc tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực và phẩm chất. Ngay cả kiểm tra, đánh giá cũng có nhiều bước tiến theo hướng đánh giá toàn diện. Học sinh hoàn toàn có thể đưa ra những cảm nhận mới mẻ, cá nhân hóa dựa trên góc nhìn sáng tạo mà không phải “đóng đinh” trong những đáp án đúng - sai.

Nghỉ Tết dài, học sinh có chóng quên việc học?

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng với trên dưới 10 ngày nghỉ lễ, học sinh khó có thể quên đi thói quen học tập trước đó. Tết sẽ là quãng nghỉ tuyệt vời để tái tạo sức khỏe tinh thần, vừa có thể tạo môi trường giúp những đứa trẻ có ý tưởng sáng tạo cho tương lai.

“Tôi nghĩ rằng là nghỉ Tết là một cơ hội để chúng ta có thể làm được rất là nhiều việc có giá trị. Ở một góc độ nào đó, đây là cơ hội để các bạn làm phong phú trải nghiệm của mình. Trách nhiệm của các thầy cô chỉ là cái người truyền cảm hứng, định hướng để các bạn tự xác định được nhiệm vụ mà mình hoàn thành trong Tết. Đấy là bài tập tốt nhất. Hãy để cho cái Tết xảy ra với một cái phong cách tự nhiên nhất và con cái có thể trải nghiệm được cái Tết một cách trọn vẹn nhất, vui vẻ nhất”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Chuyên gia giáo dục - TS Nguyễn Thụy Anh nhớ lại “lúc nhỏ, mỗi lần được nghỉ Tết chúng tôi rất là hạnh phúc. Nhưng nghĩ đến một "núi" bài tập đang chờ đợi thì hạnh phúc đấy biến mất”.

Năm nay, học sinh các địa phương trên cả nước được nghỉ từ 7-15 ngày. Điều này khiến nhiều người lớn lo lắng học sinh sẽ quên kiến thức và thói quen học tập. TS Nguyễn Thụy Anh cho biết, ở nhiều nước tiên tiến, học sinh có nhiều kỳ nghỉ nhỏ. Đấy là lúc mà các bạn được tạm thời dừng lại những hoạt động học tập quen thuộc để tái tạo lại năng lượng.

TS Thụy Anh cho rằng không nên biến kỳ nghỉ Tết thành “học kỳ thứ 3”. Việc giao bài tập cho các em cũng nên tiến hành ở một cái trạng thái khác. Đó là những bài tập giúp học sinh có sự trải nghiệm mạnh mẽ hơn, tương tác nhiều hơn với gia đình và cảm nhận mùa xuân đến như thế nào.

Đây là lúc đầu óc được tạm thời ở trong trạng thái “trống rỗng” trong ngoặc kép. Tuy vậy, chúng ta nghỉ học tạm thời nhưng không dừng tư duy. Học sinh được nghỉ ngơi nhưng lại có cơ hội để tiếp nhận những thông tin khác ngoài bài học. TS Thụy Anh cho rằng, phụ huynh không nên lo lắng bởi vì 7 -10 ngày nghỉ không khiến trẻ quên kiến thức, kỹ năng. Trái lại, việc nghỉ ngơi, thư giãn trong ngày Tết là điều cần thiết để các em có thể khởi đầu một chu trình học tập mới đầy năng lượng.

Nghe chương trình tại đây: