Trong các ngày 7-8 tháng 9, cơn bão số 3 Yagi đổ bộ vào các tỉnh ven biển phía Bắc gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng. Khi làm nhiệm vụ phòng chống bão, trong lúc cùng anh em đồng đội tổ chức vận chuyển cây về chằng chống lán trại tại thôn Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, do đường trơn trượt, ô tô bị lật, để cứu đồng đội khỏi nguy hiểm, thượng úy Nguyễn Đình Khiêm đã lấy thân mình cứu đồng đội thoát khỏi hiểm nguy và anh đã hy sinh ở tuổi 27.
Tấm gương hy sinh của liệt sỹ Nguyễn Đình Khiêm đại đội trưởng đại đội 3, tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 513, quân khu 3 đóng quân tại tỉnh Quảng Ninh đã được cô giáo Đặng Nguyệt Anh (Giáo viên trường THPT Hà Nội Amsterdam) đưa vào đề văn nghị luận.
Đề văn yêu cầu: "Hãy viết một bài văn nghị luận khoảng 600 chữ về chủ đề CỐNG HIẾN VÀ HY SINH. Trong bài viết cần nêu bằng chứng mới nhất về tấm gương của Liệt sỹ Nguyễn Đình Khiêm và một bằng chứng tiêu biểu trong quá khứ có trong sách tổng tập 2022."
Cơn bão Yagi khiến lớp học của cô giáo Nguyệt Anh và các em học sinh thay vì học trực tiếp phải chuyển sang học online. Tuy nhiên thời gian rất ngắn ngay sau khi ra đề, cô đã rơi nước mắt khi nhận được những bài văn của các em học sinh bên cạnh đó là những dòng cảm xúc của các em trước thiệt hại mà cơn bão Yagi gây ra cũng như tấm gương hy sinh của liệt sỹ Nguyễn Đình Khiêm.
Em Dương Khánh Chi viết : "Con đã gửi gắm niềm thương tiếc cũng như tự hào của mình về Liệt sỹ Nguyễn Đình Khiêm. Tự hào vì người anh hùng ấy mang trong mình dòng máu Việt Nam và tiếc thương bởi một trái tim nhân hậu lại ra đi quá sớm ..."
Trong bài văn của Khánh Chi có đoạn: " Cống hiến và hy sinh là hai giá trị vĩ đại phản ánh sự cao thượng và trách nhiệm của con người với cộng đồng và Tổ quốc. Những cá nhân dám từ bỏ lợi ích cá nhân, chấp nhận đối mặt với nguy hiểm, hoặc dấn thân vào những công việc khó khăn đều mang trong mình một tinh thần đáng quý, là hình mẫu của những người sống vì người khác. Sự cống hiến nằm ngay trong hành động hàng ngày của mỗi chúng ta. Sự cống hiến luôn có ý nghĩ, có giá trị và ở mỗi giai đoạn có những biểu hiện khác nhau...
Tìm mọi cách để cống hiến là hành động đáng để chúng ta khen ngợi, góp phần nâng cao giá trị của mỗi cá nhân trong cuộc sống cũng như hình thành lý tưởng sống đúng đắn tích cực . Nó góp phần tạo ra những giá trị hữu ích thúc đẩy xã hội phát triển. Cống hiến thể hiện phong cách sống đẹp, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với việc mình làm, không ngại khó khăn mạnh dạn tiến về phía trước. Đó là lời khẳng định giá trị của bản thân cũng như chứng tỏ vai trò, bản lĩnh của người cống hiến.
Sự hy sinh của liệt sỹ Nguyễn Đình Khiêm không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả mà còn là minh chứng sống động cho phẩm chất của người lính dũng cảm, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì sự bình yên của cộng đồng ."
Cùng lớp chuyên văn với Khánh Chi, chứng kiến sự tàn phá của cơn bão Yagi, Lê Hoàng Bảo Anh lại có cách thể hiện rất chi tiết từ sự hy sinh của liệt sỹ Nguyễn Đình Khiêm . Em viết :"Ta có thể thấy sự cống hiến hiện diện bất cứ đâu, ở bất kỳ hình trạng nào. Đó là sự hy sinh của người lính trong chiến tranh vì độc lập tự do của dân tộc, từ hình ảnh người lính cứu hỏa xả thân vào lửa cứu người, từ sự nỗ lực học tập để đạt thành tích cao đem vinh quang về cho Tổ quốc, hay sự tận tụy lao động của chính người mẹ, người cha chăm lo cho gia đình... Cơn bão YAGI với sức tàn phá quá mạnh, và liệt sỹ Nguyễn Đình Khiêm đã quên thân để bảo vệ mạng sống cho đồng đội của mình. Trước thiên tai, con người chỉ là hạt cát bé nhỏ, sự hy sinh của liệt sỹ Nguyễn Đình Khiêm khiến nhân dân cả nước đau lòng, khiến những người trẻ cảm phục và tự thân cảm thấy cần cống hiến nhiều hơn cho cuộc đời cho xã hội để xứng đáng với những gì cuộc sống đã ban tặng cho mỗi chúng ta ... "
Trong một bài văn khác của em nhắc đến câu nói của nhà nghiên cứu James Allen " Không thể có tiến bộ hay thành tựu mà không có hy sinh ". Việc chúng ta tự nguyện trao đi, vì lợi ích chung không tính toán thiệt thòi đó chính là cống hiến. Đức hy sinh và sự cống hiến mang lại những lợi ích lớn lao cho cả người hy sinh cống hiến lẫn những người được hưởng lợi từ sự hy sinh cống hiến ấy cho dù sự cống hiến, hy sinh ấy là lớn hay nhỏ nhưng nó đều đem lại hạnh phúc cho cả hai bên.
Cống hiến và hy sinh là một lẽ sống đẹp, đem lại cho ta những trải nghiệm thú vị, những bài học đắt giá, cho chúng ta sống trọn vẹn nhất Liệt sỹ Nguyễn Đình Khiêm hy sinh nhưng lòng dũng cảm và đức hy sinh của anh đã in sâu và lắng đọng trong trái tum của mọi người. Đó là hình ảnh chân thực của người lính "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ ".
Bài văn của em Phạm Quỳnh Anh cũng khiến cô giáo Nguyệt Anh cảm động, bài văn có đoạn "Naponeon từng quan niệm "Những thành tựu lớn lao được sinh ra từ sự hy sinh lớn lao và chẳng bao giờ là kết quả của sự ích kỷ ". Sự hy sinh ,cống hiến trong cuộc sống luôn là điều đáng trân quý và đó là một trong những đức tính cao cả, đẹp đẽ nhất của một con người.
Cho đi để nhận lại, sự hy sinh, cống hiến đôi khi mang màu sắc đau thương nhưng nếu thế giới này mất đi hai chữ cống hiến thì nó sẽ chỉ là một quả cầu chứa đựng những que củi biết đi lại, nhàm chán, lạnh lẽo, vô cảm ...
Những bài văn từ tấm gương hy sinh của liệt sỹ Nguyễn Đình Khiêm là nén tâm nhang, là lời tri ân của tuổi trẻ học đường đối với một người lính thời bình vừa nằm xuống.
Cống hiến và hy sinh là chủ đề không bao giờ cũ, cô giáo Đặng Nguyệt Anh là một giáo viên tiên phong ra đề văn mở ngay từ rất sớm. Việc đưa những nhân vật, những sự kiện cuộc sống vào đề văn sẽ giúp cho các em học sinh có cơ hội để bộc bạch những suy nghĩ, những cảm nhận của mình về cuộc sống, về con người, về sự vật, hiện tượng bên cạnh cách hành văn. Từ đó những người thầy và cả các bậc cha mẹ hiểu được tâm trạng, tâm tính, năng lực nhận thức của học trò, của con em mình mà đồng hành cùng các con trên con đường học tập và trưởng thành để biết sống đẹp, biết cống hiến và hy sinh, biết đóng góp và dựng xây Tổ quốc mình.