Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học tiên phong thành lập Trung tâm khảo thí và xây dựng ngân hàng đề thi cho kỳ thi đánh giá năng lực nhằm giúp các trường đại học lấy kết quả đó làm căn cứ tuyển sinh đầu vào đại học. Đến nay, sau nhiều năm triển khai kỳ thi đánh giá năng lực, chất lượng của đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội ngày càng được khẳng định và đã được rất nhiều trường đại học lựa chọn làm cơ sở xét tuyển đầu vào đại học.

Năm 2024, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội có những điểm gì mới? Thí sinh cần lưu ý gì khi đăng ký dự thi, chọn ngày thi ca thi và đâu là chiến lược làm bài thi để có thể đạt kết quả cao nhất? Đặc biệt, điều mà thí sinh mong đợi đó là có bao nhiêu trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển đại học. Phóng viên VOV2 đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội về nội dung này.

PV: Thưa Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo! Ngày 10/1 vừa qua, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố kế hoạch triển khai kỳ thi đánh giá năng lực cho học sinh trung học phổ thông trong năm 2024. Vậy Giáo sư có thể cho biết cụ thể kế hoạch triển khai kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội trong năm 2024?

GS Nguyễn Tiến Thảo: Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị đầu mối được giao tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Trong thời gian qua, chúng tôi đã kiểm tra 19 trường đại học để đặt điểm thi trên 11 tỉnh thành khu vực phía Bắc và một số tỉnh thành mới triển khai trong năm 2024 đó là Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh.

Năm 2024, chúng tôi có 6 đợt thi (từ ngày 23/3 cho đến ngày mùng 2/6). Các đợt thi tháng 3 và tháng 4 sẽ bắt đầu đăng ký từ ngày 18/2, còn lại thì đăng ký vào ngày 16/3.

Mặc dù ngày 18/2 thí sinh mới đăng ký dự thi nhưng vẫn khuyến cáo thí sinh nên lập tài khoản đăng ký dự thi ngay từ bây giờ. Bởi vì hàng năm các bạn lập muộn hoặc đến sát thời điểm đăng ký dự thi mới lập tài khoản rất dễ xảy ra sai sót.

Trong năm 2024, một điểm mới nữa là chúng tôi cũng sử dụng công nghệ nhận diện thí sinh tại các điểm thi, vậy lập tài khoản sớm, cung cấp ảnh sớm, số căn cước công dân sớm sẽ hạn chế sai sót và thuận tiện cho các bạn thí sinh trong việc tiếp cận và làm bài thi ngay tại địa điểm thi, tránh phải chỉnh sửa những thông tin cần thiết.

PV: Giáo sư có thể cho biết trong năm nay thì kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội có những điểm gì mới so với năm 2023?

GS Nguyễn Tiến Thảo: Kỳ thi đánh giá năng lực khi được thiết kế với mục tiêu ổn định, phân loại và đánh giá tương đối toàn diện. Về phương diện chuyên môn thì chúng tôi giữ nguyên, ổn định về cấu trúc, về lĩnh vực, về loại hình câu hỏi.

Điểm mới là về kỹ thuật nhiều hơn, đó là chúng tôi tăng quy mô, tăng địa điểm thi, mở thêm những địa điểm thi mới và có một điều nữa là chúng tôi sẽ đồng bộ dữ liệu với cổng thông tin xét tuyển đại học của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Do vậy, thí sinh có cơ hội là xét tuyển sớm tại các trường đại học sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực được hoặc là xét tuyển cùng với đợt xét tuyển chung của Bộ Giáo dục - Đào tạo trong thời gian tới đây.

PV: Sự đồng bộ dữ liệu kết quả kỳ thi đánh giá năng lực với cổng thông tin xét tuyển của Bộ GD-ĐT có làm tăng thêm cơ hội xét tuyển cho thí sinh không thưa GS? Và GS có thể cho biết những đối tượng như thế nào thì được đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực?

GS Nguyễn Tiến Thảo: Đúng là việc đồng bộ dữ liệu kết quả kỳ thi đánh giá năng lực với cổng thông tin xét tuyển của Bộ GD-ĐT sẽ làm tăng thêm thời gian và cơ hội để cho các bạn thí sinh cũng như hoàn thiện hơn các khâu kỹ thuật để xét tuyển.

Từ năm 2021 đến nay kỳ thi đánh giá năng lực chấp nhận các thí sinh đang học chương trình lớp 12, bậc trung học phổ thông hoặc tương đương. Còn đối với các học sinh lớp 11 cũng có nguyện vọng đăng ký nhưng chúng tôi không khuyến khích vì trong suốt thời gian qua các bạn lớp 11 tham gia thi điểm thi trường không cao.

Còn những thí sinh đã tốt nghiệp trong khoảng ba năm trở lại thì các bạn hoàn toàn được đăng ký nhưng sẽ phải khai báo thông tin thêm mục đích đăng ký của kỳ thi để đảm bảo phục vụ đúng mục đích là thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học, tránh rơi vào các mục tiêu không chính đáng gây ảnh hưởng đến mục đích ý nghĩa của kỳ thi.

PV: Thí sinh có bị giới hạn số lần đăng ký thi đánh giá năng lực không, thưa giáo sư?

GS Nguyễn Tiến Thảo: Từ năm 2023 thì chúng tôi giới hạn thí sinh dự thi tối đa 2 lượt thi trong 1 năm và điểm đặc biệt là thí sinh phải đảm bảo khoảng cách giữa hai lượt thi là 28 ngày.

Nhiều bạn thí sinh rất mong muốn thi nhiều lần, nhưng trên thực tế việc thi nhiều đối với kỳ thi đánh răng lực không có tác dụng, cụ thể là khó thay đổi kết quả điểm thi.

Một điểm nữa thí sinh thường tập trung tham gia thi vào tháng 4, tháng 5 nên chúng tôi muốn dành ưu tiên cho nhiều thí sinh được tiếp cận với kỳ thi và có cơ hội để xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh năng lực. Do đó, thay vì thi nhiều lần, các em hãy ôn tập thật tốt, nghiêm túc thì sẽ đạt kết quả cao.

PV: Giáo sư có thể chia sẻ dạng thức, cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của năm 2024 và có điều gì mà thí sinh cần phải lưu ý ?

GS Nguyễn Tiến Thảo: Bài thi đánh giá năng lực ổn định về mặt chuyên môn, do vậy thì năm 2024 cũng tương tự những năm trước đây.

Bài gồm có ba phần: phần một là tư duy định lượng gồm 60 câu hỏi trong thời gian 75 phút với tổng điểm 50 điểm. Phần thứ hai là tư duy định tính về văn học và tư duy ngôn ngữ thời gian làm bài 60 phút, với 50 câu hỏi tổng điểm là 50 điểm. Phần còn lại là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có thời lượng làm bài 60 phút với 50 câu hỏi, tổng điểm là 50 điểm.

Tôi muốn lưu ý là các câu hỏi trong đề thi không giới hạn trong chương trình trung học phổ thông, không có giảm tải như những kỳ thi khác. Bởi vì lưu ý đây là kỳ thi đánh giá năng lực mà chúng tôi thiết kế nên câu hỏi theo hướng tiếp cận, đánh giá năng lực phân loại thí sinh, không có đố mẹo, không đánh đố, khó, không đố nhớ và phông nền kiến thức, kỹ năng là ổn định nên thí sinh cứ yên tâm ôn tập là tích lũy cả một quá trình từ những năm trước và năm nay các bạn hoàn toàn yên tâm dự thi.

PV: Giáo sư có thể chia sẻ phương pháp làm bài thi đánh giá năng lực và tư vấn cho các em thí sinh, nhất là những em thi lần đầu nên chuẩn bị một tâm thế cũng như có chiến lược như thế nào để làm cái bài thi đạt được điểm tốt nhất?

GS Nguyễn Tiến Thảo: Đối với kỳ thi đánh giá năng lực là kỳ thi trên máy tính nên có những yêu cầu khác với kỳ thi trên giấy, nếu thí sinh dự thi các bài thi trên giấy sẽ nhận thấy là có một chút bỡ ngỡ. Khi mà làm bài thi trên máy thì tôi muốn chia sẻ một vài điều.

Thứ nhất là bài thi đánh giá năng lực có ba phần và câu hỏi được xếp một cách ngẫu nhiên, không từ dễ đến khó như bài thi trên giấy, các bạn sẽ phải làm quen và khi các bạn tiếp cận thì các bạn sẽ phải làm, cố gắng tiết kiệm được tối đa thời gian. Đối với những câu hỏi dễ nó khoảng 25 cho đến 40 giây, các bạn phải hoàn thành câu hỏi dễ. Có những câu hỏi khó đòi hỏi thời gian nhiều hơn một phút, thậm chí đến hai phút rưỡi.

Trong một phần thi thì các bạn có thể quay hoàn toàn trở lại. Ví dụ: phần một có 60 câu hỏi mình sẽ làm câu một, đến câu 50 rồi lại quay lại. Nhưng khi chuyển sang phần hai là các bạn sẽ không quay lại được phần một. Điểm thứ ba nữa là đối với phần khoa học, chúng tôi có có phần tự nhiên và xã hội thì thông thường là những môn như là chủ đề về lý, hóa, sinh thì cũng sắp xếp một cách ngẫu nhiên.

Các bạn cũng không hình dung là mình phải thi lý xong mới thi hóa thì phải hình dung ra cái cái cái điểm như vậy để cho các bạn làm việc và cố gắng tiết kiệm thời gian. Khi chúng ta tiết kiệm thời gian chúng ta sẽ hoàn thành được tốt.

Điều cuối cùng tôi cũng muốn nói là đừng cố tìm hiểu xem câu hỏi nào là câu hỏi thử nghiệm, vì trong bài thi chúng tôi có 1 - 3 câu hỏi thử nghiệm. Thí sinh đừng mất thời gian làm câu hỏi thử nghiệm mà hãy cố gắng làm tốt tất cả những câu hỏi của bài thi.

PV: Giáo sư có thể cho biết điểm bài thi đánh giá năng được được đánh giá như thế nào?

GS Nguyễn Tiến Thảo: Đối với bài thi đánh giá năng lực là bài thi trên máy là hệ thống chấm điểm hoàn toàn tự động. Thí sinh dựa trên số lượng câu hỏi đúng. Các bạn yên tâm làm bài và nếu như không có gì thì sau khi kết thúc chúng ta có điểm hiển thị trong 60 giây để các bạn quan sát. Nếu ta trả lời sai thì câu đó không tính điểm nên các bạn đừng bỏ lỡ bất kỳ một câu hỏi nào trống mà hãy làm hết sức, kể cả trong trường hợp mình chưa đảm bảo rằng đúng thì hãy lựa chọn phương án là phù hợp và mình cảm thấy đúng nhất, đừng để lỡ một câu hỏi nào.

Điểm thứ hai, từ năm 2023 và đặc biệt trong năm 2024 chúng tôi nhấn mạnh thêm là chúng tôi kiểm soát rất chặt chẽ việc thí sinh ra vào phòng thi bằng cách kiểm tra qua hệ thống an ninh điện thoại di động hay bất kể các phương tiện có kim loại và chúng tôi đều quét, đều rà soát chặt chẽ. Do vậy thì thí sinh hãy tập trung ôn tập cho tốt để làm bài thi đạt điểm quả cao.

Bất kỳ một hình thức gian lận nào thì đều bị xử lý, đình chỉ ngay tại chỗ và hủy tất cả kết quả của kỳ thi đó và thậm chí những kỳ thi trước, dù em có đạt điểm cao cũng bị hủy. Nếu như em vi phạm quy chế thi thì đấy là cái điểm mà lưu ý về điểm bài thi vẫn đánh giá, công nhận kết quả thi.

PV: Thưa Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo, trong mấy năm qua tại các điểm diễn ra kỳ thi đánh giá năng lực trong và ngoài địa bàn Hà Nội thì Đại học Quốc gia Hà Nội đã có một sự chuẩn bị như thế nào từ việc chọn trụ sở, địa điểm tổ chức kỳ thi, đảm bảo an toàn cho kỳ thi cũng như chuẩn bị các phương tiện máy tính nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh? Đặc biệt nữa là vấn đề là tập huấn các cái kỹ năng cho các cái cán bộ giám sát và trông thi?

GS Nguyễn Tiến Thảo: Đây là một kỳ thi chúng tôi tiếp cận hướng tới kỳ thi chuẩn hóa về công tác chuẩn bị rất là công phu. Kỳ thi năm 2024 chúng tôi phải chuẩn bị từ đầu năm 2023 những công tác khác.

Đối với tiêu chuẩn thì chúng tôi có ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật của kỳ thi, trong đó yêu cầu về số lượng máy tính ở một điểm thi, cấu hình của máy tính, đường truyền nội mạng. Khoảng cách giữa hai máy tính giữa hai thí sinh liền kề, điện cung cấp cho hệ thống thi và nguồn điện chiếu sáng hay là khu vực kiểm tra an ninh khu vực tiếp đón đều phải đạt được những tiêu chuẩn quy định.

Chúng tôi rà soát trước ngày 30/12/2023, phải đảm bảo được điều kiện để đưa vào tháng 1/2024 là công bố lịch thi để tổ chức kỳ thi. Sau khi công bố lịch thi là xây dựng đội ngũ cán bộ tham gia kỳ thi từ cán bộ của cơ sở đến cán bộ của Đại học Quốc gia Hà Nội. Chúng tôi có những hội nghị tập huấn yêu cầu cán bộ phải tham gia đầy đủ từng vị trí, từng chức năng, đảm bảo đúng chức năng, đúng nhiệm vụ và hỗ trợ cho nhau để đảm bảo kỳ thi tốt mục tiêu hay là tiêu chí của kỳ thi chúng tôi là an toàn và bảo vệ đề thi, bảo toàn dữ liệu, minh bạch, công khai. Đó là điều tất cả các thí sinh và cũng như là cán bộ làm công tác thi đều phải nắm rõ mục tiêu để hoàn thành tốt kỳ thi.

PV: GS đánh giá thế nào về sự phối kết hợp giữa Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội với các trường Đại học đã lựa chọn để tổ chức các kỳ thi trong thời gian vừa qua? Bên các trường, các địa điểm thi đó có sự phối hợp chặt chẽ như thế nào? Đặc biệt là lực lượng an ninh, chính quyền các địa phương đã phối hợp thế nào để thực hiện nghiêm túc cho kỳ thi này?

GS Nguyễn Tiến Thảo: Đối với các điểm thi đặt tại các tỉnh cũng như là thành phố Hà Nội thì việc đầu tiên là đối với các trường thì chúng tôi có biên bản ghi nhớ, làm việc với các trường ngay từ thời gian ban đầu để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, đảm bảo về nhân lực, về nguồn lực, về số lượng cán bộ coi thi, cán bộ tham gia kỳ thi cũng như là hạ tầng cơ sở.

Thứ hai đây là một kỳ thi có nhiều tính chất riêng biệt, mặc dù mức độ phổ quát đến nhiều tỉnh, thành, Đại học Quốc gia Hà Nội và Bộ Công an có quy chế phối hợp làm việc và hàng năm chúng tôi cũng báo cáo với Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị là Bộ, Cục An ninh chính trị nội bộ có phối hợp chỉ đạo tham gia đến tất cả các tỉnh thành, các bộ phận A03, PA03 đều vào cuộc để hỗ trợ kỳ thi.

Những năm qua, chúng tôi có được sự hỗ trợ của cán bộ an ninh chính trị, an ninh nội bộ rồi cán bộ phòng cháy chữa cháy, cán bộ công an cấp quận, cấp phường đều tham gia. Bên cạnh hệ thống thanh tra, giám sát của đơn vị tổ chức thi cũng như là đơn vị đặt địa điểm thi thì đây là một cái điểm rất là yên tâm để an toàn, từ phòng cháy, chữa cháy cho đến an ninh, an toàn của kỳ thi được ở mức độ cao nhất

PV: Một vấn đề mà thí sinh cũng như là xã hội rất quan tâm. Đấy là qua quá trình triển khai kỳ thi đánh giá năng lực, việc bổ sung ngân hàng đề thi đã được Trung tâm khảo thí thực hiện như thế nào? Nhất là trong khi là các yêu cầu về chất lượng giáo dục ngày càng cao cũng như là chương trình giáo dục phổ thông mỗi một năm thì đều có sự cải tiến?

GS Nguyễn Tiến Thảo: Theo quy chế thi đánh giá năng lực, khi xây dựng thiết kế kỳ thi Đại học Quốc gia Hà Nội yêu cầu và tất cả các đơn vị chúng tôi phải bổ sung tối thiểu 20% câu hỏi hàng năm. Do vậy, ngân hàng câu hỏi mà càng tăng lên hằng năm thì mức độ bổ sung càng nhiều và sau mỗi kỳ thi thì bộ phận chuyên môn chúng tôi đều rà soát, phân tích, đánh giá dữ liệu để đánh giá mức độ ổn định của kỳ thi, đánh giá sự ổn định của dữ liệu. Chúng tôi phân tích độ khó, độ phân biệt của từng câu hỏi, từng mã đề thi để giúp cho việc đo lường, khảo sát hoàn toàn là đánh giá được tương đối chính xác đối với đối tượng dự thi và và điểm thứ hai là đảm bảo được tính công bằng, tính khách quan, tính minh bạch và tính ổn định giữa các đợt thi trong cùng một năm, giữa các đợt thi trong các năm khác nhau, những yếu tố chuyên môn đều được xây dựng dựa trên ngân hàng câu hỏi thi.

PV: Thưa Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo, đến thời điểm này thì có thể khẳng định rằng là chất lượng của kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhận được sự tin tưởng và được rất nhiều trường đại học lựa chọn. Vậy hiện nay có bao nhiêu trường đại học đã đăng ký lựa chọn kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để làm căn cứ xét tuyển vào đại học?

GS Nguyễn Tiến Thảo: Kỳ thi đánh giá lực của chúng tôi được xây dựng thiết kế là kỳ thi chuẩn hóa. Năm 2023, chúng tôi có gần 70 trường đại học đã công bố sử dụng kết quả. Vào năm 2024, quan sát mấy tháng đầu năm thì chúng tôi nhận thấy con số đấy tiếp tục tăng lên trong tháng 3 thì khi các trường tuyên bố đề án tuyển sinh thì số lượng các trường đại học sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực sẽ tăng lên rất nhiều. Cục Nhà trường của Bộ Quốc phòng vừa có văn bản đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội cho phép khai thác, sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực để xét tuyển vào 17 khối trường quân đội. Như vậy, đến thời điểm này tính sơ bộ có gần 90 trường đại học đã sử dụng kết quả bài thi Đánh giá năng lực và chúng tôi tin rằng con số lượng đó tiếp tục tăng trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư !