​​​​​​Người trẻ dễ dính bẫy "việc nhẹ lương cao"

Chị H. kể khi là sinh viên năm thứ nhất, chị đã suýt trở thành nạn nhân của đa cấp trá hình: "Tôi thấy quảng cáo về việc bán hàng, lương 8 triệu/tháng nên gọi theo số điện thoại thì một chị mời đến công ty. Tôi đến thì mới biết công ty đa cấp. Họ vẽ ra tương lai rất tươi sáng. Khi đó, tôi không có tiền nhưng họ nói muốn tham gia công ty thì bắt buộc phải mua 1 món hàng, giá tầm khoảng 7 triệu. Họ còn bảo tôi giới thiệu cho người thân, bạn bè... để mở ra 5 tài khoản sâu cho mình và phải giúp những người đó mở ra những tài khoản khác nữa.”

Khi đó, chị H. đã đủ tỉnh táo để không tham gia nhưng không ít sinh viên đã dính vào bẫy kinh doanh đa cấp biến tướng. Họ bị mê muội trong các buổi tọa đàm, giảng giải với những viễn cảnh kiếm tiền dễ dàng, thu nhập cao, cơ hội thăng tiến vượt bậc, nhanh chóng mua được nhà lầu, xe hơi..., cuối cùng là bị bắt đóng tiền mua hàng, mua sản phẩm và bị chiếm đoạt. Không chỉ vậy, kinh doanh đa cấp biến tướng còn dụ dỗ để những người đã bị lừa lôi kéo thêm nhiều người khác bị lừa theo.

Em Vũ Thị Hà Giang – sinh viên năm thứ 4 khoa Pháp, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng nhiều sinh viên bị lừa tham gia vào các mô hình đa cấp trá hình có thể vì mong muốn tìm việc quá gấp gáp hay khó khăn về mặt kinh tế nên khi thấy lợi nhuận ngay trước mắt, các bạn không kiềm chế được bản thân, dù biết rủi ro.

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ còn bị dụ dỗ bởi cái bẫy “việc nhẹ lương cao” khi tìm kiếm cơ hội việc làm thông qua mạng xã hội. Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Yên Bái phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã tiếp nhận 6 công dân Việt Nam do cơ quan chức năng Thái Lan trao trả qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Các công dân này có tuổi đời từ 19 đến 23, bị lừa đảo giới thiệu việc làm thu nhập cao tại Thái Lan, Myanmar. Tuy nhiên, khi sang đến Myanmar, các nạn nhân bị thu giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân, hộ chiếu và bị giam giữ tại các khu tập trung của 2 quốc gia này. Tại đây, họ bị ép buộc lao động trong các sòng bạc, cơ sở tổ chức đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt. Những ai không tuân theo lệnh sẽ bị nhốt, đánh đập, thậm chí tra tấn.

Mới đây, cơ quan công an đã thông tin hơn 1.000 học sinh, sinh viên tham gia đường dây liên quan đến vụ án lừa đảo xuyên quốc gia của tiktoker Mr. Pips – Phó Đức Nam phải rơi vào vòng lao lý, phải xử lý nghiêm vì họ biết là lừa đảo mà vẫn tham gia.

Xây dựng "tường lửa" chống lừa đảo

TS. Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu thanh niên – Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam lý giải nguyên nhân các đối tượng tội phạm nhắm đến giới trẻ là do học sinh, sinh viên đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách, các bạn muốn kiếm tiền, muốn phát triển bản thân nhưng còn thiếu rất nhiều kinh nghiệm sống cũng như các kiến thức xã hội. Do đó, không phải bạn trẻ nào cũng có thể phân biệt được đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin không đúng, đâu là bạn tốt, đâu là bạn không tốt…

Bên cạnh đó, người trẻ dễ bị thu hút, cuốn hút bởi những thứ hào nhoáng, vẻ bề ngoài. Chính vì thế, các đối tượng đã xây dựng nên cho bản thân mình một hình ảnh như là những doanh nhân thành đạt, những người có cuộc sống sung túc, vui vẻ để đánh vào tâm lý của người trẻ và nhiều bạn trẻ đã sập bẫy.

Có rất nhiều cách để các bạn trẻ tự chứng tỏ bản thân chứ không phải chỉ có con đường làm giàu. Một bộ phận giới trẻ nghĩ tham gia vào đường dây lừa đảo để khẳng định bản thân xuất phát từ việc các bạn đang bị lệch lạc trong nhận thức, hệ giá trị và nhận thức xã hội, trải nghiệm đang rất hạn chế.

"Mấu chốt là các bạn trẻ đang rất thiếu hiểu biết, thiếu thông tin và đôi khi, các chế tài xử phạt những đường dây lừa đảo chưa thực sự mạnh tay. Nhiều bạn có tâm lý nếu bị phát giác thì chỉ những người đứng đầu, có tên tuổi trong đường dây mới phải chịu trách nhiệm thôi, còn các bạn là người tham gia, cộng tác viên sẽ không liên đới." - TS. Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Khi nhận thức đầy đủ giá trị của cuộc sống, hiểu rằng muốn kiếm được tiền, có cuộc sống tốt đẹp thì phải nỗ lực cố gắng, làm những công việc lành mạnh, không vi phạm pháp luật, cộng thêm sự giáo dục, định hướng, dạy dỗ từ gia đình, nhà trường thì các bạn trẻ sẽ khó "dính" vào những cái bẫy "việc nhẹ lương cao".