Đề thi có 80% trùng hợp và nỗi lo ảnh hưởng điểm chuẩn Y, Dược

Trao đổi với PV VOV2, Thầy Đinh Đức Hiền, người đã phản ánh về đề thi tổng ôn môn Sinh học của thầy Phan Khắc Nghệ (Hà Tĩnh) trùng 80% đề thi tốt nghiệp THPT cho rằng, nếu đây là sự đoán trước đề của một giáo viên thì thực sự là chuyện vô cùng lạ ở Việt Nam. Bởi vì bên cạnh các nội dung dạng chữ, còn có nhiều hình vẽ không có trong SGK hay bất kỳ đề nào trước đó. Đặc biệt, một số câu có sự trùng lặp từng câu chữ một cách chính xác, nguyên vẹn như trong đề thi.

Thầy Hiền phân tích, sự trùng hợp không chỉ dừng ở con số 80% mà còn đến từ 4 cấp độ của câu hỏi. Nếu chỉ rơi mức độ câu hỏi nhận biết, thông hiểu thì câu chuyện sẽ nhẹ nhàng vì nhiều thầy cô cũng có thể ôn được như vậy. Nhưng cả những câu hỏi khó, câu hỏi phân loại điểm 9-10, có những câu hình vẽ không hề có trong SGK hay tài liệu nào.

Đề năm nay có 1 câu hỏi hình vẽ này chưa từng xuất hiện trong đề thi của bất kỳ Sở nào, tài liệu trong SGK nào, đề của thầy Nghệ cộng với đề chính thức có sự tương đồng rõ ràng, có tương đồng cả nhận biết thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Tất cả các mức độ vê mặt câu hỏi.

Nếu thực sự chỉ có các câu hỏi đơn giản thì câu chuyện lại khác. Nếu chỉ nhìn 32/40 thì có thể chưa rõ câu chuyện mà phải nhìn vào file đối chiếu so sánh nhiều mức độ câu hỏi khác nhau. “Tương đồng 80% rất hiếm và chưa thầy cô giáo nào khẳng định có thể ôn được tương đồng 80% và băn khoăn hơn cả là mức độ tương đồng từ cả câu dễ đến câu khó”.

Thầy Hiền cho biết thêm, khi ông post băn khoăn lên mạng thì có nhiều người nói 32 câu này đã được ôn tập trong nhiều đề trước đó. Nếu 32 câu này rải rác trong các đề trước đó thì không có vấn đề gì nhưng thầy Nghệ tổng hợp được 32 câu này trong tổng ôn cuối cùng tương đồng với đề thi thật, đây mới là vấn đề.

Theo thầy Hiền, mỗi năm Bộ GD&ĐT chi hàng chục tỷ đồng cho việc xây dựng ngân hàng đề thi. Với một ngân hàng đề thi phong phú, rộng lớn được xây dựng công phu bao nhiêu năm thì việc xảy ra chuyện tương đồng với đề thi thật với tỷ lệ cao như vậy là “bất thường”.

Với một tỷ lệ “đoán đề” cao như vậy, thầy Hiền cho rằng những học sinh ở mức 6-7 có thể dễ dàng nâng lên được điểm 9-10 chỉ trong vòng một vài ngày. Điều này có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến điểm chuẩn của khối ngành Y Dược. Học sinh thi môn Sinh phần lớn có mục tiêu vào các trường Y dược, điểm chuẩn vô cùng cao, chỉ tiêu rất ít, bản thân mỗi học sinh phải trải qua học tập khổ cực 3 năm liền mới đạt được.

Trước đó, ngày 12/7, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên của Hệ thống giáo dục HOCMAI đăng bài trên trang Facebook cá nhân với nội dung “Buổi tổng ôn trọng tâm đêm cuối trước ngày thi cho 4000 thí sinh khóa VIP và nội dung đề thi thật – sự trùng hợp ngẫu nhiên hay một lý do nào khác?”

Bài post có kèm hình ảnh cho rằng, tài liệu và 2 video của buổi LIVE Tổng ôn cuối cùng ngay sát trước ngày thi chính thức 8/7/2021 của môn Khoa học tự nhiên (bao gồm một video Củng cố lý thuyết trọng tâm phát ngày 5/7/2021 và một video chữa đề số 40 trong Khóa luyện thi VIP ngày 7/7/2021). Khi so sánh mã đề chẵn và lẻ của đề thi thật và những tài liệu của thầy Phan Khắc Nghệ, cho thấy đề của thầy Nghệ và đề thi chính thức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 có tỷ lệ tương đồng tới 80% (32/40 câu).

Tiếp đó, thầy Hiền đã gửi tâm thư phản ánh sự việc này đến Bộ GD&ĐT với mong muốn Bộ GD&ĐT cùng cơ quan chức năng sẽ có phương án xử lý, đưa ra câu trả lời xác đáng cho dư luận “tại sao có sự trùng hợp ngẫu nhiên, đây có phải trùng hợp ngẫu nhiên không hay còn có một lý do nào khác?”

Chỉ 23 câu hỏi trùng ý tưởng

Trao đổi với PV VOV2, thầy Phan Khắc Nghệ cho rằng những chia sẻ của thầy Đinh Đức Hiền không hoàn toàn đúng sự thật. “Vì nếu có người giỏi hơn gấp 1000 lần thầy Nghệ mà ôn được 80% đó đã là bất thường. Tất nhiên bài ôn cuối cùng thầy cô nào cũng dùng hết công lực để cô đọng, dự đoán khả năng cao nhất nhưng cũng không thể dự đoán 80% được, đó là điều phi lý”.

Lý giải cho khẳng định này, thầy Nghệ cho biết tối qua ông đã xem lại những phân tích của thầy Hiền đưa lên. Theo đó, thầy Hiền vẫn chụp thiếu bởi bài đăng mới được mười mấy câu. Phân tích đề thi với phần tổng ôn, tôi thấy có có 3 câu có thể xem trùng y nguyên (tất nhiên lời văn không giống nhau), một số câu trùng ý tưởng, có 2 câu thầy Hiền đưa vào nữa nhưng không thuộc 2 bài tổng ôn mà thuộc 2 bài học trước đó, sơ lược là 25 câu. Thầy Nghệ nói thêm, những câu trùng đó đều có trong chương trình SGK chứ không phải ở đâu ra.

Theo thầy Nghệ, những phản ánh của thầy Hiền tạo ra sự phẫn nộ trong dư luận và thiếu thận trọng.

Trong dạy học việc giống nhau nội dung phần điểm 7 trở xuống xảy ra ở rất nhiều môn, vì đề thi hiện nay là đề “2 trong 1” chỉ có khoảng 3 điểm ĐH là khó, vận dụng và vận dụng cao còn phần từ 6.5-7 điểm là phần cơ bản SGK đánh giá tốt nghiệp, nằm trong hướng dẫn giảng dạy và định hướng đề minh họa của Bộ GD&ĐT.

“Tôi cô đọng 23 câu, có 2 câu nữa là đề trước đó là 25 trúng dạng chứ không trúng y nguyên. Ví dụ cùng nói về cái bàn, bên mình mô tả cấu tạo bàn, bàn làm bằng gỗ, đá, kim loại, bàn có màu này màu kia, bàn có mấy chân… còn đề thi hỏi bàn có mấy chân, câu đó gọi là câu trùng ý tưởng chứ không thể trùng được. Người thầy ở buổi cuối cùng mà không trùng ý tưởng thì học sinh không nghe cho, nhất là các thầy dạy online đầu tư chuyên môn càng cao”, thầy Nghệ khẳng định.

Quá trình dạy học thì dạy từ A đến Z bao phủ kiến thức nhưng 1-2 buổi cuối cùng đều ôn lại những kiến thức cô đọng nhất, đó là nguyên lý chứ không riêng gì tôi. Tùy kinh nghiệm thì có người ôn trúng nhiều, có người ôn trúng có người không trúng gì. Đã gọi ôn cuối cùng thì phải khái quát toàn bộ.

Việc ôn trúng nội dung như thầy Hiền nói là đúng. Nếu câu phân hóa thì có câu đảo là câu phân hóa SGK là đề thi thử của Nghệ An và một số trường đã thi thử trên mạng, mình tham khảo những đề thi hay sẽ đưa vào nội dung ôn cuối cùng.

Còn câu hình vẽ khi giảng bao quát mình đưa ra các tình huống. Người ra đề có thể hỏi theo hướng vẽ hình. Vẽ hình thì sẽ có kiểu này kiểu kia thì mình đã giảng bài bao trọn chủ đề, khi người ra đề khai thác phần nào thì phần đó sẽ nằm lọt vào phần mình giảng. Ai ra đề cũng thế, sẽ ra 1 tình huống trong những tình huống mình đã giảng trong phần trên, nằm trong “rọ” của mình, đó gọi là “bao vây kiến thức”. Rất tường minh, dễ hiểu.

Những người trong cuộc thừa hiểu bản chất luyện thi thế nào, buổi cuối cùng luyện thi thế nào. Buổi cuối cùng phải là buổi cô đọng lại toàn bộ kiến thức mà thầy cô nghĩ rằng có thể là trọng tâm nhất, những phần đó không phải hôm đó mới dạy mà đã dạy trước đó 1-3 tháng’, thầy Nghệ nhấn mạnh.

Thầy Nghệ cho biết, bản thân mình có 10 năm đi làm đề cho Bộ GD&ĐT từ 2009-2018 nên những ngày qua khi những lùm xùm đề thi xuất hiện, những người không biết tưởng thầy thỉnh thoảng vẫn còn đi làm đề thì họ lo, có thể thầy Nghệ không tiêu cực nhưng “tình ngay lý gian” họ gọi điện hỏi, nhưng tôi là người trong cuộc thì cảm thấy vui vẻ, bình thường.

Bộ GD&ĐT và cơ quan chức năng vào cuộc sẽ đưa chuyên gia phân tích trùng đề là ngẫu nhiên hay lý do nào khác. “Sau khi có kết luận, tôi sẽ có bài nói đầy đủ về vấn đề này”, thầy Nghệ khẳng định.

Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh cho biết mong muốn Bộ GD&ĐT sớm kết luận vì càng để lâu bao nhiêu dư luận có cái nhìn không thiện cảm với ngành giáo dục.

“Tôi và thầy Hiền đều chỉ là hạt cát nhỏ, dù ai đúng ai sai, người ta không đánh giá tôi và thầy Hiền quá nhiều mà đánh giá nền giáo dục Việt Nam. Nếu không có kết luận thỏa đáng, dân tình nghi ngờ sẽ không hay, ảnh hưởng đến niềm tin vào nền giáo dục”, thầy Nghệ nói.

Được biết, Bộ GD&ĐT đang xác minh sự việc này nhưng hiện chưa đưa ra kết luận.