Xe lăn điện điều khiển bằng đầu, phím ảo, giọng nói
Xe lăn điện đa năng hỗ trợ giám sát sức khoẻ người khuyết tật (Smart Wheel Chair) của nhóm sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội được điều khiển bằng bàn phím gắn trên xe có thể dễ dàng di chuyển ở mọi loại địa hình khác nhau. Người sử dụng có thể trực tiếp sử dụng điện thoại thông minh kết nối với vi điều khiển trung tâm của xe qua wifi.
Ứng dụng cho phép người sử dụng điều khiển xe lăn bằng cử chỉ đầu, phím ảo, giọng nói… Cánh tay robot trên xe lăn giúp người nhà hoặc bác sĩ có thể hỗ trợ người khuyết tật chi trên ăn uống, sinh hoạt qua camera được gắn với xe. Ngoài ra, chiếc xe lăn này còn có thể giúp đo nhịp tim, huyết áp, oxy và nồng độ SpO2 trong máu để đưa ra cảnh báo cho người thân và bác sĩ hướng điều trị tích cực.
Chiếc xe lăn điện thông minh này có vận tốc 5-10km/h, một lần sạc di chuyển được 15-20 km. Hơn cả một chiếc xe lăn dành cho người khuyết tật, nó còn mở rộng các tính năng để phục vụ người già, người tập phục hồi chức năng.
Với những tính năng nổi trội và tinh thần nhân văn của sản phẩm, dự án Xe lăn điện đa năng hỗ trợ giám sát sức khoẻ người khuyết tật đã giành giải Nhì, cuộc thi “Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V.
Ý tưởng sản xuất chiếc xe điện thông minh đã được Vũ Văn Toàn, sinh viên năm thứ 4 - Khoa điện – điện tử Trường ĐH Mở Hà Nội ấp ủ từ khi còn là cậu học sinh lớp 11. Thông qua bạn bè, Toàn biết đến một người chị mắc bệnh xương thủy tinh. “Dù căn bệnh khiến chị khó di chuyển, làm việc gì cũng cần sự trợ giúp từ gia đình nhưng ngược lại ở chị luôn có tinh thần lạc quan, tinh thần đó đã truyền động lực tới em. Từ đó, em mong muốn tạo ra xe lăn điện thông minh giúp người khuyết tật đi lại dễ dàng hơn và có thêm niềm tin vào cuộc sống”.
Tuy vậy vì kiến thức cấp 3 còn hạn chế, Toàn chưa thể thực hiện được mong ước chế tạo xe lăn thông minh. Cậu chỉ biết nuôi ý chí và quyết tâm học tập để trở thành sinh viên ngành kỹ thuật.
Phải đến năm thứ 4 đại học, cậu sinh viên quê Bắc Giang và nhóm khởi nghiệp mới tạo ra chiếc xe lăn điện ưng ý. Chỉ mất hơn 20 ngày chế tạo ra sản phẩm dự thi nhưng trên thực tế nhóm Toàn đã có quá trình hơn 1 năm mày mò, nghiên cứu, chế tạo.
May mắn là nhờ kết nối được với Trung tâm phục hồi chức năng tỉnh Bắc Giang, cả nhóm đã có cơ hội thử nghiệm các tính năng để tạo ra chiếc xe tối ưu với sai số nhỏ nhất.
Giai đoạn thử nghiệm xe lăn điện trên thực tế, nhóm Toàn gặp không ít khó khăn do đa số người khuyết tật còn mặc cảm, tự ti, có người không thể trao đổi trực tiếp được với nhóm nghiên cứu. “Thậm chí, có bác bị cụt tay và không thể nói được. Chúng em đã phải nhờ các bác sĩ, người nhà của bác giao tiếp lấy ý kiến để tìm hiểu về mong muốn của bác”, Toàn kể.
Quá trình thử nghiệm đã cho phản hồi tích cực, nhóm nghiên cứu đã tập hợp được nhu cầu, mức độ tài chính, dáng vẻ, kích thước khác nhau của mỗi người để hoàn thiện sản phẩm theo đúng nhu cầu của từng người.
Định hướng đưa AI vào xe lăn điện thông minh
Sản phẩm xe lăn điện thông minh khi đưa ra thương mại có giá dao động từ 8-16 triệu đồng tùy vào nhu cầu của người sử dụng. Mặc dù tích hợp nhiều tính năng nhưng theo trưởng nhóm Vũ Văn Toàn, nhóm cố gắng tạo ra những chiếc xe giá cả phải chăng vì khách hàng chính là những người yếu thế.
Đây cũng là yếu tố giúp nhóm khởi nghiệp cạnh tranh được với các sản phẩm hiện có trên thị trường. Phạm Trung Cương, sinh viên năm 2 Khoa Điện – Điện tử - thành viên dự án cho biết, trong tương lai, nhóm sẽ tiếp tục cải tiến các tính năng của chiếc xe điện thông minh này để giúp người khuyết tật tự chủ hơn trong cuộc sống.
“Định hướng của chúng em sẽ thêm trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu, thông số sức khỏe cho người dùng. Cùng với đó là tích hợp GPS vào để quản lý xe lăn trong một trung tâm, đo về sóng não”.
5 thành viên, hơn 1 năm cùng nhau xây dựng dự án khởi nghiệp, dẫu có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình làm việc nhưng cuối cùng sản phẩm tối ưu nhất đã ra đời vì tất cả các thành viên trong nhóm đều chung tầm nhìn, chung mục tiêu, hướng tới một sản phẩm nhân văn dành cho người yếu thế.
Phụ trách mảng marketing cho dự án, Quản Thị Nhân, nữ sinh Ngành tự động hóa, Khoa Điện – Điện tử, Trường ĐH Mở Hà Nội cho biết, làm dự án cũng là quá trình sinh viên tiếp thu nhiều kỹ năng khởi nghiệp quý báu từ các thầy cô và doanh nghiệp.
Từ năm 2019 đến nay, Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức Cuộc thi Học viên - Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp thu hút hàng trăm ý tưởng của người học ở tất cả các hệ và hình thức đào tạo từ chính quy đến từ xa và vừa làm vừa học đăng ký tham gia. Năm 2020 Dự án Ứng dụng kết nối và hỗ trợ người già - App CASO của sinh viên Nhà trường đạt giải Nhì Toàn quốc. Năm 2021: Dự án Bộ trò chơi Thách đố Tài chính - Finance Challenge vào TOP 10 Toàn quốc. Năm 2022: Dự án Bộ sách Chinh phục Ngôn ngữ dành cho trẻ rối loạn phát triển - Đạt giải Nhất - Cuộc thi "Nữ sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2022" toàn quốc do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Nghe Audio tại đây:
Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V được phát động từ tháng 11/2022 đã nhận được 508 dự án thuộc 5 lĩnh vực: công nghiệp, chế tạo sản phẩm; nông, lâm, ngư nghiệp; giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính; y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp và kinh doanh tạo tác động xã hội. Từ cuộc thi này, nhiều dự án khởi nghiệp đã được các nhà đầu tư “để mắt” bởi tính nhân văn và khả thi.