Nguyễn Viết Hương, sinh năm 1990, là con út trong gia đình hiếu học ở thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).
Cùng với niềm yêu thích khoa học công nghệ và sự định hướng của bố, Hương đã chọn theo ngành Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ nano của Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ngay khi đang học năm thứ nhất đại học, anh nhận được học bổng của Đề án 322 – chương trình của Chính phủ Việt Nam đưa sinh viên ra nước ngoài đào tạo bằng ngân sách Nhà nước. Anh được chọn sang Pháp, theo học chương trình kỹ sư tại Học viện Khoa học Ứng dụng Quốc gia Lyon - trường đào tạo kỹ sư hàng đầu nước Pháp.
Hành trình 9 năm theo đuổi tri thức trên đất Pháp bắt đầu từ đó. Đó là một chặng đường dài, đầy thử thách nhưng cũng mở ra những cơ hội quý giá, giúp TS. Hương tích lũy kiến thức và trưởng thành hơn trên con đường nghiên cứu khoa học.
“Tôi luôn nỗ lực để hai tiếng Việt Nam được trở nên đẹp đẽ hơn, được tôn trọng hơn trong mắt bạn bè quốc tế, nỗ lực để mai sau có ích nhiều hơn trong công cuộc xây dựng đất nước. So với sự hi sinh, cống hiến to lớn của các thế hệ cha anh đi trước, sự mệt mỏi trên giảng đường, trong phòng thí nghiệm thực sự chỉ là nhỏ bé, không thấm vào đâu nên tôi thường coi sự vất vả đó là niềm hạnh phúc.” - TS. Nguyễn Viết Hương chia sẻ.

Sau 9 năm du học, Nguyễn Viết Hương quyết định trở về Việt Nam để đem kiến thức của mình cống hiến cho nền khoa học vật liệu nước nhà.
Trong 4 năm qua, TS. Nguyễn Viết Hương đã và đang chủ nhiệm cũng như tham gia các đề tài gồm: 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ (quỹ NAFOSTED); tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ (quỹ NAFOSTED); Chủ nhiệm 1 đề tài nghiên cứu khoa học quốc tế, đơn vị cấp kinh phí là quỹ UNESCO; Chủ nhiệm 1 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở.
Anh cũng đã công bố 43 bài báo khoa học, hơn 30 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín. Đặc biệt, anh đang sở hữu một bằng độc quyền sáng chế quốc tế về công nghệ chế tạo vật liệu nano.
Mới đây, TS. Nguyễn Viết Hương được bầu chọn là một trong 10 “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024”. Trước đó, anh đã đạt Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2024. Với anh, những danh hiệu này là sự ghi nhận những cố gắng của cả nhóm nghiên cứu chứ không phải riêng cá nhân. Điều khiến anh vui nhất là được cống hiến hết mình cho sự bình yên, thịnh vượng của đất nước.
Hiện giờ, TS. Nguyễn Viết Hương là giảng viên, Phó Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật vật liệu, Trường Đại học Phenikaa. Anh luôn hỗ trợ giúp đỡ những bạn trẻ, những sinh viên có cùng niềm đam mê, niềm khát khao đối với khoa học.
Biết khoa học vật liệu là lĩnh vực khó, TS. Nguyễn Viết Hương thường đặt mình vào vị trí của sinh để dìu dắt các em về mặt kiến thức, kỹ năng chứ không trình bày môn học ở mức quá chuyên sâu, đưa ra các ví dụ gần gũi, sinh động…, giúp giờ giảng của mình trở nên dễ hiểu, hấp dẫn hơn với các bạn trẻ. Bên cạnh đó, là người làm nghiên cứu chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm thực tế nên anh có thể giúp đỡ sinh viên những lúc cần thiết và chia sẻ với họ con đường của bản thân. Và vô tình, điều đó đã có tác động lớn đến các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh.
“Thầy Hương là người em rất ngưỡng mộ. Câu chuyện của thầy truyền cảm hứng cho em rất nhiều. Nhìn thành tích và quá trình phấn đấu của thầy, em thấy mình cần cố gắng hơn nữa, trước hết là cho bản thân, sau đó là cho gia đình, xã hội. Bọn em có thể học hỏi những cái hay, cái đẹp không chỉ ở đất nước mình mà còn ở đất nước khác, sau đó quay lại phục vụ cho đất nước mình. Thầy đang truyền cảm hứng cho em ra nước ngoài và theo con đường nghiên cứu khoa học 1 cách bài bản.” - Bùi Hạnh Nhung - sinh viên Khoa Khoa học và Kỹ thuật vật liệu khẳng định.
Từ trải nghiệm của bản thân, Tiến sỹ Nguyễn Viết Hương cho rằng, những bạn trẻ muốn theo con đường nghiên cứu khoa học cần nuôi dưỡng đam mê, nỗ lực không ngừng và có kỷ luật. Và như lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là phải có “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”. Vì muốn làm tốt thì phải làm đúng, phải có sự minh bạch, liêm chính trong quá trình nghiên cứu khoa học. Đồng thời luôn phải trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn, phải có hoài bão lớn, ý chí, đừng giới hạn bản thân. Đặc biệt, các bạn cần tìm được những địa chỉ tốt, những người thầy tốt để theo học.
TS. Nguyễn Viết Hương rất kỳ vọng vào Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo anh đây sẽ là bước đột phá về mặt cơ chế, chính sách, mở đường cho nhà khoa học có cơ hội triển khai nghiên cứu mang tính đột phá về công nghệ và kết quả ứng dụng. Đồng thời, thu hút những nguồn nhân lực chất lượng cao trở về, cống hiến cho đất nước; thu hút học sinh, sinh viên dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.